Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Chấn hưng đạo đức
bắt đầu từ đâu?

Chấn hưng đạo đức là vấn đề đã được Ðạo Ðời nhắc đi nhắc lại từ lâu. Nhưng từ mấy tháng nay, vấn đề đã trở nên nóng bỏng. Một trong những lý do là vì đạo đức đang xuống dốc mạnh, ở nhiều cá nhân, gia đình, cộng đoàn, cơ chế.

Hiện tượng suy đạo đức đang làm nhức nhối nhiều lương tâm. Vì thế vấn đề chấn hưng đạo đức đang được nhiều thiện chí hưởng ứng sôi nổi.

Nhưng, khi bắt tay vào công việc cụ thể, xem ra ai cũng cảm thấy lãnh vực đạo đức là mênh mông, chẳng biết việc chấn hưng đạo đức phải bắt đầu từ đâu? Nhiều ý kiến lắm.

Ở đây, tôi xin nêu lên một gợi ý. Gợi ý này rất đơn sơ. Nó dựa trên nền tảng chắc chắn. Nền tảng đó là Kinh Thánh. Muốn vắn tắt rõ ràng, chúng ta nên đọc thư của thánh Gioan tông đồ.

1/ Hãy bắt đầu bằng việc nhận biết mình tội lỗi nên phải sám hối

Khi bàn đến việc chấn hưng đạo đức, rất nhiều người thích vào đề bằng những lời phiền trách, phê bình, kết án đối tượng nọ đối tượng kia.

Còn Kinh Thánh nói chung và thánh Gioan tông đồ nói riêng, thì vào đề bằng gợi ý: Mỗi người nên bắt đầu từ chính bản thân mình. Bởi vì chẳng ai vô tội, chẳng ai là hoàn toàn đạo đức.

Thánh Gioan viết:

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội,
thì chúng ta tự lừa dối mình.
Và sự thực không ở trong chúng ta
” (1Ga 1,8).

Liền sau đó, thánh Gioan còn nói mạnh hơn. “Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Chúa là kẻ nói dối, và lời của Chúa không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,10).

Cùng với việc nhận mình tội lỗi, thánh Gioan khuyên chúng ta làm ngay một việc khác. Việc đó là sám hối, xin Chúa tha tội.

Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (1 Ga 1,9).

Nhìn nhận bản thân mình tội lỗi và sám hối xin Chúa tha tội: Ðó là một khởi đầu tốt trên con đường chấn hưng đạo đức. Ðể rõ hơn nữa, thánh Gioan trình bày thế nào là tội. Theo Ngài, tội là nói mình biết Chúa mà không tuân giữ các điều Chúa dạy. Nói mình ở lại trong Chúa, mà không đi trên con đường Ðức Kitô đã đi (x. 1 Ga 2,3-7).

2/ Quyết tâm cách riêng sống bác ái hơn

Nói thế kể như khá rõ ràng. Nhưng thánh Gioan còn muốn dạy ta cụ thể hơn nữa, để ta đi sâu vào việc chấn hưng đạo đức. Theo Ngài, đi sâu vào việc chấn hưng đạo đức, là đi sâu vào bác ái. Ngài viết:

Chúng ta biết rằng:
Chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống,
vì chúng ta yêu thương nhau.
Kẻ không yêu thương, thì ở trong sự chết.
Phàm ai ghét anh em mình thì là sát nhân.
Và anh em biết:
Không kẻ sát nhân nào
có sự sống đời đời trong nó.
Căn cứ vào điều này,
chúng ta biết được tình yêu là gì.
Ðó là Ðức Kitô đã thí mạng vì chúng ta.
Như vậy, cả chúng ta nữa,
chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.
Nếu ai có của cải thế gian,
và thấy anh em mình lâm cảnh túng nghèo,
mà chẳng động lòng thương,
thì làm sao tình yêu Thiên Chúa
ở lại trong người ấy được.
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật
và bằng việc làm
” (1 Ga 3,14-18).

Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1 Ga 4,20).

Ðến đây, chúng ta có thể thấy được phần nào chiều sâu của việc chấn hưng đạo đức. Chiều sâu này cũng là chiều rộng của việc canh tân đời sống đạo.

Thực tế cho thấy cuộc sống đạo hôm nay nhiều nơi đề cao việc thờ phượng Chúa bằng những tuyên xưng đức tin dưới nhiều hình thức, nhưng lại coi nhẹ việc thực thi bác ái đối với con người và Ðất Nước.

Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa ích kỷ, chủ nghĩa tự do phóng khoáng, chủ nghĩa trục lợi, chủ nghĩa tục hoá đang gây ra nhiều nguy cơ biến chất đạo làm người, huống hồ đạo làm con Chúa.

Nguy cơ lớn nhất là nhiều ghen ghét, nghi kỵ, nói hành, bỏ vạ, phá hoại nhau lại được bình thường hoá, hoặc được tôn vinh như những việc lành, dưới chiêu bài “làm sáng danh Chúa các đạo binh”.

Thời sự hằng ngày hiện nay cho thấy động cơ tôn giáo trong các cuộc chiến và tranh chấp gay gắt có thể luôn bùng lên những cuộc thù hận dữ dội lâu dài. Ðó là những sự kiện có thật, nhiều khi được khuyến khích bởi các người xấu, mà thánh Gioan gọi là các kẻ phản Kitô.

3/ Ðừng tin những kẻ phản Kitô

Ðừng tin những kẻ phản Kitô cũng là một việc cần để ý trong chương trình chấn hưng đạo đức.

Về điểm này, thánh Gioan viết:

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
đây là giờ cuối cùng.
Anh em đã nghe biết
là tên phản Kitô sẽ đến.
Thế mà giờ đây
nhiều tên phản Kitô đã xuất hiện.

(...)
Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta...” (1 Ga 2,18-19).

Ðặc điểm của những kẻ phản Kitô là gieo rắc gian dối, hận thù, ghen ghét và các thứ tội nghịch đức bác ái.

Xếp ai vào loại phản Kitô là việc rất tế nhị. Thiết tưởng việc tế nhị này nên dành cho những vị có thẩm quyền. Còn chúng ta, việc nên làm và có thể làm là tránh những người xấu. Nhất là những người chuyên phản bác ái Phúc Âm và xuyên tạc sự thực.

ù

Mới rồi, Ðức Thánh Cha đã công bố thông điệp: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiết tưởng đây cũng là một tài liệu nhắm vào việc chấn hưng đạo đức.

Ðề tài này cũng trích từ thư của thánh Gioan tông đồ (1 Ga 4,8). Nó mang tính cách thời sự. Thiên Chúa là tình yêu. Mỗi người công giáo chúng ta hãy sống chân lý đó và làm chứng cho chân lý đó. Ðược như vậy, chúng ta sẽ góp phần không nhỏ vào việc chấn hưng đạo đức giữa thế giới hôm nay. Niềm vui lớn Chúa dành cho ta là chính bản thân ta sẽ được Chúa đổi mới trong tình Chúa xót thương vô vàn.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 8 năm 2006