Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Về dự đoán
sẽ có cải cách phụng vụ

Tuần báo Công giáo và Dân tộc số vừa rồi (1556) đã dự đoán “sẽ có cải cách phụng vụ”. Dự đoán này dựa trên một cuốn sách của linh mục người Anh Uwe Michael Lang mới phát hành ngày 26-4-2006. Trong cuốn sách này, linh mục Lang loan báo một số quan điểm riêng của Ðức đương kim Giáo Hoàng về phụng vụ khi Ngài còn là Hồng Y Joseph Ratzinger.

Thực sự, khi còn là Hồng Y Tổng trưởng Bộ Ðức Tin, Ðức Benedictô XVI đã thẳng thắn và sốt sắng trình bày một số quan điểm riêng của Ngài về phụng vụ.

Tôi có trong tay cuốn tiếng Pháp “L'esprit de la Liturgie” (Tinh thần Phụng vụ) của Ðức Hồng Y Ratzinger, dịch từ nguyên bản tiếng Ðức “Der Geist der Liturgie” do nhà xuất bản Herder Verlag phát hành năm 2000.

Cuốn này là một nghiên cứu sâu rộng, cộng thêm tinh thần đạo đức nồng nàn.

Ðức Thánh Cha sẽ cải cách phụng vụ hay không. Ðiều này chưa biết được. Nhưng tôi thấy những quan điểm của Ngài rất hay. Tuy nhiên, sẽ là một việc rất tế nhị, nếu những quan điểm đó của Ngài trở thành nền tảng để đi tới một cải cách rộng lớn.

Ở đây, chỉ với mục đích thông tin, tôi xin nêu lên hai điều:

1- Những vấn đề Ðức Thánh Cha đã đề cập đến trong cuốn sách của Ngài.

2- Những chọn lựa của Ngài rất đáng quan tâm.

 1/ Những vấn đề phụng vụ được nêu lên

Những vấn đề này, tuy cũ, nhưng được Ðức Thánh Cha suy nghĩ với những quan điểm mới.

Ðể có một cái nhìn tổng quát, tôi xin giới thiệu mục lục.

Sách gồm 04 phần:

+ PHẦN I mang đầu đề: Căn bản của phụng vụ.

Chương một: Vai trò của phụng vụ trong cuộc sống con người.

Chương hai: Phụng vụ, vũ trụ và lịch sử.

Chương ba: Hình thức căn bản của phụng vụ công giáo.

+ PHẦN II mang đầu đề: Thời gian và không gian trong phụng vụ.

Chương một: Thời gian và không gian trong phụng vụ.

Chương hai: Nơi thánh và ý nghĩa của nhà thờ.

Chương ba: Bàn thờ và phương hướng việc cầu nguyện phụng vụ.

Chương bốn: Nơi để Mình Thánh.

Chương năm: Thời gian thánh.

+ PHẦN III bàn về nghệ thuật và phụng vụ.

Chương một: Tượng ảnh và phụng vụ.

Chương hai: Ca nhạc và phụng vụ.

+ PHẦN IV bàn về hình thức của phụng vụ.

Chương một: Các nghi thức.

Chương hai: Thân xác trong phụng vụ.

1. Tham dự tích cực.

2. Dấu Thánh giá.

3. Bái quỳ và cúi đầu.

4. Ngồi và đứng.

5. Các cử chỉ.

6. Lời nói và thinh lặng.

7. Áo lễ.

8. Vật liệu của các bí tích.

Ðọc qua mục lục trên, ta thấy Ðức Thánh Cha đã gẫm suy phụng vụ một cách tỉ mỉ. Nói chung, những mổ xẻ của Ngài dạy ta rất nhiều. Trong đó, có một số chọn lựa của Ngài rất đáng quan tâm.

 2/ Những chọn lựa rất đáng quan tâm

 1. Nhấn mạnh đến phía Ðông

Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Kinh Thánh ví Chúa Cứu thế như mặt trời. Mặt trời luôn mọc lên từ chân trời phía Ðông.

Thánh vịnh 19 nói:

Thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường, như tráng sĩ.
Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng
” (Tv 19,6-7).

Trong Phúc Âm thánh Gioan, chính Chúa Giêsu cũng xưng mình là ánh sáng: “Tôi là ánh sáng đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì sẽ không ở trong bóng tối” (Ga 12,46).

Sách Khải Huyền đã kết bằng lời cầu xin:

Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”.

Dựa trên tinh thần Kinh Thánh, rất nhiều người từ xưa tới nay vốn quen nhìn Chúa Cứu thế như Mặt trời công chính. Tất nhiên đây chỉ là một hình ảnh. Người đến để cứu nhân loại khỏi bóng tối tội lỗi. Ai đón nhận Người sẽ được cứu độ. Ðể nhắc nhở điều đó, Hội Thánh từ xưa vốn có thói quen xây các đền thờ hướng về phía đông. Ðể khi dân Chúa cầu nguyện, họ dễ nhớ đến sự mình đón Chúa. Chúa đã đến và sẽ lại đến như mặt trời cứu độ. Với những suy nghĩ như vậy, Ðức Thánh Cha cũng đã bàn tới vấn đề: Chủ tế nên quay mặt về phía cộng đoàn, hay cùng cộng đoàn quay về hướng chung. Xem ra Ngài không thích cảnh cộng đoàn quá chú trọng đến chủ tế hơn là đến Chúa.

 2. Ðề cao bái gối

Ðức Thánh Cha ca tụng việc bái gối trong phụng vụ. Ngài kể lại thói xưa coi việc phủ phục trước thánh nhan là việc đương nhiên.

Tân Ước nói đến việc phủ phục 59 lần. Riêng trong sách Khải Huyền nhắc tới 24 lần.

Phủ phục là thái độ tôn kính nên làm trước Thiên Chúa.

Ðọc các Phúc Âm, người ta không khỏi ngạc nhiên, khi thấy thái độ của Chúa Giêsu hay quỳ gối cầu nguyện. Cảm động nhất là khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây Dầu. Không những Người quỳ gối, mà còn sấp mặt xuống đất, để gởi tâm tình phó thác nơi Chúa Cha.

 3. Lưu ý nhiều hơn đến thinh lặng

Nhiều mầu nhiệm vượt quá khỏi các thứ lời nói. Lúc ấy, người ta nên đón nhận mầu nhiệm bằng sự thinh lặng. Thinh lặng nói đây là sự hồi tâm đem lại bình an và sự thực căn bản cho ta.

Những thời gian thinh lặng nên được thực hiện trong thánh lễ thì nhiều. Như trước và sau bài giảng, đang khi dâng lễ, sau truyền phép.

Ngoài ra Ðức Thánh Cha rất muốn chủ tế đọc kinh nguyện Thánh Thể với giọng nhỏ nhẹ, với tinh thần suy niệm sâu thẳm. Sự thinh lặng nhiều khi ví được như một lời kêu van nài tha thiết, hiệp thông sâu sắc với Chúa Thánh Thần.

ù

Trên đây chỉ là vài thông tin về tinh thần phụng vụ nơi Ðức Thánh Cha Benedictô XVI. Nếu tôi không lầm, thì tinh thần phụng vụ này được khơi dậy và nhuần nhuyễn từ 04 nguồn sau đây: Kinh Thánh, Thần học, Tu đức và Truyền thống. Khi còn là Hồng Y, sắp bước vào tuổi già, Ngài đã chia sẻ tinh thần này với mục đích khơi động một sự kính trọng mới và một sự hiểu biết mới về phụng vụ.

Dù sẽ có hay không một cải cách về phụng vụ, những chia sẻ của Ðức Thánh Cha về phụng vụ cũng đang là một luồng gió mới thổi vào Hội Thánh. Nhờ vậy, việc cử hành phụng vụ ở nhiều nơi đã được thực hiện một cách xứng đáng hơn. Không chỉ với những nghi thức bề ngoài có chất lượng, mà nhất là với những tâm tình nội tâm sốt sắng, được Chúa đổi mới mỗi ngày. Hy vọng những chia sẻ quý báu của Ngài được đón nhận rộng rãi, như một phần của chương trình đổi mới Hội Thánh.

Long Xuyên, ngày 6 tháng 4 năm 2006