Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Phiên dịch đức tin

Cứ cuối năm dương lịch,tôi lại bước vào ba năm mới:

Một là năm mới Phụng vụ. Năm mới này bắt đầu từ mùa Vọng, trước lễ Giáng sinh.

Hai là năm mới Dương lịch. Năm mới này bắt đầu ít ngày sau lễ Giáng sinh.

Ba là Năm mới Âm lịch. Năm mới này bắt đầu một thời gian sau tết Dương lịch.

Mỗi khi bước vào những năm mới đó, tôi thấy mình cũng có cái gì mới. Riêng những năm mới hiện nay, cái mới nhất đang đến với tôi là tuổi già sức yếu. Cái mới đó là một biến chuyển nhất định. Càng ngày tôi càng biến chuyển thêm theo hướng đi xuống. Tôi cảm nghiệm sự thực đó rõ ràng.

Nhận thức sâu sắc về “sự phải đến sẽ đến”, tôi muốn tâm sự với các độc giả thân yêu những gì tôi cho là quan trọng nhất. Tôi ráng làm, khi tôi còn sức chia sẻ.

Ðề tài tôi xin chia sẻ hôm nay là phiên dịch đức tin.

 Lý do chọn vấn đề

Hiện nay, đâu đâu trong Hội Thánh Việt Nam cũng nói về vấn đề đức tin, như: Sống đức tin, học hỏi về đức tin, rao giảng đức tin, làm chứng cho đức tin, cộng đoàn đức tin.

Nêu vấn đề đức tin trong hoàn cảnh này là rất cần. Nhưng một câu hỏi sẽ được đặt ra liền đó là: Ðức tin phải thế nào?

Vì tầm quan trọng của câu hỏi, nhiều người đã trả lời. Hôm nay, tôi chỉ xin góp phần nhỏ. Hy vọng phần nhỏ này cũng được coi là một thiện chí.

Một trả lời

Ðức tin phải được phiên dịch ra hành động.

Rất nhiều nơi Kinh Thánh đã dạy: Ðức tin nơi mỗi người cần phải được phiên dịch ra hành động. Thánh Giacôbê tông đồ rất dứt khoát về điều đó. Ngài viết: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Ðức tin có thể cứu người ấy được chăng?... Ðức tin không có hành động thì quả là đức tin chết... Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi... Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết. Cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,14-26).

Như vậy, dựa vào Kinh Thánh, chúng ta nhìn nhận và xác tín vững vàng: Chỉ tin suông, dù tin đúng và tin đủ hệ thống giáo lý, cũng sẽ không cứu rỗi được ta đâu. Nhưng tin phải đi đôi với hành động. Nói cách khác, đức tin phải được phiên dịch ra hành động, mới là đức tin cứu rỗi.

Tới đây, xuất hiện một lý do rút ra từ thời sự, khiến ta phải suy nghĩ thêm. Lý do đó là hiện nay hiện tượng chọn lựa hành động, để phiên dịch đức tin, càng ngày càng mang tính chất đa dạng, tự chọn và buông lỏng. Xin vắn tắt nêu lên một ít ví dụ:

Nếu Hội Thánh Việt Nam được ví như một đoàn tàu nhỏ được lệnh ra khơi, thì tôi thấy:

- Có tàu vẫn cắm neo tại chỗ.

- Có tàu đi rất chậm.

- Có tàu bị lắc lư giữa sóng gió.

- Có tàu bị thủng.

- Có tàu muốn quay trở lại.

Cắt nghĩa tại sao, thì người ta đưa ra rất nhiều lý do: Tại thuyền trưởng, tại các người trong tàu, tại ngoại cảnh.

Nếu Hội Thánh Việt Nam được ví như đoàn dân Chúa lên đường, thì tôi thấy:

- Có nhóm đi về hướng đền thờ.

- Có nhóm đi về hướng vùng sâu vùng xa.

- Có nhóm thích dừng lại ở xóm giàu.

- Có nhóm tự nguyện sống giữa xóm nghèo, chia sẻ cuộc sống nghèo.

- Có nhóm dấn thân vào các ngóc ngách của xã hội, để hiện diện với nhiều tình yêu và hy sinh.

- Có nhóm đi giữa đời thường với lương tâm trách nhiệm.

- Có nhóm hoà mình vào lớp người hưởng thụ, khoác lác, quậy phá.

- Có nhóm nhởn nhơ, lười biếng, chậm chạp, không phấn đấu.

Hỏi lý do tại sao, thì người ta cũng đưa ra nhiều trả lời khác nhau, như: Tại người đứng đầu, tại cộng đoàn, tại ngoại cảnh.

Trước một tình hình như trên, việc chọn lựa hành động để làm chứng cho đức tin, hay để phiên dịch đức tin, chúng ta cần cảnh giác và khôn ngoan bằng ơn Chúa. Nếu không, tôi sợ Ðạo thời khó thì dễ chọn lựa, còn Ðạo thời dễ thì lại khó lựa chọn. Hiệu quả sẽ rất nghiêm trọng cho phần rỗi ta và tương lai Hội Thánh.

 Một cách giải quyết vấn đề

Vấn đề phiên dịch đức tin ra hành động là vấn đề không phải chỉ đặt ra trong những trường hợp đặc biệt, mà là vấn đề của đức tin đời thường. Vì thế tôi xin phép trình bày một cách giải quyết nhẹ nhàng dễ nhớ. Giải quyết này tất nhiên dựa trên Kinh Thánh.

1/ Cuộc đời ta là một hành trình cùng với Ðức Kitô “đi về với Chúa Cha” (Ga 14,12).

Hành trình này được thực hiện bằng những tâm tư của ta hướng về Chúa, lòng ta lắng nghe thánh ý Chúa, trót bản thân ta và trọn đời ta thực thi thánh ý Chúa, mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.

2/ Thánh ý Chúa rõ ràng nhất là: Ta tin “Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Nên ta sẽ đi về với Chúa bằng những bước tình yêu, bác ái.

3/ Tình yêu, bác ái là điều răn mới cực kỳ quan trọng Chúa Giêsu đã trối lại cho các môn đệ Chúa (x. Ga 14,34). Tình yêu, bác ái là đặc điểm của người môn đệ Chúa (x. Ga 14,35).

4/ Tình yêu, bác ái là nhân đức trọng nhất. Hãy đọc lại bài ca bác ái do thánh Phaolô viết:

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng
của loài người và của các thiên thần đi nữa,
mà không có đức mến,
thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,
chũm choẹ xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri,
và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu
hay có tất cả đức tin đến chuyển núi dời non
mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,
hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến
thì cũng chẳng ích gì cho tôi
” (1 Cr 13,1-3).

Khi ta phiên dịch đức tin của ta ra đức ái, ta chắc chắn sẽ được an tâm, ơn Chúa sẽ ở trong ta và đến với các tâm hồn.

Giải quyết cách khác có thể sẽ mắc mưu ma quỷ, xác thịt và thế gian.

Thiết nghĩ cách giải quyết trên đây cần được nắm vững trong việc đào tạo mình và tín hữu hôm nay.

Tôi rất được khích lệ, khi nhìn vào gương nhiều vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân sống bác ái, để làm chứng cho đức tin của mình. Cho dù hành động đức ái nơi các chứng nhân ấy nhiều khi chỉ là sống trong đau khổ, cả phần xác lẫn phần hồn. Gương sáng của các chứng nhân đó gợi cho tôi nhớ lại lời Ðức Giêsu đã phán xưa: “Thật, Thầy bảo thật với các con, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó thối đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Bị chôn vùi, bị thối đi, nhưng vẫn yêu thương. Yêu thương trong đau khổ là một cách phục vụ Tin Mừng, một thánh lễ sống động, một bài ca ngợi khen Thiên Chúa, một giá trị thiêng liêng xây dựng hoà bình.

Những tư tưởng trên đây đang đưa tôi vào năm mới, và sẽ hướng dẫn tôi trên quãng đời còn lại. Tôi tin sau cùng tôi sẽ gặp được Cha giàu tình yêu thương xót đang đợi tôi ở cuối đường.

Cũng với niềm tin đó, tôi luôn hiệp thông với mọi người con Chúa, đưa lòng mình vào bài kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”.

Năm mới, xin cầu chúc Hội Thánh Việt Nam tiếp tục ra khơi, tiếp tục lên đường với đức tin được phiên dịch ra bác ái.

Long Xuyên, ngày 31 tháng 12 năm 2006