Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Cuộc đời thanh vắng

Tuần báo “Công Giáo và Dân Tộc” hai số liền vừa qua đã loan hai tin “từ chức” quan trọng.

Số báo 1558 đưa tin Ðức Giáo Hoàng đã nhận đơn từ chức của Ðức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, Giám mục Ðà Nẵng, vì lý do tuổi tác.

Số báo 1559 loan tin Ðức Cha Giuse Nguyễn Tích Ðức, Giám mục Buôn Ma Thuột, đã xin hưu vì lý do sức khoẻ và đã được Toà Thánh chấp thuận.

Tôi có cảm nghĩ là: Mọi tín hữu khắp nơi tại Việt Nam, khi đọc hai bản tin này, đều hướng lòng về hai Ðức Cha đáng kính, với tâm tình cảm mến sâu xa.

Riêng đối với tôi, hai bản tin này không những gợi lên trong lòng hình ảnh hai vị chủ chăn đáng kính nói trên, mà còn gợi nhớ đến tất cả các vị hồng y, giám mục và linh mục tu sĩ đã về hưu. Các ngài đang sống hiệp thông giữa Hội Thánh Việt Nam vừa hoạt động, vừa thầm lặng. Gánh nặng trách nhiệm đã trao nay được cất khỏi vai các ngài. Nhưng gánh nặng về bệnh tật thân xác và về khổ đau tâm hồn nhiều khi lại mỗi ngày mỗi tăng thêm.

Với những gánh nặng âm thầm ấy, nhiều vị sống cuộc đời hưu thanh vắng.

Trong cuộc sống thanh vắng ấy, nhiều giáo sĩ và tu sĩ về hưu đã là những thành phần thực sự phục vụ hữu ích, ngay trong hoàn cảnh bại liệt.

Sự phục vụ hữu ích được thực hiện nhiều cách. Ở đây, tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm rút ra từ nhiều vị giáo sĩ và tu sĩ về hưu đây đó, để chỉ nêu lên sự phong phú thiêng liêng của cuộc đời thanh vắng nơi các ngài. Sự phong phú này không những sinh ích lợi cho các ngài, mà cũng rất ích lợi cho Hội Thánh.

 Lắng nghe sự thanh vắng

Trong sách Khải Huyền, Chúa phán: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa ra, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Trong đời hoạt động của người giáo sĩ và tu sĩ, Chúa thường đứng bên lòng họ, và gõ cửa lòng họ. Lúc gõ nhẹ, lúc gõ mạnh. Nhưng thực tế đã cho thấy: Những tiếng gõ ấy nhiều khi không được luôn đón nhận. Do đó, Chúa đã không vào được lòng người. Hoặc không ở được lâu trong lòng người. Lý do vì đời say mê hoạt động dễ gây nên quá nhiều bận tâm, ngoài thánh ý Chúa. Lúc nào cũng ồn ào, bận bịu. Còn nội tâm lại trống vắng.

Nhưng, trong cuộc đời thanh vắng của người hưu, nếu các ngài năng cầu nguyện và suy niệm, các ngài sẽ nghe được tiếng Chúa rõ hơn trước. Chúa vẫn gọi các ngài cũng một lời như xưa: “Hãy theo Ta”. Mặc dầu hưu, các ngài vẫn đi theo Chúa bằng cách thích hợp mà Chúa soi cho các ngài. Các ngài sẽ đồng hành với Chúa Giêsu, Ðấng đã quả quyết: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,17).

Nhiều vị về hưu đã chia sẻ cho tôi biết sự các ngài nghe tiếng Chúa gọi các ngài trong đời hưu. Do đó đời hưu không là nghỉ chơi thoải mái, mà là phục vụ một cách khác. Nhờ vậy, các ngài đã phần nào khám phá ra kho tàng châu báu của sự thanh vắng.

 Khám phá sự thanh vắng

Trong sách tiên tri Hôsê, Chúa phán: “Ta sẽ đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16).

Lời Chúa phán trên đã được nhiều vị về hưu cảm nghiệm rất sâu sắc. Ðời hưu, đối với nhiều vị đạo đức, đã trở thành một sa mạc thiêng liêng. Trong sa mạc nội tâm, các ngài nếm được những tâm tình của Thiên Chúa tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa nhiều khi đã đến qua thánh giá. Lúc ấy, các ngài hiểu thấm thía lời ca rút từ tinh thần của thánh Phaolô:

Vinh dự của chúng ta là thập giá Ðức Kitô. Nơi Người, ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta”.

Trong sa mạc của đời hưu, biết bao vị giáo sĩ và tu sĩ đã đọc đi đọc lại thánh vịnh 138 của vua Ðavít:

Lạy Chúa, Người đã dò xét con và Người biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Người thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Người quen thuộc cả...
Người bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Người, Người đặt trên con
” (Tv 138,1-5).

Với những lời thân mật trên đây, nhiều vị về hưu cho thấy, các ngài đã khám phá được nhiều sự thực quý giá, mà trước kia, các ngài không rõ lắm.

Với những khám phá như trên, nhiều vị về hưu đã thưởng thức được sự thanh vắng với một tinh thần đạo đức mới.

 Thưởng thức sự thanh vắng

Ðiều mà nhiều vị hưu được thưởng thức hầu như thường xuyên, đó là niềm cậy tin phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót Chúa.

Các ngài hiểu rõ vai trò của mình theo chương trình của Chúa. Trong vườn nho Chúa có kẻ gieo, có kẻ tưới, có kẻ nhặt cỏ, có kẻ thu hoạch. Chúa trao cho mình một nhiệm vụ. Có thể chỉ là gieo, có thể chỉ là chăm sóc, dù rất âm thầm, mình luôn xin vâng. Sự xin vâng ấy được tan hoà vào tâm tình xin vâng của Ðức Mẹ Maria. Trong thanh vắng cuộc đời, nhiều vị về hưu đã sống lời “xin vâng” với nhiều phấn đấu nội tâm. Nhưng các ngài thưởng thức được niềm hy vọng sâu thẳm của con người phó thác, nhất là khi ý thức mình chỉ là dụng cụ hèn mọn, với bao tội lỗi.

Niềm hy vọng này dựa vào một lòng khiêm tốn chân thành.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con,
trước thánh nhan, đêm ngày con cầu cứu.
Nguyện cho lời kinh vọng tới Người,
xin lắng nghe tiếng lòng con thổn thức
” (Tv 88,2-3).

Với những lời cầu như thế, nhiều người hưu chỉ đặt hy vọng vào lòng thương xót Chúa mà thôi. Luôn luôn, họ lặp lại lời Chúa Giêsu đã phó thác xưa trên thánh giá:

Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

ù

Trên đây là một vài cảm tưởng của tôi về đời thanh vắng của nhiều vị hồng y, giám mục, linh mục và tu sĩ về hưu.

Mặc dù những cảm tưởng này còn rất yếu ớt, tôi vẫn muốn nhờ đó để nói lên đôi chút về vẻ đẹp và sức mạnh thiêng liêng của Hội Thánh tại Việt Nam.

Cùng với nhiều giáo sĩ và tu sĩ về hưu luôn thiết tha với lý tưởng, rất nhiều giáo dân cũng đang hợp ý cầu nguyện, hy sinh và dấn thân âm thầm. Với sức sống thiêng liêng đó, Hội Thánh Việt Nam nhiều lúc nhiều nơi coi như thầm lặng, nhưng thực sự đang mang tiềm năng một lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hy vọng đây chính là một góp phần kéo ơn Chúa xuống cho xã hội hôm nay và tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn những cuộc đời thanh vắng đó đang gần gũi, mà cũng đang dần dần đi xa.

Long Xuyên, ngày 28 tháng 5 năm 2006