Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Truyền giáo tại Việt Nam hôm nay

Sắp đến lễ Truyền giáo (Chúa nhật, 22/10/2006).

Truyền giáo là đề tài phong phú. Nhiều nơi dùng đề tài này để tổ chức lễ lớn, hội họp xôm tụ, tuyên bố thành tích và kêu gọi tham gia nhiều chương trình.

Với hy vọng góp phần nhỏ vào lễ này, tôi xin chia sẻ vắn tắt hai gợi ý:

Một là tình hình Việt Nam hôm nay trong cái nhìn truyền giáo.

Hai là nhân chứng của Chúa Giêsu trong việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

 Việt Nam hôm nay trong cái nhìn truyền giáo

Việt Nam hôm nay hiện lên dưới nhiều hình dạng khác nhau, tuỳ theo người nhìn.

Phần tôi, với cái nhìn truyền giáo, tôi thấy Ðất Nước tôi hôm nay nổi lên mấy hiện tượng sau đây:

1/ Nhu cầu tôn giáo càng ngày càng rõ, nhưng đối kháng với nhu cầu này là phong trào tục hoá cũng tăng triển rất mạnh.

2/ Nhân phẩm con người được nâng lên rất đẹp trong mọi văn bản và lý thuyết đạo đời, nhưng lại bị xúc phạm trên thực tế đó đây, nhất là khi đạo đức suy giảm trong nhiều lãnh vực.

3/ Khát vọng xây dựng hoà bình luôn được cổ võ trong xã hội nói chung và trong các cộng đoàn nói riêng. Nhưng bản tính thích tranh chấp, ghen tương, bè phái, cục bộ vẫn sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào có dịp.

4/ Tinh thần bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, tự hào Ðất Nước vẫn được duy trì. Nhưng cũng đang xuất hiện tinh thần lấy ngoại bang làm gốc, tự hào về nền văn minh sự chết.

5/ Nhiều khối tôn giáo đã nắm bắt tình hình cởi mở, để đi sâu vào quần chúng nghèo, phát triển những giá trị căn bản của đạo. Ðang khi đó, không thiếu những khối tôn giáo khác lại lợi dụng sự cởi mở để phát triển đạo về mặt hình thức và rút về những nơi giàu có.

Trong cái nhìn truyền giáo, Việt Nam hôm nay với mấy hiện tượng kể trên vốn được coi là nơi thuận lợi cho việc làm chứng Tin Mừng, miễn là việc đó được thực hiện bởi những nhân chứng đích thực của Chúa Giêsu.

Vậy, thế nào nhân chứng đích thực của Chúa Giêsu trong việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

 Nhân chứng của Chúa Giêsu trong việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

Thiết tưởng nhân chứng đó cần ít ra hai điều kiện sau đây:

a) Họ phải là cành của cây Giêsu.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phán với các môn đệ: “Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có thầy, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Vậy cây Giêsu là thế nào? Thánh Phaolô đã mô tả vắn tắt như sau:

Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Khi mô tả hình ảnh Chúa Giêsu như trên, thánh Phaolô khuyên các môn đệ ngài hãy có những tâm tình như Chúa Giêsu.

Ðể hình ảnh trên đây của Chúa Giêsu sinh được những tâm tình sống động trong ta, ta phải suy gẫm, chiêm niệm và cầu nguyện rất nhiều với Chúa Giêsu.

Có thế, ta mới được ơn Chúa Giêsu biến đổi ta nên giống Người phần nào. Theo gương Người về sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận sống khiêm nhường, nghèo khó, bác ái, hy sinh mình cho đến chết trên thập giá nào đó, mà Chúa gởi cho ta. Qua cuộc biến đổi ấy, ta sẽ là cành của cây Giêsu trong chương trình cứu chuộc. Một cành như vậy sẽ được Chúa dùng, để đem ơn thánh đến cho cánh đồng truyền giáo.

b) Họ hãy ưu tiên đến với những người nghèo khó.

Cánh đồng truyền giáo rất bao la. Nhưng nên dành ưu tiên cho địa chỉ những người nghèo khó.

Chúa Giêsu xưa đã làm như thế. Người đã áp dụng lời tiên tri Isaia vào Người trong bài giảng đầu tiên tại Nadarét:

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi.
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.
Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó...
” (Lc 4,18).

Những người nghèo khó về bất cứ phương diện nào đều là những địa chỉ Chúa sai ta đến một cách ưu tiên. Chúa đợi ta ở những địa chỉ đó. Ta sẽ cộng tác với Chúa giúp họ về đời sống vật chất tuỳ khả năng ta, nhưng nhất là giúp họ đặc biệt về mặt đạo đức và tinh thần. Nhờ vậy, Chúa sẽ đón họ và ta vào Nước của Người.

Ðể hiểu rõ gợi ý trên, chúng ta nên đọc lại Phúc Âm thánh Matthêu, đoạn Chúa Giêsu nói về ngày Phán xét chung (x. Mt 25,31-46).

Hai điều kiện trên đây, tức là khiêm nhường chiêm niệm cuộc đời Chúa cứu thế và khiêm nhường lo cho các loại người nghèo khổ, đó là những nét tuyệt vời đã làm nên chân dung Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ là mẫu gương thích hợp nhất cho mọi nhà truyền giáo tại Á châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

ù

Thời điểm này đang đặt ra cho Hội Thánh Việt Nam nhiều thách đố. Những thách đố này đòi chúng ta tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện. Ðạo Công giáo chúng ta sẽ được trân trọng hay không, nhiều hay ít tại Việt Nam hôm nay? Thiết tưởng điều đó sẽ tuỳ thuộc khá nhiều vào việc chúng ta dấn thân cho người nghèo, thái độ của Hội Thánh ta đối với Ðất Nước Việt Nam này, nhất là phẩm chất Phúc Âm của những nhân chứng Ðức Kitô sống giữa lòng dân tộc.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 10 năm 2006