Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Hy vọng về những nhà lãnh đạo

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới của lịch sử. Mới về nhiều mặt. Nhưng cái mới đáng nói nhất lúc này là vấn đề nhân sự lãnh đạo.

Ðất nước có những vị lãnh đạo mới, Hội Thánh có những vị đứng đầu mới ở một số đơn vị, như giáo phận, giáo xứ, nhà dòng.

Nhân sự lãnh đạo, bất cứ ngoài Ðời hay trong Ðạo, đều rất cần đạo đức, mặc dầu mỗi bên đều có sứ mệnh riêng.

Nhưng, nếu so sánh hai lãnh vực Ðạo Ðời, thì trong lãnh vực Ðạo, những vị đứng đầu cộng đoàn, dù to dù nhỏ, được coi như có ảnh hưởng rất lớn. Nhất là trong tình hình Việt Nam hôm nay, đạo đức của cộng đoàn tuỳ thuộc khá nhiều vào con người điều khiển cơ chế tôn giáo và cuộc sống tập thể.

Với nhận định như trên, tôi nhìn những vị lãnh đạo như những người mang lại hy vọng đạo đức, tất nhiên với trách nhiệm ở mức độ khác nhau.

Hy vọng đạo đức nói đây là hy vọng về liên đới đối với con người.

Nói chung, tôi mong các vị lãnh đạo sẽ có những liên đới tốt đẹp tối đa đối với mọi đồng bào nói chung, và đối với những người thuộc trách nhiệm riêng của mình nói riêng.

Nếu cần xác định rõ những hạng người nào đang đợi chờ những liên đới tốt đẹp khẩn cấp, thì tôi xin vịn vào Phúc Âm, để đưa ra một liệt kê ưu tiên.

 1/ Liên đới với những người nghèo khó bệnh tật

Phúc Âm Thánh Máthêu ghi nhận câu trả lời Chúa Giêsu gửi cho Thánh Gioan Baotixita như sau: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 4-5).

Tại Việt Nam, số người nghèo hiện nay còn rất đông. Các người bệnh tật đâu đâu cũng có. Loại thất nghiệp mới đang xuất hiện. Những liên đới Ðời và Ðạo dành cho họ xem ra chưa đúng mức theo công bình, chứ chưa nói đến theo bác ái.

Chúa Giêsu coi những liên đới tốt đối với loại người nghèo khổ bệnh tật là dấu chỉ của Tin Mừng.

Quan điểm của Chúa Giêsu vẫn đúng ở mọi thời và ở mọi nơi. Quan điểm đó vốn luôn được trọng dụng trong việc đánh giá những người lãnh đạo.

Hơn bao giờ hết, tại Việt Nam hôm nay, hầu hết người dân đang dùng quan điểm đó như thước đo, để đánh giá trình độ đạo đức của những người đứng đầu trong Ðạo cũng như ngoài Ðời.

Liên đới tốt đối với loại người nghèo túng bệnh tật là một lãnh vực mênh mông. Quan tâm nhiều hơn đến lãnh vực đó là một đợi chờ chính đáng và sâu xa của biết bao người đau khổ.

Thêm vào loại người nghèo túng bệnh tật, Phúc Âm còn kể đến một loại người khác, đó là loại người hèn mọn, bé nhỏ.

 2/ Liên đới với những người hèn mọn, bé nhỏ

Cũng trong Phúc Âm Thánh Máthêu, Chúa Giêsu đã phán: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm sự lành cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40)

Những người hèn mọn bé nhhỏ, mà Chúa nói ở đây được hiểu về những người bị bỏ rơi, không có địa vị, bị khinh khi và phải lầm than trong những số phận đơn côi cô quạnh.

Họ là những người bé nhỏ, thấp hèn, kém cỏi. Họ thuộc tầng lớp vô danh, không có tiếng nói.

Những liên đới mà Ðạo và Ðời dành cho họ vốn là một vấn đề đòi nhiều tế nhị. Nhất là đối với những người lãnh đạo, vấn đề này không thể bị coi là bé nhỏ. Bởi vì đó là một vấn đề đạo đức, mà Chúa Giêsu sẽ đem ra xem xét một cách minh bạch.

Hiện nay, vấn đề này cũng đang trở thành một đòi hỏi chính đáng đặt ra cho mọi người, đặc biệt là cho các nhà lãnh đạo tại các nước phát triển.

Ngoài hai hạng người nói trên, Phúc Âm còn để ý đến một hạng người nữa rất cần được để ý.

 3/ Liên đới với những người tội lỗi

Phúc Âm Thánh Marcô ghi lại một lời Chúa Giêsu đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Ðức Giêsu phán với họ: người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Ta không đến kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 4)

Người tội lỗi thường được hiểu là những phạm nhân tại toà án, trong tù, hoặc đang bị dư luận kết án. Nhưng thực ra, chẳng ai trong chúng ta là trong sạch hoàn toàn.

Vì thế, việc khử trừ tội lỗi là việc ai cũng phải bắt đầu từ chính mình. Nếu mang trọng trách lãnh đạo, thì việc giáo dục, đào tạo đạo đức phải đặt ở ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, các tệ đoan xã hội cũng như các tội và tật xấu cá nhân xem ra không giảm. Vì thế việc lấy đạo đức mà đẩy lùi tội lỗi đang là một tiếng gọi thúc bách đặt ra cho những nhà lãnh đạo, bất cứ trong Ðạo hay ngoài Ðời.

ù

Mấy tư tưởng trên đây rút từ Phúc Âm chỉ là những gợi ý. Những gợi ý này sẽ không trở thành vô ích, nếu chúng được đón nhận bằng thiện chí. Rất mong thiện chí nơi mọi người chúng ta càng ngày càng phát triển. Nhất là trong giai đoạn quan trọng này. Cần phát triển đời sống về mọi mặt. Trong đó vấn đề chấn hưng đạo đức nên được quan tâm đặc biệt.

Long Xuyên, ngày 25 tháng 6 năm 2006