Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Tôi phải chống

Lâu nay, người ta nói “chống” hơi nhiều, như:

Chống bão, chống lũ, chống lụt,

Chống tham nhũng, chống lãng phí, vv...

Tôi cũng “chống” như mọi người, trong trao đổi. Nhưng tôi còn “chống”, khi đi đứng. “Chống” này mang nghĩa khác. Ðó là chống gậy.

Cái gậy tinh thần

Cái gậy, đối với tôi, là một vật cần thiết. Nó nâng đỡ, khi tôi di chuyển.

Từ cái gậy vật chất, tôi nghĩ đến cái gậy tinh thần. Tôi chống gậy này thường xuyên, nhưng nhất là trong những thời gian xác hồn suy thoái. Tôi rất cần nó. Nó đang ở bên tôi như người thân thiết.

Hôm nay, tôi xin chia sẻ về cái gậy tinh thần đó.

Ðối với kinh nghiệm riêng tôi, cái gậy tinh thần này gồm 2 yếu tố chính: Một phần thiêng liêng và một phần tâm lý.

 Yếu tố thiêng liêng

Yếu tố này gồm nhiều chi tiết. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên 2 chi tiết quen thuộc nhất.

a) Sống với Chúa Giêsu đau khổ và Ðức Mẹ sầu bi

Những hình ảnh Chúa và Ðức Mẹ đỡ nâng chúng ta trong đời sống thì rất nhiều. Nhưng đối với tôi, hình ảnh Chúa Giêsu chịu đau đớn và Ðức Mẹ sầu bi đã nâng đỡ tôi nhiều nhất.

Khi Chúa Giêsu và Ðức Mẹ thường xuyên ở bên tôi dưới hình ảnh thương khó, tôi dễ hiểu thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa là khuyên tôi hãy đón nhận tình mến Chúa và yêu các linh hồn từ chính trái tim Chúa Giêsu và Ðức Mẹ.

Trái tim Ðấng Cứu thế đã thể hiện sự hiến dâng mình qua những bậc thang hy sinh. Ðức Mẹ cũng vậy. Nay các môn đệ Chúa và con cái Ðức Mẹ cũng được mời gọi đón nhận lửa từ trái tim Chúa và Mẹ của Người. Một khi lửa ấy cháy lên trong tâm hồn ta, ta sẽ cảm thấy một sự nâng đỡ nhiệm mầu trong đời sống dâng hiến. Một đời sống thực sự là “Từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa” (Mt 16,14).

Nhiều người chuyên giúp các bệnh nhân đã kể cho tôi những mẩu chuyện lạ lùng về cây thánh giá. Rất nhiều người trong khi quằn quại với cơn đau, đã chỉ hôn cây thánh giá người ta đặt trên miệng họ. Từ cây thánh giá nhỏ, họ đã nhận được ơn thiêng cứu chuộc. Nhiều chuyển biến đã xảy ra trong tâm hồn họ. Từ đó, cây thánh giá được coi như cây gậy thiêng. Nhờ cây gậy thánh đó, họ bước những bước cuối cùng đời họ, để sang thế giới bên kia một cách bình an.

Cùng với sự đồng hành nâng đỡ của Chúa Cứu thế, còn có những bài học đạo đức sống động, làm cho cây gậy thiêng dễ được trân trọng.

b) Bài học nơi những người chịu đau khổ với niềm tin

Tiếp xúc với những người đau khổ, tôi như nhận được nhiều làn sương mát. Mà sương thì chỉ rơi vào ban đêm. Ðêm của những người đau khổ là vô vàn cơ cực. Nhưng nhiều người trong họ đã trải qua những đêm dài, với niềm tin sâu sắc.

Có niềm tin là do đức tin tôn giáo.

Cuốn Tự Thuật của thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu cho ta thấy: Thánh nữ chịu đau khổ rất nhiều. Nhưng ngài tin đau khổ của ngài, khi kết hợp với sự đau khổ của Chúa Cứu thế, sẽ có giá trị cứu nhiều linh hồn. Tình yêu liên đới ấy là một yếu tố khích lệ ngài chịu đau khổ với thái độ phó thác đơn sơ tin tưởng.

Nhưng cũng có những niềm tin không do đức tin. Bởi vì không thiếu những người ngoài công giáo, đã chịu đựng những thử thách đớn đau một cách cao thượng, nhờ họ tin rằng: Ðau khổ mà họ chịu, vẫn có một sức thiêng nào đó đỡ nâng những người họ thương yêu.

Chính tôi đã được chứng kiến những cảnh đó nơi nhiều người ngoại, nhất là trường hợp họ lại túng nghèo, cô đơn. Họ rất đau đớn trong cảnh bệnh tật, túng bấn. Nhưng họ sống một cách cao thượng, vì nghĩ đến con cháu, gia đình, với tình yêu và với niềm tin đơn sơ tự nhiên. Tôi nghĩ niềm tin tự nhiên đó cũng do Chúa ban cho họ. Nhờ đó, đời họ trở thành có ý nghĩa, mở lối cho họ gặp được người Cha giàu tình yêu thương xót đối với mọi người.

Trên đây là vắn tắt yếu tố thiêng liêng của cây gậy, mà tôi chống để đi trên con đường hẹp dẫn về trời.

Ngoài yếu tố thiêng liêng, còn có yếu tố tự nhiên.

 Yếu tố tự nhiên

Xin chỉ kể ra 2 chi tiết.

a) Bầu khí tâm lý

Bầu khí tâm lý xung quanh ta là một thứ rất hữu ích cho cuộc đời ta. Nhất là khi đời ta rơi vào những khủng hoảng, thì bầu khí tâm lý tốt lành càng trở nên cần thiết.

Bầu khí tâm lý tốt lành là bầu khí bình an, ấm áp tình thương, tế nhị, vị tha, chân thành.

Bầu khí tâm lý tốt lành đó nhiều khi chỉ cần một không gian nhỏ về vật lý và số ít nhân sự đơn sơ. Thà nhỏ và ít mà có sức nâng đỡ con người, còn hơn là lớn mà nhẹ về chất lượng.

Vẫn có những người xung quanh ta biết tạo ra cho ta một bầu khí tâm lý tốt lành. Họ là những người chúng ta phải biết ơn.

b) Những người có bề dày thương cảm

Thời nay, những thăm viếng, liên lạc, trao đổi được coi như một phần của nền văn hoá. Những thứ đó cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm trạng con người.

Nhiều nghiên cứu cho thấy: Những người có bề dày về thương cảm, về liên đới, về cọ sát với những cảnh đời khốn khổ, nhưng lại khiêm tốn, thường dễ đem lại cho người khác niềm hy vọng kín đáo.

Với bề dày kinh nghiệm đó, họ đến với ta. Dù chỉ chốc lát, ta cũng cảm thấy lòng mình được nâng lên.

ù

Trên đây là vắn tắt hình ảnh cái gậy vô hình, mà tôi đang chống. Tôi chống cây gậy gỗ để di chuyển. Tôi chống cây gậy tinh thần để sống, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.

Tôi phải chống gậy. Nói thế, tôi nghĩ nhiều tới những người cũng đang phải chống gậy như tôi. Tôi có cảm tưởng là: Phần đông đồng bào ta tại Việt Nam hôm nay đều phải nương tựa vào nhau mà sống. Người nọ là cái gậy cho người kia chống. Nên coi đó là dấu chỉ của một tiềm năng đạo đức cần vun tưới.

Xin Chúa trả ơn bội hậu cho những ai xa gần đang góp phần làm nên những cây gậy tình nghĩa, để những người yếu đuối, được chống mà đi trên đường đời. Ðời nay vẫn còn quá nhiều cảnh thương tâm đau xót.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 10 năm 2006