Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1975
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1976
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1977
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1978
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1979
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1980
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 

Một Mẫu Gương Tận Tụy Phục Vụ

Cha cố Phêrô Mai Trí Thuật giờ đây không còn đứng đồng tế với chúng tôi. Ngài nằm đây, thinh lặng, như một lễ vật đã trọn vẹn dâng hiến. Ngài nằm đây, an nghĩ như một thánh lễ đã kết thúc bình an.

Chính tại nhà thờ này, 9 ngày trước đây Cha cố đã bỏ dở thánh lễ, vội vã đáp lại Lời Chúa gọi, bước từng bước đớn đau mệt mỏi, đi dần vào sự chết. Ngài đã bỏ dở thánh lễ trên bàn thờ, để tiếp tục thánh lễ trong chính bản thân Ngài. Thánh lễ trong chính bản thân Ngài không phải chỉ là những khổ cực trong 5 ngày trọng bệnh, mà còn là tất cả tinh thần tận hiến trong suốt cuộc đời dài, với những lo âu vất vả của bổn phận, với những phấn đấu nội tâm âm thầm, với những cố gắng vượt qua khó khăn trở ngại, với những bước đi dứt khoát tin tưởng vào Chúa, với những nổ lực không ngừng phục vụ Giáo Hội và Quê Hương. Tất cả đều là dâng hiến, đều là cảm tạ, đều là cầu nguyện, để trở thành thánh lễ sống động trong chính bản thân mình.

Thánh lễ bỏ dở hôm ấy là thánh lễ từ biệt. Ngài được gọi từ biệt ngay chính lúc Ngài đang giảng. Chi tiết đột ngột đó in sâu vào lòng kẻ sống hình ảnh một linh mục luôn tận tụy với việc giảng lời Chúa và dạy giáo lý. Ai quen biết Cha cố không thể không nhìn nhận mối quan tâm thường xuyên của Ngài vì bổn phận đó. Bài Phúc Âm thánh lễ bỏ dở hôm đó có mẫu chuyện về thánh Phêrô trên núi Tabor. Phêrô đã nói những lời đơn sơ, phát biểu những ý kiến đơn sơ, cũng giống tính tình vốn đơn sơ của mình. Tôi liên tưởng tới Cha cố Phêrô một người cũng rất đơn sơ trong lời giảng, cũng như rất đơn sơ trong nếp sống và tính tình.

Trong thánh lễ từ biệt hôm đó, Cha cố đã quị xuống trước cộng đoàn đông đảo giáo dân, như một mục tử can đảm và tận tụy, sống cho đoàn chiên và chết cho đoàn chiên, một đoàn chiên Ngài chăm sóc mấy chục năm, với tất cả nhiệt tâm phục vụ, với tất cả với trái tim hiền lành khiêm tốn, với tất cả tinh thần xây dựng bình an và hiệp nhất. Ngài đã nêu cao tinh thần bình an và hiệp nhất, không phải chỉ bằng sự Ngài yêu thương hòa hợp giáo dân, mà cũng bằng chính sự Ngài luôn kính yêu vâng phục và nâng đỡ các Giám Mục, bề trên của Ngài.

Anh chị em thân mến,

Công đồng Vaticăng II trong sắc lệnh về “Ðào tạo linh mục” đã mô tả linh mục lý tưởng theo 3 khía cạnh:

1. Linh mục là Ðấng Tế lễ.

2. Linh mục là thầy giảng dạy Lời Chúa.

3. Linh mục là kẻ chăn chiên.

Cả 3 khía cạnh đó đã thấy rất rõ nơi Cha cố trong những giờ phút quyết định vận mệnh của Ngài. Ngài đã được Chúa gọi về trời đang khi Ngài tế lễ, đang khi Ngài giảng dạy, và đang khi đứng giữa đoàn chiên.

Ðó là hình ảnh nhiều gợi ý. Nhưng không vì thế mà có ý thánh hóa Cha cố thân yêu. Thực vậy, Cha cố đã là con người, mang thân phận yếu đuối, với những thiếu sót, với những bất toàn. Theo một cái nhìn nào đó, đôi khi những yếu đuối của Ngài lại làm cho con người của Ngài nên dễ thương hơn, nên gần gũi hơn. Tuy nhiên, thiếu sót nào cũng gây nên trong lương tâm linh mục nhiều ân hận hối tiếc. Vì thế, trong tờ di chúc đề ngày 4/02/1971 để ở Tòa Giám Mục, Cha cố đã viết: “Tôi xin lỗi những ai đã mích lòng hoặc xích mích với tôi”.

Hôm nay Ngài đã chết. Ngài nằm đây, tôi thay mặt Ngài nói lên lời Ngài xin lỗi đó.

Ngài cũng đã hằng ngày xin lỗi Chúa với tất cả ý thức về những thiếu sót của mình. Nhưng biết đâu, những lỗi lầm của Ngài cũng liên hệ tới ta, bởi vì do ta làm dịp cho Ngài, do ta đã xử không tốt với Ngài, hoặc do vì Ngài đã quá thương ta, quá nể ta.

Vì thế, trong tinh thần liên đới và bác ái, tôi xin anh chị em cầu nguyện nhiều cho Ngài.

Tôi cũng xin Ngài cầu nguyện cho chúng ta.

Thánh lễ giờ đây cầu nguyện cho Ngài. Từ biệt mà không phải từ biệt. Bởi vì ta tin tưởng Ngài và ta vẫn thông hiệp với nhau trong tình mến thương và trong sức sống thiêng liêng của một Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Lễ an táng cha Phêrô Mai Trí Thuật, Vạn Ðồn ngày 10/3/1980