Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Tự đào tạo thường ngày

Từ ít lâu nay, nhất là trong mấy ngày này, vấn đề giáo dục đạo đức đã bùng lên sôi nổi trong khắp nước Việt Nam.

Những người đánh thức lương tâm đang được báo chí nhiệt liệt mừng khen lúc này là những người không công giáo.

Sự kiện này gợi ý cho nhiều người công giáo có tâm huyết nhìn vào nội bộ của mình.

Họ tự hỏi: Ðạo đức trong Hội Thánh Việt Nam đang đi lên, hay đang xuống dốc? Việc giáo dục đạo đức hiện nay trong các gia đình, trong các giáo xứ, trong các chủng viện, trong các nhà dòng, trong các tổ chức, có đóng góp được phần nào đáng kể trong việc chấn hưng đạo đức cho xã hội Việt Nam không?

Do nhận thức vấn đề giáo dục đạo đức đang được nhiều người công giáo đặt ra cho chính mình, tôi xin phép nêu lên một phương cách tự đào tạo mình. Nội dung phương cách này cốt yếu là cầu nguyện và làm một số việc theo định hướng Phúc Âm. Ðiều quan trọng mà phương cách này đòi hỏi là phải thực hiện thường xuyên. Nên dựa vào Kinh Thánh, để mỗi người chúng ta sống theo tiếng Chúa gọi mình.

 1/ Chúa gọi ta nên người sám hối

Trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, (...), kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,46-47).

Sám hối là một tiếng Chúa gọi tha thiết. Sám hối là một đặc điểm quan trọng của người sống đạo. Ta có nhiều cách để sám hối. Một cách rất tốt là sám hối bằng cầu nguyện theo Kinh Thánh, thí dụ những lời thánh vịnh sau đây:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con.
Mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy
” (Tv 50,3,4).

Trong sám hối, cần tấm lòng hết sức khiêm nhường. Ðừng tự ái kiêu ngạo. Nhưng hãy khiêm tốn như vua Ðavít nhận mình mang mầm sự ác, ngay từ nhỏ, do đó phát sinh ra biết bao lỗi lầm thiếu sót như tội cá nhân, tội tập thể, tội cơ chế.

Xin Chúa thấy cho: Lúc chào đời, con đã vương tội lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7).

Ám ảnh về tội không là đạo đức. Nhưng khiêm nhường nhìn nhận mình yếu đuối là điều không thể thiếu trong đạo đức Phúc Âm. Chẳng may ý thức về tội đang là một khủng hoảng lớn của thời buổi này. Nếu người có đạo cũng sống trong khủng hoảng đó, mà vẫn cảm thấy an tâm hạnh phúc, thì họ còn gì để góp phần vào việc chấn hưng đạo đức cho xã hội hôm nay?

Hãy thành khẩn đáp lại tiếng Chúa gọi sám hối. Thêm vào đó, hãy nghe tiếng Chúa gọi yêu thương.

 2/ Chúa gọi ta nên người yêu thương

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu trối lại một điều răn mới. Người phán: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Chúa Giêsu đã triển khai điều răn yêu thương theo nhiều chi tiết. Như về sự xét đoán: “Ðừng xét đoán nhau, để khỏi bị Chúa xét đoán. Các con xét đoán người khác thế nào, thì các con cũng bị Chúa xét đoán các con như vậy” (Mt 7,12).

Như về việc phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa các con, thì phải là người phục vụ các con... Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,26-28).

Như đừng dửng dưng trước cảnh khổ của người khác. Chúa nói rõ điều đó trong dụ ngôn người phú hộ. Người phú hộ sống phè phỡn hưởng thụ, dửng dưng bên cạnh người ăn mày Lagiarô, chết rồi ông bị Chúa ném xuống hoả ngục (x. Lc 16,19-31).

Nhất là về cách Chúa phân biệt kẻ lành người dữ. Phúc Âm thánh Matthêu tả ngày phán xét chung theo một tiêu chuẩn đơn sơ, đó là bác ái. Bất cứ việc gì lành ta làm cho kẻ thiếu thốn sẽ được Chúa kể như ta làm cho chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

Hiện nay, cảnh phân hoá giàu nghèo tại đất nước ta đang là một thực tế nhức nhối gây đau xót cho những người có cái tâm bén nhạy. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi sợ, nếu không để ý làm chứng cho Chúa bằng đời sống thương cảm và chia sẻ với tầng lớp người nghèo khổ đau, thì nhiều người đạo ta sẽ dần dần tự đứng ra ngoài lề xã hội, bởi vì Chúa không phù hộ những ai cố tình làm sai thánh ý Chúa.

Ngoài ra, Chúa cũng đang gọi ta nên người ca tụng Chúa.

 3/ Chúa gọi ta nên người ca tụng Chúa

Ca tụng, cảm tạ Chúa với hết lòng mến tin là một việc Chúa luôn gọi con cái Người thực hiện. Cảm tạ vì muôn vàn ơn Chúa đã và đang ban cho ta. Không phải chỉ về những thuận lợi, mà cả về những thử thách đớn đau Chúa gởi đến cho ta, để ta được thanh luyện, lập công đền tội và được thông hiệp vào cuộc khổ nạn cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Nhất là cảm tạ Chúa về ơn Chúa thương cứu ta khỏi bao nguy khốn.

Lạy Chúa, con xin tán dương Người
vì đã thương cứu vớt con
” (Tv 30,2).

Mỗi lần nhìn vào mình, nhận thấy mình yếu hèn, tội lỗi, bất xứng, nhưng đã được tình xót thương Chúa tha thứ, chở che, dắt dìu qua bao nhiêu chặng đường lịch sử khó khăn, tôi lại nhớ lời thánh vịnh xưa:

Lạy Chúa, vì yêu thương,
Người đã đặt con trên núi an toàn
” (Tv 30,8).

Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con kêu lên cùng Chúa, và Chúa đã cho con bình phục” (Tv 30,3). Bình phục về nhiều mặt.

Lòng biết ơn cảm tạ Chúa chính là nguồn ơn thánh giúp ta thực hiện bổn phận hiếu thảo đối với Ðất Nước, Hội Thánh và những người đã góp phần đào tạo giáo dục và nâng đỡ ta. Bài ca chúc tụng Chúa được coi là hay nhất chính là con người đạo đức của ta.

ù

Trên đây là một gợi ý nhỏ. Tôi mong sẽ có nhiều gợi ý khác, góp phần vào việc chấn hưng đạo đức trong nội bộ Hội Thánh Việt Nam ta. Dù gợi ý là to hay nhỏ, nó phải rút ra từ Phúc Âm, có sức kéo được ơn thánh vào các tâm hồn.

Xin Chúa giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề và thấy được thánh ý Chúa trong việc giải quyết vấn đề.

Long Xuyên, ngày 23 tháng 7 năm 2006