Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Lời cầu của tôi
ngày Quốc Khánh

Tại Việt Nam hôm nay, lễ Quốc Khánh vẫn là lễ thuần tuý chính trị, với rừng cờ đỏ, với từng ngàn con số về ngày tháng năm chiến thắng, với từng trăm cung bậc nghi thức và thành tích trong những biểu dương hào hùng.

Cùng với những yếu tố chính trị đó, tôi thấy xuất hiện một yếu tố khác. Yếu tố này trước đây vốn có, nhưng nay mạnh hơn trước. Ðây là yếu tố nặng về tâm linh. Ðó là hiện tượng cầu nguyện.

Thực vậy, hiện tượng cầu nguyện phát sinh từ lâu trong ngày Quốc Khánh. Nhưng nay, cầu nguyện trở thành một việc linh thiêng phát triển đều khắp trong ngày lễ chính trị này.

Ngày Quốc Khánh, người ta cầu nguyện khắp nơi: Trong các nhà thờ, chùa chiền, thánh thất, nghĩa trang, nhà hội, nhà tư. Mỗi người, mỗi nhóm cầu nguyện với những hình thức và tâm trạng khác nhau.

Năm nay, ngày Quốc Khánh, tôi cầu nguyện hơn những năm trước.

Nội dung lời cầu của tôi có một phần dính vào thời sự của Ðất Nước. Vì thế, tôi thiết nghĩ việc chia sẻ nội dung đó cũng có thể được coi như một góp phần vào lợi ích chung.

Nội dung này được diễn tả vắn gọn trong ba việc:

Tạ ơn,

Tạ lỗi,

Tạ từ.

Trước hết xin trình bày việc tạ ơn.

 Tạ ơn

Ðiều mà tôi để ý nhiều hơn cả trong việc tạ ơn Chúa ngày Quốc Khánh, không phải chỉ là sự kiện tuyên bố độc lập ngày 02 tháng 9 năm 1945. Thú thực là như thế. Ðiều làm tôi hứng thú nhất chính là biến cố ngày đó đã trở thành điểm xuất phát cho một cuộc xuất hành không ngơi nghỉ đối với rất nhiều đồng bào.

Nền độc lập chỉ là một bến bờ của dòng lịch sử. Nếu coi đó là đích điểm, để an hưởng, an vui, an toạ, thì sẽ lùi. Nhưng nếu coi đó là một cái mốc lịch sử, để xuất hành tiếp tục và liên tục, thì sẽ tiến.

Dòng lịch sử cũng ví như dòng sông địa lý. Có nước đục, có nước trong. Nông sâu tuỳ mùa. Rộng hẹp tuỳ khúc. Ai xuất hành trên dòng sông địa lý, thì phải khôn khéo. Dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải phấn đấu tiến về phía trước.

Nay nhìn vào dòng lịch sử của Ðất Nước, tôi có lý do để mừng.

Một là vì nhiều người vẫn xuất hành, chứ không tự mãn tự phụ dừng lại một chỗ.

Hai là vì họ luôn xuất hành theo đúng hướng, luôn tìm công ích, theo một trật tự có những chọn lựa đúng.

Ba là vì họ luôn dùng những phương tiện tốt. Không đưa mục đích tốt ra để biện minh cho phương tiện xấu.

Cái nhìn trên đây khiến tôi tạ ơn Chúa.

Tuy nhiên, bên cạnh những xuất hành đáng khen ngợi đó, tôi không tránh khỏi những cái nhìn đáng buồn. Phải tạ lỗi.

 Tạ lỗi

Nhìn vào quá khứ và hiện tại, nhiều người không khỏi ngạc nhiên thấy một ít nơi từ ngày đó đến giờ vẫn mãi như xưa. Có thay đổi về nhiều cái bề ngoài, nhưng cái quan trọng nhất là lãnh vực tư tưởng thì vẫn nghèo, vẫn bệnh hoạn. Nói chung, đó là dòng tư tưởng không xuất hành. Nó không vào được những tương quan mới của thực tế dòng lịch sử. Nhất là không có sáng tạo suy tư, để suy tư sáng tạo biến thành hành động mới có sức đổi mới cuộc đời. Thế mà lại tự mãn.

Ðó là điều rất đáng buồn.

Tuy nhiên, người ta cũng thấy có nhiều xuất hành mới. Nhưng chẳng may xuất hành lại sai hướng, do động cơ khởi hành xấu.

Kinh Thánh gọi những động cơ xấu đó là thế gian, xác thịt và ma quỷ. Vì thế, nhiều xuất hành đã dẫn tới những điểm hẹn tội lỗi. Phúc Âm giúp ta hiểu rõ điều đó, khi gẫm suy sự xuất hành của người con phung phá. Cậu ta đòi có tự do, độc lập. Cha cậu cho cậu như cậu muốn. Nhưng khi được tự do độc lập, cậu ấy xuất hành “trẩy đi phương xa. Ở đó cậu sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15,13).

Thực tế hôm nay của Ðất Nước tuy tương đối tốt, nhưng không phải là không có gì cần phải cương quyết sửa. Có những điều từng cá nhân phải sửa. Có những điều chung cả một cộng đoàn phải sửa. Có những điều toàn thể cơ chế phải sửa. Sửa sai là một xuất hành đòi sáng suốt, khiêm tốn và can đảm kiên trì. Nếu ít ra chúng ta sám hối chung cùng với tất cả mọi người trên quê hương ta về những thiếu sót mà mỗi người có phần trách nhiệm, thì việc lành tạ tội sẽ kéo được ơn đổi mới từ Trời xuống cho cuộc sống hôm nay và mai sau.

Ở đây, tôi lại nghĩ xa tới đời sau của những người đã hy sinh cho nền độc lập. Vì thế, trong lời cầu ngày Quốc Khánh của tôi có một phần nội dung về tạ từ.

 Tạ từ

Tạ từ của tôi hôm nay là tạ ơn và từ biệt những người đã góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ nền độc lập Ðất Nước.

Dù họ là ai, dù ở đâu, dù ở phía nào, nhưng một khi hy sinh cho việc xây dựng và bảo vệ Quê Hương Việt Nam này, thì họ đã xuất hành cho một tiếng gọi linh thiêng tha thiết.

Con đường dẫn đến độc lập đã bắt đầu từ rất xa. Chặng nào cũng đầy gian khổ và tình yêu nước của biết bao người tốt, người hùng. Họ đã sống khổ và chết khổ vì lý tưởng đạo đức.

Tạ từ họ là nhìn về họ trong cõi đời sau. Cõi đời sau không hoàn toàn tách biệt khỏi cõi đời này. Nên cầu xin cho họ cũng là cầu xin cho ta. Ðể họ và ta cùng biết xuất hành trên một con đường dẫn về những giá trị thiêng liêng cao cả. Họ mất tất cả, chỉ trừ sự gì họ đã cho đi vì tình yêu trung tín.

Tôi nghe sự thinh lặng của họ dưới lòng đất. Sự thinh lặng đó vẫn là một cảnh báo và là một lời cầu. Ðể cho những ai còn sống tránh được nguy cơ về tình trạng lương tâm chết. Ðể trên đường phát triển, mọi lương tâm trên đất nước này vẫn giữ được vẻ trong sáng, biết cùng nhau xây dựng những con người đạo đức và trung thành với văn hoá tâm linh Việt Nam.

ù

Nội dung lời cầu trên đây của tôi ngày Quốc Khánh phản ánh một cảm nghiệm nội tâm nhờ đức tin. Cảm nghiệm này khát tìm một tâm tình hiếu thảo thầm lặng được trải rộng ra trong các tương quan.

Mong rằng lễ Quốc Khánh năm nay sẽ trở thành một cuộc xuất hành mới hướng về những điểm hẹn vừa gần gũi mà cũng vừa cao thượng, vừa hữu hình mà cũng vừa vô hình linh thiêng vĩnh cửu.

Ðó là hy vọng tha thiết của tôi, một kẻ tội lỗi đang xuất hành đi về một điểm hẹn, không dừng lại Quốc Khánh, mà là tới mãi Thiên Quốc, với niềm tin ở lòng thương xót Chúa.

Long Xuyên, ngày 25 tháng 8 năm 2006