Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Một gặp gỡ quý giá

Tuần vừa qua (12-5-2006) đại lễ Phật Ðản đã được tổ chức long trọng khác thường trên khắp Việt Nam. Lý do vì năm nay là một mốc lịch sử quan trọng đối với đạo Phật.

Dịp này các báo chí và các đài truyền thanh, truyền hình đã đưa đồng bào gần lại với Phật giáo.

Ðược đọc, được nghe, được xem những chương trình giới thiệu sinh hoạt Phật giáo, rất nhiều người đã cảm thấy vui, một niềm vui nhẹ nhàng đắp bồi cho cuộc sống.

Dịp Ðại Lễ vừa qua đã cho thấy nhiều đặc tính dễ thương của Phật giáo Việt Nam trong việc hành đạo, như tính hài hoà, tính tổng hợp, tính thiết thực, tính trung hiếu, tính linh hoạt, tính cộng đồng, tính phổ biến một cách hoà bình.

Mấy đặc tính sau đây rất được đề cao: Lòng từ bi, lo cho kẻ nghèo, sự gắn bó với dân tộc, việc tu hành dưới nhiều hình thức.

Những đoạn phim chiếu lại sinh hoạt của các ngôi chùa và của các tu viện Phật giáo Việt Nam tại ngoại quốc đã khơi dậy được tình cảm gần gũi thân thương nơi nhiều khán giả. Nhất là khi thấy bầu khí chùa chiền và thiền viện luôn gợi nhớ đến quê hương.

Riêng tôi, tôi cho đây là một dịp gặp gỡ quý giá. Tôi nói như thế, dựa trên Công đồng Vatican II. Ở đây, tôi chỉ xin trích vài đoạn nhỏ có liên quan:

 1/ Giáo Hội Công giáo trân trọng những giá trị đạo đức của các tôn giáo khác

Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là “Ðường là Sự Thật và và Sự Sống” (Ga 10,6) nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình.

Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hoá của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo” (Trích “Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo” số 2).

 2/ Công đồng khuyên chủng sinh học hỏi về các tôn giáo bạn

Phải mở đường cho chủng sinh biết các tôn giáo khác hiện đang quảng bá trong mỗi miền, để họ nhận thấy rõ hơn những gì tốt lành và chân thật do Thiên Chúa an bài, đang tiềm tàng nơi các tôn giáo ấy, để họ biết luận bác những sai lầm và để có thể thông truyền ánh sáng chân lý đầy đủ cho những kẻ chưa được đón nhận ánh sáng ấy” (Trích “Sắc lệnh về đào tạo Linh mục” số 16).

 3/ Công đồng khuyến khích mọi tín hữu làm chứng về Chúa Kitô giữa các tôn giáo bằng tình bác ái và liên đới thân thiện

Ðể có thể làm chứng về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, chính các Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tình bác ái mà liên kết với những người ấy, phải biết mình là thành phần của nhóm người mình chung sống, và tham gia đời sống văn hoá, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau trong đời sống nhân loại, lại phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy; phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ. Ðồng thời, các Kitô hữu phải chú ý đến sự biến đổi sâu xa nơi các dân tộc, và phải nỗ lực làm cho những người thời nay còn quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế gian hiện đại đừng bỏ quên những việc linh thiêng, mà trái lại còn nhờ đó mà khao khát mãnh liệt hơn chân lý và tình thương Chúa đã mạc khải. Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đàm thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những ơn huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế” (Trích “Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội” số 11).

ù

Trên đây là một vài đón nhận dịp đại lễ Phật Ðản vừa qua.

Với những đón nhận này, tôi nhìn về tương lai Ðất Nước.

Hiện nay, sự phát triển Ðất Nước trong tương lai đang được xây dựng từ hai cái nhìn đôi khi có vẻ nghịch nhau.

Một cái nhìn đặt nặng vào những tiến triển vật chất, như công nghệ, khoa học, của cải.

Một cái nhìn khác đặt nặng vào những tiến triển tinh thần, như các giá trị đạo đức, văn hoá, tôn giáo.

Hai cái nhìn trên đây nhiều khi trở thành những lực lượng xa rời nhau.

Ðang khi đó, không thiếu người chủ trương phải kết hợp hai cái nhìn lại với nhau. Một kỷ nguyên mới về phát triển sẽ thành hình. Trong đó các giá trị vật chất sẽ được khuyến khích. Song song với nó là sự bảo tồn và phát triển các giá trị tinh thần.

Nếu suy nghĩ trên đây sẽ thành hiện thực, thì các giá trị tôn giáo cần phải được tôn trọng.

Sự tôn trọng các giá trị tôn giáo sẽ đem lại chân lý và hoà bình.

Các giá trị này cần được gieo vào các tâm hồn qua một nền giáo dục đúng đắn. Một nền giáo dục vừa để ý đến trí khôn, vừa để ý đến trái tim. Nó sẽ dấn thân cho việc đào tạo những con người tự do và có tinh thần trách nhiệm, vừa biết tìm chân lý vừa biết tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho con người.

Tôi có cảm tưởng rằng: Âm vang của cuộc đại lễ Phật Ðản vừa qua còn kéo dài và sâu rộng trên đất nước Việt Nam.

Phải chăng quang cảnh trọng thể khác thường của đại lễ năm nay cũng là một dấu chỉ về dòng chảy của lịch sử, khi xung quanh Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan đều là những nước rất sùng Phật giáo. Và chính tại Việt Nam, Phật giáo vốn là một tôn giáo lớn, từ xa xưa cho tới bây giờ.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 5 năm 2006