Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Ðể ý đến đạo làm người

Gặp một người công giáo Việt Nam, người ta có thể phân biệt được nơi họ ba thứ đạo, đó là

Ðạo làm người,

Ðạo làm người Việt Nam,

Ðạo làm người con Chúa.

Ðạo nào trong ba đạo ấy cũng đều mang vẻ đẹp thu hút và gây ảnh hưởng.

Nhưng trên thực tế, đạo làm người được coi là giá trị nền.

Giá trị này là hương thơm lôi cuốn nhất. Có nó, thì đạo làm người Việt Nam và đạo làm người con Chúa mới được quan tâm kính trọng. Thiếu nó, thì hai đạo ấy sẽ mất đi rất nhiều sức thuyết phục.

Thế nào là đạo làm người?

 Hiện tượng của đạo làm người

Hiện tượng là những gì thể hiện ra bên ngoài. Ðạo làm người cũng được thể hiện ra bên ngoài bằng những cách sống tốt.

Cách sống tốt, mà dư luận nhận định về một người sống đẹp đạo làm người, là ăn ngay ở lành.

Ăn ở ngay lành là đời sống lương thiện, biết làm điều gì là lành, biết tránh điều gì là xấu. Sống được như thế thôi cũng là sống tốt.

Khi nếp sống ăn ngay ở lành đi vào các tương quan, thì sẽ hình thành những bậc thang giá trị đi lên. Những bậc thang giá trị đó là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và hiếu thảo. Càng phát huy được mấy giá trị trên, người ta càng được coi là giàu tính người.

Ðạo công giáo chúng ta rất chú trọng đến những giá trị của đạo làm người. Một ví dụ khá phổ thông, đó là kinh 14 mối thương xót:

Thương người có 14 mối

Thương xác bảy mối:
- Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn.
- Thứ hai: Cho kẻ khát uống.
- Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
- Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
- Thứ năm: Cho khách đỗ nhà.
- Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi.
- Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn bảy mối
- Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người.
- Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội.
- Thứ ba: An ủi kẻ âu lo.
- Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội.
- Thứ năm: Tha kẻ dể ta.
- Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta.
- Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Trên đây, chi tiết về một đạo làm người đã được nâng lên cao trong lĩnh vực tinh thần. Nhưng vẫn còn là nhân bản thôi, chưa đề cập gì đến các mầu nhiệm đức tin.

Những chi tiết về nhân bản như thế được nhắc đến nhiều trong Kinh Thánh. Ví dụ thánh Phaolô kể ra một dãy dài những điều xấu trái nhân bản và đạo làm người:

Những điều do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: Dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Ga 5,19-21).

Nếu vượt qua các hiện tượng đẹp của đạo làm người, để tìm ra nguồn gốc phát sinh ra những hiện tượng đó, người ta có thể nhận thấy một nguồn đáng tin cậy.

 Nguồn gốc của đạo làm người

Nguồn gốc đó là lương tri lành mạnh. Nhận thức được: Ðiều gì lành thì phải làm, điều gì xấu thì phải tránh. Ðó là nhận thức tối thiểu, nhưng là căn bản của lương tri lành mạnh.

Ðể lương tri được đúng là lành mạnh, đủ khả năng hướng dẫn đạo làm người, thì lương tri cần được giáo dục.

Giáo dục lương tri thường nhắm vào cái trí và cái tâm. Cái trí đưa ra lý luận. Cái tâm đưa ra tình cảm. Hai bên tác động sang nhau.

Nhiều loại người đề cao cái trí. Nhiều loại người lại đề cao cái tâm. Phần đông gọi cả hai yếu tố bằng một từ chung là cái Tâm.

Lý luận thì khô khan. Tình cảm thì bén nhạy. Vì thế việc đào tạo cái trí và cái tâm thường phải đi đôi với nhau, và bằng việc làm cụ thể theo đúng đường hướng đạo đức.

Nhiều khi, việc đào tạo này không chỉ dựa vào trường lớp, bài bản, mà phải tuỳ thuộc rất nhiều vào thực tế cuộc sống. Thực tế cuộc sống là lò rèn luyện con người.

Mới rồi, nhà nghiên cứu Trần Bạch Ðằng đã gởi tặng tôi cuốn “Trần Bạch Ðằng, cuộc đời và ký ức”. Ðọc xong tác phẩm gần 300 trang công phu và hấp dẫn này, tôi có cảm tưởng: Anh Trần Bạch Ðằng nổi về cái Tâm, đồng thời cũng nổi về cái Trí. Lương tri của Anh được rèn luyện ở thực tế một cuộc đời gian khổ, để hôm nay, anh nêu gương thuyết phục về đạo làm người, trước khi làm chứng cho đạo làm người Việt Nam.

Cảm tưởng trên đây đã cho tôi thêm tài liệu để nghĩ tới việc đào tạo chính mình và những người thuộc về mình.

Làm sao đào tạo cái Trí của mình trở nên nguồn ánh sáng soi cho mọi bước đi cuộc đời mình.

Làm sao đào tạo cái Tâm của mình trở nên lò lửa tình thương toả lửa mến vào tư cách bản thân mình giữa xã hội hôm nay.

Tôi thấy thực tế một nếp sống quá quen với đua đòi hưởng thụ, ngại dấn thân, sẽ rất khó đào tạo nên người tốt, cho dù bài vở lý thuyết có chất chồng vào tâm trí con người, với đủ thứ bằng cấp và giáo lý.

 Ðôi gợi ý

Càng ngày, nhân loại càng ưa chuộng các giá trị nhân bản. Trong xu hướng phổ quát ấy, người ta sẽ tôn trọng tín ngưỡng của người khác, khi tín ngưỡng này được phiên dịch ra các đức tính nhân bản của đạo làm người.

Nếu một người có đức tin mạnh, nhưng nhân bản lại quá yếu, thì dễ bị đánh giá thấp. Người có đức tin vững, nhưng lương tri lệch lạc, sẽ rất khó làm chứng cho đạo Chúa.

Phát triển đạo Chúa là một việc ta muốn làm và phải làm. Nhưng đừng quên phát triển

đạo làm người

đạo làm người Việt Nam

nơi bản thân ta và những người thuộc về ta. Thiếu nhân bản nơi những người truyền giáo là một khủng hoảng gây hại rất nhiều cho việc phát triển Tin Mừng. Hy vọng khủng hoảng đó sẽ không bùng nổ trong Hội Thánh Việt Nam, nơi bao người công giáo Việt Nam đang gắn bó thiết tha và phục vụ hết mình trong ơn tái sinh của Chúa Thánh Thần.

Long Xuyên, ngày 6 tháng 8 năm 2006