Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Sống đạo là một cuộc chiến

Từ gần tháng nay, nhiều thứ cuộc chiến đã bùng nổ trên thế giới. Có những cuộc chiến vũ khí. Có những cuộc chiến chính trị. Có những cuộc chiến kinh tế. Có những cuộc chiến văn hoá. Có những cuộc chiến tôn giáo.

Trong xã hội Việt Nam, cuộc chiến chống tham nhũng và lãng phí đang trở thành trọng tâm của nỗ lực thiết lập kỷ cương và đạo đức để đưa Ðất Nước đi lên.

Còn trong Hội Thánh Việt Nam thì sao? Tôi thấy cũng đang có một cuộc chiến vô hình. Một đàng là đưa đời sống đạo vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, một đàng là để đời sống đạo đi theo sự hướng dẫn của tinh thần thế tục.

Hai xu hướng đó đang tranh nhau xâm nhập vào từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đoàn, từng tổ chức.

Nếu cần nhận diện hai xu hướng đó, chúng ta nên căn cứ theo lời dạy của Kinh Thánh. Kinh Thánh dạy rất nhiều để giúp ta phân định thiện ác.

Ở đây, tôi xin nêu lên chỉ vài đoạn trong các thư của các thánh tông đồ. Trong vài đoạn này, sống đạo tốt lành là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, còn sống đạo sai trái là theo đam mê xác thịt, thế gian, ma quỷ.

Người có đạo trước hai xu hướng khác nhau

Thánh Phaolô viết:

Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với xác thịt. Ðôi bên kình địch nhau...

“Những điều do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: Dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi báo trước cho anh em biết, như tôi đã từng bảo: Những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Chúa đâu.

“Còn hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ... Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng là đam mê.

“Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng nhờ Thần Khí mà tiến bước. Ðừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gl 5,16-26).

Trong đoạn thư trên đây của thánh Phaolô, chúng ta có thể thấy cả hai con đường sống đạo tốt xấu đều tuỳ thuộc đến đạo đức nhân bản.

Từ nhận thức đó, chúng ta nên nhìn đời sống đạo một cách bao quát hơn. Nghĩa là người sống đạo tốt phải trước tiên là người giàu đức tính nhân bản.

Càng ngày, nhân loại càng ưa chuộng đạo làm người, để làm nền tảng cho sự phát triển các liên đới xã hội và quốc tế. Trong xu hướng phổ quát ấy, người ta sẽ tôn trọng tín ngưỡng của người khác, khi tín ngưỡng ấy được phiên dịch ra các đức tính nhân bản. Nếu một người có đức tin mạnh, nhưng nhân bản lại quá yếu, thì dễ bị đánh giá thấp. Người có đức tin vững, nhưng lương tri lệch lạc, sẽ rất khó làm chứng cho đạo Chúa.

Các đức tính nhân bản là đòi hỏi chung cho mọi người. Sống đạo hôm nay cần để ý nhiều đến đòi hỏi chung đó. Vì thế, cần huấn luyện mình, từ nhân bản bên trong nội tâm cho đến tư cách nhân bản bên ngoài.

Ngoài ra, người sống đạo hôm nay còn cần phải tôn trọng những giá trị riêng của người khác.

Người có đạo trước những đặc sủng khác nhau

Về phương diện này, thánh Phaolô ví Hội Thánh như một thân thể. Ngài viết:

Anh em là thân thể của Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.

“Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.

“Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ?

“Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ?

“Chẳng lẽ ai cũng là thầy dạy?

“Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ sao?

“Chẳng lẽ ai cũng được ơn chữa bệnh sao?

“Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ,

ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? (1 Cr 12,27-30).

Suy gẫm đoạn thư trên của thánh Phaolô, rồi nhìn vào Hội Thánh Việt Nam, nhiều người khám phá thấy mấy điều sau đây:

1/ Có những người thực sự được Chúa ban đặc sủng này nọ, và họ dùng đặc sủng đó với tất cả lòng khiêm tốn tận tâm.

2/ Có những người ảo tưởng mình có đặc sủng này nọ, mà thực sự họ không có. Nên họ hoạt động sai ơn gọi.

3/ Có những người thấy người khác được đặc sủng mà mình không được, thì đâm ra ghen tương, tìm cách cản ngăn.

4/ Có những người dùng quyền, tự bày vẽ ra nhiều hình thức giữ đạo và truyền đạo. Từ ý riêng chứ không từ đặc sủng.

Tôi mong những điều trên là không đúng hoàn toàn sự thực khách quan. Nhưng chẳng may thực tế cho thấy tình hình sống đạo ở một số nơi đang phát sinh những hiện tượng buồn, nhất là sự ghen tương. Sống đạo rất cần phải chiến đấu với chính mình, để diệt trừ tính xấu đó.

ù

Những gì tôi vừa trình bày chỉ vì mục đích này là: Phải đưa đời sống đạo vào con đường được soi dẫn bởi Chúa Thánh Linh.

Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: Ðiều gì tốt thì giữ, còn điều gì xấu dù với hình thức nào thì phải lánh cho xa” (1 Tx 5,19).

Thánh Gioan còn nói rõ hơn: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin. Nhưng hãy cân nhắc các thần khí, xem có phải bởi Thiên Chúa không. Vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1).

Hai thánh tông đồ đều khuyên ta phải cân nhắc. Tất nhiên nên cân nhắc trong hồi tâm, cầu nguyện và tha thiết hiệp thông với Ðức Mẹ, Ðấng luôn khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời sống đạo của Ðức Mẹ. Ðức Mẹ vâng phục thánh ý Chúa với một ý chí chiến đấu không ngừng chống ma quỷ, thế gian, xác thịt, để luôn tuyệt đối trung thành với Chúa.

Chiến đấu của Mẹ trong đời sống đạo là rất cam go, đầy đau khổ. Con đường, mà Mẹ đã đi, để về Trời là thế. Xin Mẹ thương đến những người con Mẹ, đang theo Mẹ về Trời cũng bằng con đường đó.

Long Xuyên, ngày 5 tháng 8 năm 2006