Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Một dịp để nhìn về
Hội Thánh Việt Nam hôm nay

Sắp đến lễ Quốc Khánh (02/9/2006). Sau đó hai ngày là Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ diễn ra tại Huế, từ ngày 04 đến 08 tháng 9, 2006.

Những dịp trọng đại này đã kéo lòng trí tôi nhìn vào Hội Thánh Việt Nam. Một Hội Thánh được lãnh đạo bởi Hội đồng Giám mục. Một Hội Thánh đang sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.

Cái nhìn của tôi sẽ rất hạn chế. Chỉ xin nêu lên vài nét chung, gợi ý chút ít về hình ảnh Hội Thánh Việt Nam hôm nay.

 Một Hội Thánh phát triển rất mạnh về xây dựng và tổ chức

Xây dựng những cơ sở mới, trùng tu những cơ sở cũ, đó là một trong những yếu tố làm cho Hội Thánh Việt Nam mang một bộ mặt mới. Thực ra, nhu cầu nói chung là chính đáng. Nhưng không thiếu người lại xem đó là dấu chỉ của một Hội Thánh giàu, hoặc phí phạm.

Thiết tưởng, đánh giá như thế là không đúng sự thực. Bởi vì không phải tất cả Hội Thánh Việt Nam hôm nay đâu đâu đều như thế cả. Hơn nữa, những người chủ trương làm đẹp Hội Thánh bằng việc xây dựng những cơ sở đẹp, thường cũng nhắm vào mục đích phục vụ lợi ích chung, hoặc cho nhu cầu hiện tại, hoặc cho nhu cầu tương lai.

Dầu sao, việc phát triển Hội Thánh bằng xây dựng những cơ sở vật chất đòi rất nhiều cân nhắc. Nên làm và nhiều trường hợp phải làm. Nhưng luôn cần được hướng dẫn bởi Phúc Âm và những người chuyên môn.

Cùng với việc phát triển cơ sở tôn giáo bằng cách nâng cấp theo đòi hỏi hiện-đại-hóa, Hội Thánh Việt Nam cũng đang phát triển về mặt tổ chức.

Trong lãnh vực này, việc tổ chức các chương trình từ thiện xã hội và lễ lạy là một điểm nóng. Nhiều lễ lạy được tổ chức rất long trọng và sốt sắng. Nhưng nhiều lễ lạy lại được pha trộn một phần tinh thần và hình thức lễ hội.

Bầu khí tĩnh lặng, nơi chốn hồi tâm, điều kiện thuận lợi để con người hiện diện trước Chúa, những giúp đỡ để lắng nghe Chúa và đón nhận ơn Chúa, đó là những giá trị thiêng liêng, mà nhiều người kiếm tìm trong thánh lễ, nhưng không luôn tìm được. Mà nếu chính họ không tìm, thì đáng lẽ ra, thánh lễ phải được thực hiện thế nào, để có sức cải hóa con người hôm nay đang bị lôi kéo rất mạnh về những khát vọng thế tục. Những thực tế nhiều khi lại khác. Các thứ tổ chức phát sinh hiện nay khá nhiều, nhưng không thay thế được thánh lễ và bác ái.

Trên đây là lãnh vực phát triển cơ sở và tổ chức.

Cùng với phát triển đó, có một phát triển khác cũng rất đáng để ý. Ðó là phát triển trong lãnh vực nhân sự.

 Một Hội Thánh phát triển khá mạnh về nhân sự

Nhân sự trước hết được hiểu rộng về mọi thành phần Hội Thánh.

Rất mừng là từ mấy chục năm nay, số người lớn xin chịu phép rửa có tăng. Nơi tăng ít, nơi tăng nhiều.

Cũng rất mừng là từ mấy chục năm nay, số người trước đây bỏ đạo nay trở lại cũng đã tăng nhiều.

Càng rất mừng là từ mấy chục năm nay, số người xin vào chủng viện và các dòng cũng tăng đáng kể.

Càng rất mừng là số các linh mục trẻ và giám mục trẻ cũng tăng. Riêng các linh mục trẻ mỗi năm mỗi tràn ra hầu khắp các giáo điểm, từ thành thị tới thôn quê, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên số linh mục cần có vẫn chưa đủ.

Rất mừng là số giáo dân tham gia việc chung Hội Thánh luôn tăng.

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, nhân sự của Hội Thánh phải rất tỉnh táo trong bổn phận làm chứng mình thuộc về Hội Thánh. Theo tôi, thì cách tốt nhất để thuộc về Hội Thánh là một sự hiện diện có tính cách làm chứng cho các giá trị căn bản của đạo làm người, đạo làm người Việt Nam, và lòng tin mến Chúa trên hết mọi sự.

Một sự hiện diện làm chứng như thế đang được áp dụng tốt tại Việt Nam hôm nay.

Nhưng, không vì thế mà chúng ta chủ quan cho rằng: Mọi sự trong hiện tại và tương lai đang và sẽ trôi chảy tốt đẹp như ta mong muốn. Hiện tại cũng có một số bỏ đạo đấy. Số người chểnh mảng và giữ đạo kiểu hình thức xem ra cũng không phải ít đâu.

Theo tôi, trong tương lai cũng sẽ có những chuyển biến và những bất ngờ như trong dĩ vãng.

Hiện thời, xã hội đang chuyển mình. Tâm lý con người cũng đang chuyển biến theo một bậc thang giá trị khác xưa.

Trong Hội Thánh toàn cầu, nhiều nơi, đạo công giáo đang trở nên tốt hơn, nhưng nhiều nơi đang biến chất một cách thê thảm.

Giữa dòng chảy mãnh liệt đó, nhân sự Hội Thánh Việt Nam sẽ ứng phó thế nào? Liệu có đủ mạnh để làm chứng cho đời sống người môn đệ Chúa phải: “Từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa” không? (Mt 16,24).

Phải nói thật là: Xã hội hôm nay khuyến khích hưởng thụ. Hưởng thụ đang đi vào nếp sống người có đạo, cả đến đời sống tu trì. Ta có đủ sức và dám bơi ngược dòng văn hoá hưởng thụ không? Người tu có thực sự nêu gương khó nghèo, cầu nguyện và dấn thân không?

Vì thế mà việc đào tạo đang trở thành khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Nói đến đào tạo, tôi liên tưởng tới những ơn cần cho một Hội Thánh địa phương, đó là những đặc sủng khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho những nhân sự khác nhau.

 Một Hội Thánh phát triển không rõ lắm về các đặc sủng

Về vấn đề đặc sủng, chúng ta nên dựa vào lời giảng của thánh Phaolô. Ngài viết:

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí... Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi khác, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy. Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin. Kẻ thì cũng được Thần Khí ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ. Người thì được ơn nói tiên tri. Kẻ thì được ơn phân định thần khí, kẻ khác thì được ơn nói tiếng lạ, kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1 Cr 12,4-10).

Ðọc kỹ các đặc sủng, mà thánh Phaolô vừa kể, rồi nhìn vào Hội Thánh Việt Nam hôm nay, tôi xin thú nhận rằng: Tôi khó nhận ra từng đặc sủng đó nơi những cá nhân thường.

Nên tôi có cảm tưởng: Có lẽ tất cả các vị lãnh đạo trong Hội Thánh Việt Nam đều có đủ các đặc sủng đó, không nhiều thì ít.

Nếu đúng thế, thì sẽ rất nặng cho các ngài biết bao. Gánh nặng đó là một vinh dự cao cả. Dù sao, đây cũng là một hy vọng lớn mà dân Chúa đặt vào Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung và từng vị Giám mục nói riêng.

ù

Chia sẻ trên đây của tôi là cái nhìn chủ quan của riêng tôi. Thực tế khách quan có thể khác. Dầu sao, đây cũng là một chút gợi ý của một người con Hội Thánh đã trải qua nhiều chuyển biến của lịch sử Ðất Nước và Hội Thánh. Những chuyển biến mang rất nhiều hy vọng và cũng rất nhiều lo âu. Nhưng trong mọi chuyển biến, Hội Thánh Việt Nam ta vốn giữ trọn được lòng trung tín, nhờ ơn Chúa giàu lòng xót thương.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 8 năm 2006