Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Ðối chiếu

Ðất nước ta đang biến chuyển mạnh. Ngoại lực tràn vào. Nội lực vùng lên. Ðây là cơ hội tốt, để đạo Công giáo chúng ta chứng minh giá trị của mình.

Ðể giúp cho sự chứng minh sinh hiệu quả tốt, chúng ta cần chọn cách chứng minh.

Trong suy nghĩ đó, tôi xin phép nhắc lại một tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn này dựa trên Phúc Âm, Công Ðồng Vatican II, các thư chung mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam và thực tế đang biến chuyển.

Tôi gọi tiêu chuẩn này là đối chiếu.

Theo tiêu chuẩn này, khi tôi toan tính nói gì, làm gì để phục vụ vì mục đích làm chứng cho Chúa, trước hết tôi phải đối chiếu dự định của tôi với Lời Chúa và đời Chúa Cứu thế.

 1/ Ðối chiếu với Lời Chúa và đời Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã phán: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Thầy không tìm cách làm theo ý riêng Thầy, nhưng theo ý Ðấng đã sai Thầy” (Ga 5,30).

Thánh ý Chúa Cha nơi Ðức Giêsu Kitô là gì? Thưa là công việc cứu chuộc nhân loại được hoàn tất ở sự Ðức Kitô diễn tả tình yêu của Người bằng cách dâng mạng sống mình trên thánh giá. Chính tình yêu tự nguyện hiến mình trên thánh giá đã trở thành nguồn sức thiêng thay đổi lòng người và cuộc sống con người.

Khi đối chiếu dự định phục vụ của tôi với Lời Chúa và gương đời Chúa Giêsu, tôi sẽ cầu nguyện và lắng nghe tiếng lương tâm trả lời: Dự định của tôi có phản ánh đúng tình yêu hy sinh của Chúa Cứu thế hay không. Nếu đúng, nó sẽ được gắn vào nguồn ơn cứu độ. Nếu không, nó sẽ đi trệch ra ngoài. Và trong trường hợp như thế, cho dù nó mang đủ các hình thức đạo đời có vẻ đạo đức, nó vẫn khô cằn, không đưa được lòng người và tình hình xã hội vào con đường đạo đức.

Việc đối chiếu dự tính của ta và chính bản thân ta với Chúa Giêsu là việc đòi một thái độ hồi tâm sâu lắng, khiêm nhường và nghèo khó, đơn sơ. Tu đức luôn nhắc đi nhắc lại điều quan trọng đó.

Ngoài sự đối chiếu với Lời Chúa và gương Chúa Giêsu, chúng ta còn cần đối chiếu dự định của ta với nhu cầu xã hội trong thời điểm nhất định.

 2/ Ðối chiếu với nhu cầu xã hội trong thời điểm nhất định

Phục vụ là đáp ứng đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng cách, đúng nơi.

Khi hiểu phục vụ là như thế, thì ta không nên làm bất cứ sự gì ta thích làm, nhưng phải làm điều xã hội đang cần lúc này, chỗ này.

Nói chung, xã hội Việt Nam lúc này đang thiếu nhiều sự, cần nhiều cái, đợi trông nhiều điều.

Quan sát, khảo sát kỹ, chúng ta thấy tôn giáo không thể đáp ứng tất cả mọi nhu cầu. Tuy nhiên, về mặt vật chất, chúng ta vẫn có thể chia sẻ phần nào. Dù với một phần bé nhỏ, nhưng nếu cách chia sẻ của ta tế nhị, thì đồng bào ta vẫn trân trọng những phục vụ khiêm tốn của ta.

Ngoài mặt vật chất, xã hội Việt Nam lúc này đang rất cần được trợ giúp về mặt đạo đức.

Ðạo đức là lãnh vực bao la, nhưng trong lãnh vực bao la này, con người Việt Nam lúc này rất nhạy cảm trước những giá trị của đạo làm người và đạo làm người Việt Nam.

Những giá trị thuộc đạo làm người như tinh thần trách nhiệm, khiêm tốn, ngay thực, tương thân tương ái, sám hối và lòng biết ơn.

Những giá trị thuộc đạo làm người Việt Nam như sự tự hào về non sông đất nước, lòng hiếu thảo đối với tổ tiên và tất cả những người đã có công dựng Nước, giữ Nước, và thao thức giải cứu Ðất Nước khỏi những bất công, mọi thứ nô lệ, mọi thứ tranh giành bất chính, mọi hình thức chia rẽ và hẹp hòi.

Khi đối chiếu lòng tốt của ta với nhu cầu xã hội Việt Nam trong thời điểm này, chúng ta dễ thấy bổn phận nào nên được ta chọn là ưu tiên trong cộng tác với những người tốt phục vụ xã hội.

Nếu không tỉnh tảo và khôn ngoan, cứ để lòng tốt của mình tập trung vào việc phục vụ đạo mình theo chủ quan của ta, còn nhu cầu xã hội vẫn bị dửng dưng, thì sẽ khó chứng minh được đạo ta là tốt.

Trong việc đối chiếu với xã hội, chúng ta cũng sẽ nhận ra mình đang tiến hay đang tụt hậu về phương diện nào đó. Nhận thức về sự thực này là điều rất cần cho chúng ta.

Ngoài việc đối chiếu với Phúc Âm, với xã hội, thiết tưởng cũng còn một đối chiếu khác không nên coi thường, đó là đối chiếu với các tôn giáo bạn.

 3/ Ðối chiếu với các người theo tôn giáo khác và tín ngưỡng khác

Việt Nam là nước đa tôn giáo, đa tín ngưỡng. Nhiều người theo đạo khác ta và tín ngưỡng khác ta, nhưng lại được đánh giá là đạo đức hơn bao người công giáo ta. Nhiều gương sáng về bác ái, hiếu thảo, tu trì, sám hối, khiêm nhường đã xuất hiện một cách hấp dẫn ở những bầu trời đạo khác. Nhiều giá trị về trí thức, về văn hoá đã và đang được rạng rỡ mà không cần đến các cộng đoàn đức tin công giáo. Ðó là sự thực. Sự thực này khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều.

ù

Ba đối chiếu trên đây đòi ta phải biết mở rộng tầm nhìn. Tầm nhìn nói đây nhắm vào thực tế hơn là lý thuyết. Nhưng mọi thực tế đều không đơn giản.

Ðể kết, tôi xin phép kể lại một kỷ niệm nhỏ của đời tôi.

Hồi còn là linh mục sinh viên tại Pháp, một hôm, tôi được mời đến họ đạo không có linh mục, để làm lễ an táng.

Nhà thờ vắng vẻ, thời tiết lạnh giá. Tôi một mình dọn bàn thờ và đồ lễ. Một lát sau, xe chở quan tài tới. Ðội mai táng khiêng quan tài vào để giữa nhà thờ. Ðợi ít phút, chẳng một ai tới. Tôi bắt đầu dâng lễ. Nhìn xuống, tôi thấy đội mai táng cũng đã lặng lẽ rút ra khỏi nhà thờ. Tôi làm lễ một mình với xác chết. Lễ xong, đội mai táng đưa quan tài lên xe. Còn một mình tôi dọn dẹp đồ lễ và khoá cửa nhà thờ. Rất có thể nơi đó, lúc đó, người ta coi thánh lễ như thế là bình thường.

Thánh lễ an táng đó đã qua lâu rồi. Nhưng có một đối chiếu vẫn sống động trong tôi. Tôi đối chiếu: Một bên là lòng đạo, một bên là nếp sống vật chất thực dụng. Nếu cứ để tự chọn thoải mái, thì nhiều người sẽ ngả sang bên vật chất, thực dụng. Biến chuyển này xảy đến rất mau, dễ lan tràn rộng rãi, để trở thành thói quen bình thường.

Cầu xin Chúa cho ta và cộng đoàn của ta biết sự thực của biến chuyển đó, để luôn nhớ rằng: Giữ đạo phải là một cuộc đào tạo và chiến đấu thiêng liêng thường xuyên, để luôn biết sửa mình, tỉnh thức, chu toàn thánh ý Chúa trong sám hối và cậy trông ở lòng thương xót Chúa.

Long Xuyên, ngày 02 tháng 11 năm 2006