Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Tập thể tôn giáo không đạo đức

Cả một tập thể nói chung là xấu. Ðó là điều chẳng may có thực. Lịch sử đã làm chứng điều đó. Thời sự đang loan tin về những phát sinh theo hướng đó.

Một tập thể mà xấu, thì hậu quả nó gây nên sẽ rất sâu rộng.

Nếu tập thể xấu lại là một tập thể tôn giáo, dù nhỏ dù to, thì tai hại sẽ khôn lường.

Lịch sử và thời sự về chuyện đau buồn đó khiến những người yêu Hội Thánh phải lo ngại. Lo ngại là chính đáng.

Ðể lo ngại chính đáng ấy có thể trở thành một dịp giúp chúng ta hồi tâm, tôi xin bắt đầu từ Kinh Thánh.

 1/ Tập thể tôn giáo gồm những thành phần xấu

Trong Cựu Ước, Chúa dùng tiên tri Giêrêmia nói với tập thể dân Chúa những lời than trách sau đây:

Ta đã dẫn dắt các ngươi vào đất phì nhiêu, để các ngươi dùng hoa quả của nó. Nhưng vừa ở đó, các ngươi đã làm dơ bẩn đất của Ta và biến cơ nghiệp Ta thành nơi ghê tởm.

“Các tư tế không nói: Chúa ở đâu? Họ nắm giữ lề luật mà không nhìn biết Ta”

“Còn các chủ chăn thì phản bội Ta.

“Và các tiên tri lại nhân danh Baal mà nói tiên tri và chạy theo các thần giả trá.

“Chúa lại phán: Hỡi các tầng trời, hãy kinh ngạc về điều này, và hỡi các cửa trời, hãy ưu sầu thảm não. Vì chưng dân Ta đã phạm hai tội xấu xa. Chúng đã từ bỏ Ta là nguồn nước hằng sống, để đào những giếng cạn nứt không giữ nước được” (Gr 2,7-13).

Theo lời Chúa trên đây, thì cả tập thể dân Chúa thời đó đã đi theo đàng tội.

Toàn dân phạm tội,

tư tế lỗi luật,

chủ chăn phản bội,

tiên tri chạy theo thần giả.

Như thế là từ lãnh đạo đến dân thường đều lạm dụng những ơn Chúa ban vào mục đích ghê tởm.

Do đâu mà một tập thể tôn giáo gồm nhiều tầng lớp đáng lẽ phải đạo đức lại rơi dần xuống tình trạng xấu đến như vậy.

 2/ Một số nguyên nhân dẫn tập thể vào đàng tội

Thánh vịnh thứ nhất mở đầu bằng hình ảnh về hai con đường: Một con đường dẫn tới hạnh phúc là đời sống đạo đức, một con đường dẫn tới tai hoạ là đời sống tội lỗi.

Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân.

Chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng.
Nhưng vui thú với lề luật Chúa
gẫm đi suy lại suốt đêm ngày.
...
Ác nhân đâu được vậy:
Chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay
” (Tv 1,1-4).

Suy gẫm thánh vịnh trên đây một cách phân tích, chúng ta có thể tạm rút ra kết luận này:

Có ba nguyên nhân dẫn một tập thể tôn giáo vào đàng tội:

Nguyên nhân thứ nhất là thoải mái với nền văn hoá xấu:

Nghe theo lời bọn xấu,

bước vào đường kẻ xấu,

nhập bọn với kẻ xấu.

Nguyên nhân thứ hai là biếng lười bổn phận đến với Chúa:

Không tìm vui nơi luật Chúa,

không hay suy gẫm lời Chúa.

Nguyên nhân thứ ba là tính nông nổi:

Sống không định hướng đạo đức,

như vỏ trấu gió thổi bay.

Thực tế cho thấy: Ba nguyên nhân trên tác động lẫn nhau:

Nông nổi, thì dễ nghe theo thói đời,

dễ bước vào đường tội lỗi,

dễ nhập bọn với bọn xấu.

Thấy cách sống đó đem lại vui sướng, người nông nổi bỏ dần lối sống theo luật Chúa và lời Chúa.

Dần dần ai cũng tưởng cách sống đó là hợp thời. Thế là không mấy chốc cả tập thể đều suy thoái về đạo đức.

Khi tình trạng suy thoái đạo đức được coi là bình thường, cảm thấy thích thú, thì người ta rất trở nên cứng lòng, cố chấp. Như lời Chúa Giêsu đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia với dân Do Thái xưa:

Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu,
có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy.
Vì lòng dân này đã ra đần độn,
chúng đã nặng tai.
Con mắt thì chúng nhắm lại
” (Mt 13,14-15).

Tuy nhiên, cho dù tập thể có trở thành tội lỗi xấu xa đến thế nào, họ vẫn có thể đổi mới. Một sự đổi mới khởi đi từ cầu nguyện, sám hối.

 3/ Con đường trở về với Chúa

Sách Tông đồ Công vụ kể lại chuyện thánh Phêrô giảng về Chúa Giêsu cho dân chúng. Nghe xong, “họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô và các tông đồ khác: 'Thưa các ngài, vậy chúng tôi phải làm gì'? Ông Phêrô đáp: 'Anh chị em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh chị em sẽ nhận được ân huệ là Chúa Thánh Thần... Anh chị em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ'. Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2,37-41).

Theo đoạn Kinh Thánh trên đây, việc trở về được bắt đầu từ việc nghe một vị thánh giảng về Chúa Giêsu. Tiếp đến là việc họ muốn trở về. Rồi sau đó là việc họ sám hối, chịu phép rửa lãnh ơn Chúa Thánh Thần. Từ đó họ quyết tâm xa tránh dịp tội.

Như vậy, việc trở về là việc phải cộng tác với thánh ý Chúa, dứt bỏ đàng xấu, bước vào đàng lành.

Một tập thể lớn trở về với Chúa một cách nhanh chóng như chuyện kể trên là chuyện hiếm.

Lịch sử Hội Thánh cho thấy thường thường một tập thể được trở lại từ từ, từng người, từng dịp hồi tâm, từng dịp thức tỉnh. Mặc dù thế, việc trở về luôn đòi sự sám hối, từ bỏ nếp sống cũ và theo ơn Chúa Thánh Thần.

ù

Ðể kết, tôi mong mỗi người chúng ta hãy nhìn vào tập thể, mà mình là thành phần hoặc có trách nhiệm. Hãy nhờ ơn Chúa mà nhìn thực tế, để thấy rõ sự thực. Từ đó, mới biết trở về. Không đạo đức, mà vẫn chủ quan cho mình là tốt, thì e rằng hậu quả sau cùng sẽ rất thê thảm. Hậu quả thê thảm này đã được Chúa Giêsu báo trước từ lâu: “Ta nói cho các ngươi hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời. Còn con cái Nước Trời sẽ bị quăng vào chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 8,10-12).

Số phận cả một tập thể tôn giáo có thể sẽ là thế, vì không đạo đức lại không sám hối.

Xin Chúa giàu lòng thương xót cứu tập thể chúng ta thoát khỏi thảm hoạ ghê gớm ấy bằng cách giúp chúng ta biết trở về với Chúa ngay từ bây giờ.

Trở về với Chúa là việc không dễ, bởi vì xác thịt thế gian ma quỷ luôn cản trở. Nhưng nếu chúng ta cầu xin Chúa với lòng khiêm tốn, thiết tha, thì chắc Chúa sẽ nhận lời và ban cho ta ơn trở về bền vững.

Long Xuyên, ngày 29 tháng 7 năm 2006