Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Cầu nguyện đầu xuân

Tại Việt Nam, cầu nguyện ngày đầu Xuân là một truyền thống. Người nào cũng cầu nguyện. Nhà nào cũng cầu nguyện. Cầu nguyện với hương hoa, đèn nến, lễ bái, hát kinh và nhiều hình thức hướng về thế giới linh thiêng.

Tôi cũng làm thế. Nếu có gì khác, thì cái khác đó chính là nội dung. Nội dung lời cầu đầu Xuân của tôi chính lại là xin ơn trung thành với việc cầu nguyện. Tôi xin Chúa ban cho tôi và mọi người Việt Nam luôn biết cầu nguyện trong suốt năm Bính Tuất này và suốt cả cuộc đời.

Lý do cụ thể là vì xã hội Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Quan trọng ở những điểm nào? Ở đây tôi chỉ xin nêu lên vài điểm. Cũng xin chỉ nói về Hội Thánh Việt Nam.

 1/ Chọn nhân sự

Hội Thánh Việt Nam đang có nhiều cơ may, nhiều nguy cơ và nhiều thách thức. Tình hình đó đòi Hội Thánh nhiều bén nhạy, nhiều sáng kiến, nhiều khôn ngoan, nhiều thăng tiến về trí thức, nhất là về đạo đức. Xin nhấn mạnh đến đời sống nội tâm. Ðặc biệt là các nhân sự nòng cốt, như các mục tử, các tu sĩ và các tông đồ giáo dân.

Các nhân sự này thường được đào tạo ở nhiều trường sở. Nhưng đào tạo là một chuyện. Chọn lựa là chuyện khác. Kiên trì với ơn gọi qua các tình huống thi hành chức vụ lại là chuyện khác.

Rất nhiều việc phải làm cho việc huấn luyện, chọn lựa và bồi dưỡng. Nhưng việc cầu nguyện phải kể là quan trọng nhất.

Phúc Âm thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu chọn tông đồ như sau: “Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu lên núi cầu nguyện. Người thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy 12 ông và gọi là tông đồ” (Lc 6,12-13).

Ðoạn Phúc Âm trên đây cho thấy Chúa Giêsu coi việc tuyển chọn tông đồ là việc rất quan trọng. Tầm quan trọng này phải được giải quyết ưu tiên bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện lâu dài. Cầu nguyện thiết tha. Trong quá trình cùng với nhau đi đây đó rao giảng Tin Mừng. Ðức Giêsu vẫn tiếp tục bồi dưỡng các tông đồ bằng sự siêng năng cầu nguyện chung và riêng.

Thế mà kết quả vẫn không khỏi có phần bi đát, có phần hỏng, có phần hư.

Nhân sự do chính Chúa Giêsu tuyển chọn và huấn luyện còn như thế. Phương chi nhân sự do nhân sự của cộng đoàn Hội Thánh chọn và đào tạo, nếu cả hai cùng không quan tâm đủ đến việc cầu nguyện, thì kết quả sẽ ra sao?

 2/ Làm việc bác ái

Hội Thánh Việt Nam hiện nay đang mở ra trong lãnh vực bác ái. Bác ái được thực hiện nhiều cách, từ những việc tặng cho không cho đến việc thu phí phải chăng. Nhưng đừng quên kèm theo cầu nguyện.

Phúc Âm thánh Matthêu kể hai lần Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều cho dân ăn, Người đều cầu nguyện trước.

Người cầm lấy 05 cái bánh và 02 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông... Số người được ăn có tới 5 ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,19-21). Ðó là lần thứ nhất.

Người cầm lấy 07 chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông... Số người ăn có tới mấy ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 15,36-39). Ðó là lần thứ hai.

Việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi làm việc bác ái dạy ta điều này:

Làm việc bác ái là việc tốt. Nhưng cần kèm theo việc cầu nguyện. Trước hết để chính việc bác ái được trở thành việc trong sáng, mến Chúa yêu người thực sự. Thêm vào đó, việc bác ái cũng có sức mở lòng người nhận lãnh trở nên đạo đức hơn phần nào. Bởi vì, kinh nghiệm cho thấy: Nhiều việc bác ái có thể sinh hiệu quả tốt cho người làm, nhưng vẫn không làm cho mọi người nhận đều được trở nên tốt. Phúc Âm đã ám chỉ điều đó trong chuyện Chúa Giêsu chữa 10 người phong cùi. Tất cả 10 người đều được khỏi. Nhưng chỉ một người tạ ơn Chúa. Mà người đó lại là người ngoại đạo (x. Lc 17,11-18).

Hiện nay, nhiều nhà đạo đức đã đưa ra ý tưởng này: Làm bác ái là một nghệ thuật. Lòng tốt mà thiếu thông minh, sáng tạo, có thể rơi vào nguy cơ thiếu kính trọng, tế nhị đối với người mình phục vụ.

Thiết tưởng, đó cũng là một nhắc nhở về việc bác ái nên kèm theo lời cầu nguyện, để nhờ ơn Chúa, lòng bác ái tránh được sự vụng về, khờ khạo, gây phản chứng.

 3/ Chịu thử thách đớn đau

Hiện nay, Hội Thánh Việt Nam nói chung xem ra không còn trong cơn sóng gió. Nhưng từng cá nhân tín hữu, nhất là từng cá nhân người môn đệ đích thực của Chúa, vẫn sẽ còn tiếp tục con đường Chúa dành cho họ. Con đường đó là con đường khổ nạn.

Con đường khổ nạn mà Chúa Giêsu đã đi được mô tả là hết sức đau đớn. Con đường ấy, Người đã đi đến cùng. Với tình yêu, với khiêm nhường, với lòng vâng phục ý Chúa Cha, với lòng khoan dung tha thứ.

Giữ lòng mình được như vậy là nhờ cầu nguyện.

Phúc Âm thánh Luca thuật lại cảnh bi đát đó bằng những dòng viết sau đây:

Chúa Giêsu đi lên núi Ôliu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Ðến nơi, Người bảo các ông: Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.

“Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá. Người quỳ gối cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha... Bấy giờ Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,39-44).

Trên con đường cứu rỗi nhân loại và làm chứng cho tình yêu thương xót Chúa, Ðức Kitô đã tự nguyện bước vào cuộc khổ nạn nhục nhã đớn đau. Chúa đi trước để làm gương. Nếu hôm nay, những môn đệ Chúa được ơn gọi tiếp nối sứ mạng đó, thì hãy vững tin: Ðược chia sẻ phần nào những đớn đau nhục nhã của Ðấng Cứu thế, thì đó là một vinh dự. Hơn nữa, đó là dấu ấn để nhận ra người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

ù

Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con ơn biết cầu nguyện, để chúng con ít ra còn giữ được lòng trung thành hiếu thảo và biết ơn, đối với Chúa, đối với Hội Thánh, đối với Quê Hương, và đối với mọi người đang cùng được Chúa gọi phục vụ Hội Thánh trong giai đoạn cực kỳ quan trọng này.

Long Xuyên, ngày 10 tháng 01 năm 2006