Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Sống đạo trong thời điểm mới

Ðất Nước Việt Nam đang bước vào một thời điểm mới. Thời điểm này được chính thức khởi đầu bằng việc Việt Nam gia nhập WTO và chủ trì hội nghị Apec.

Từ nay, người ta sẽ thấy một nước Việt Nam rộn ràng tiến bước trên mọi ngả đường phát triển kinh tế, đồng hành với thế giới, hợp tác chặt chẽ với khu vực Á châu Thái Bình Dương.

Thời điểm mới này sẽ gây nên nhiều biến chuyển trong mọi lãnh vực.

 Một ví dụ về chuyển biến

Trong lãnh vực tôn giáo đã bắt đầu có những hướng hợp tác mới. Ðiển hình là lễ nghi cầu nguyện tại nhà thờ Công giáo Cửa Bắc, ngày Chúa nhật 19/11/2006, dịp Tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân tới dự.

Ðây là lễ nghi cầu nguyện, chứ không phải thánh lễ. Giờ cầu nguyện được phối hợp giữa Công giáo và Tin Lành, kiểu tu viện Taizé bên Pháp. Ðọc Kinh Thánh, suy gẫm Kinh Thánh, cầu nguyện theo Kinh Thánh, hát theo Kinh Thánh.

Chủ trì là linh mục và mục sư cùng cộng tác. Tham dự là tín hữu Công giáo sát cạnh bên tín hữu Tin Lành, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân. Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã hiện diện như một dấu chỉ hiệp thông.

Sự kiện này tiêu biểu cho hướng mở ra. Coi như đơn sơ, nhưng đòi phía Hội Thánh Việt Nam nhiều sáng kiến khôn ngoan.

Tôi muốn dừng lại ở sự kiện cụ thể gây ấn tượng ấy, để từ đó nhìn chung về tình hình mới. Một tình hình đòi Hội Thánh Việt Nam chúng ta phải tiến về phía trước với những cố gắng mới. Tôi xin phép gợi ý về vài cố gắng, mà tôi cho là rất cần thiết.

 1/ Cố gắng nâng cao trình độ trí thức

Theo dõi tình hình thế giới, Ðất Nước và Hội Thánh khắp nơi, tôi thấy việc đối thoại và hợp tác đang là những vấn đề lớn đặt ra cho mọi phía. Ðể việc đối thoại và hợp tác của Hội Thánh ta được trân trọng, chúng ta cần phải có những hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực.

Sự hiện diện và đóng góp của những nhà trí thức chuyên môn đã được chứng minh là yếu tố thực sự quan trọng trong các hội nghị chính thức và trong cuộc sống thường ngày của đối thoại và hợp tác.

Tôi đã nhiều lần được có mặt trong các hội nghị quốc tế về đạo và đời. Tại mọi hội nghị, dù để bàn về một vấn đề nhỏ, trình độ trí thức được coi là yếu tố hết sức quan trọng.

Ðời sống thường ngày với bao vấn đề luôn đặt ra cho con người, không thể sẽ tự nó giải quyết cho ta một cách nhàn nhã, cũ kỹ, nhưng đòi ta phải có một trình độ trí thức mới, để đi trên con đường mới của lịch sử.

Hiện nay, trí thức Công giáo Việt Nam kể như khá hơn trước. Nhưng tôi thấy là chưa đủ đáp ứng cho thời điểm mới.

 2/ Cố gắng nâng cao trình độ bén nhạy

Thời nay, con người đối thoại và hợp tác cần có khả năng bén nhạy sâu sắc.

Bén nhạy, để biết cách gây thiện cảm, tránh gây ác cảm vô ích.

Bén nhạy, để biết có những phong cách tế nhị, lịch thiệp, nhã nhặn trong mọi ứng xử, cả trong những trường hợp xảy ra những bất ngờ rất trái ý ta.

Bén nhạy, để biết nắm bắt những cơ hội hiếm hoi có khả năng đóng góp vào việc phát triển tương lai lâu dài cho Hội Thánh thiểu số tại Việt Nam ta.

Theo dõi những hình ảnh của Apec được truyền đi qua tivi, tôi thấy sự bén nhạy là điều không thể thiếu nơi người tổ chức lẫn người tham dự.

Có những hình thức mình cho là trang trọng, nhưng đối với người khác lại là hình thức nặng nề, không hợp tâm lý.

Có những việc mình cho là phải thế mới đầy đủ, nhưng nhiều người khác lại nghĩ là nên vắn gọn mới hay.

Có những lời người ta khen ngợi mà mình lại bám vào để tự đắc, nhưng thực ra đó chỉ là những lời khen xã giao, mà chỉ những tinh thần nhạy bén trình độ cao mới thấy được.

Trong thời điểm mới này, chắc sẽ có nhiều ý kiến được thành hình trong Hội Thánh Việt Nam ta. Hãy bén nhạy, để biết lắng nghe và phân định.

 3/ Cố gắng nâng cao trình độ trung thành với Lời Chúa

Hơn bao giờ hết, Hội Thánh phải trung thành với Chúa, mặc dầu tình hình thay đổi.

Trung thành với Lời Chúa nhất là trong những việc sau đây:

a) Hãy chiến đấu để “đi qua cửa hẹp” (Lc 13,24).

b) Sống trọn vẹn “Tám mối phúc” (Mt 5,3-12).

c) Tăng cường sống “giới răn yêu thương” (Ga 14,34).

d) Sống hợp tác với ơn Chúa một cách tuyệt đối. Vì Chúa phán “Không có Cha, chúng con không làm gì được” (Ga 15,5).

Tôi nghĩ là xã hội Việt Nam cần đổi mới một cách sâu sắc từ guồng máy xã hội cho tới cách suy nghĩ của từng người.

Hội Thánh Việt Nam tất nhiên coi việc đổi mới mình là một bổn phận. Nhưng đổi mới bây giờ của chúng ta phải có sức thiêng, để có thể gây được ấn tượng và dấu ấn trong lịch sử dân tộc ta. Ấn tượng ấy, dấu ấn ấy sẽ xuất hiện, nếu chúng ta biết tỉnh thức và cầu nguyện, luôn sống theo thánh ý Chúa, cho dù đôi lúc chúng ta phải xuất hành cô đơn, như thánh Phaolô xưa (x. Cv 20,17-38). Cô đơn nhưng hợp thánh ý Chúa, nên ấn tượng và dấu ấn sẽ sâu đậm, đem lại tiềm năng Tin Mừng cho Ðất Nước Việt Nam ta đang quyết tâm tiến về phía trước.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 11 năm 2006