Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 7 - 2006-
 GIEO TRỒNG LỜI CHÚA (Thao Thức 7) -2006-
  -2007-
 

Long Xuyên, ngày 17 tháng 7 năm 2006

Kính gởi Anh Trần Bạch Ðằng,

Thưa Anh thân mến,

Nhân lễ mừng thọ Anh, nhiều vị lãnh đạo Nhà nước và địa phương cùng với bạn bè khắp nơi đã gởi Anh những tình cảm trân trọng.

Tôi rất vui mừng coi sự kiện đó như một dấu chỉ của luồng gió đổi mới.

Ðể nhớ Anh, tôi đọc lại “Tuyển tập Hưởng Triều” Anh đã gởi tặng tôi năm nào.

Tôi thấy cái tâm của Anh luôn bồi hồi thao thức. Cho tới bây giờ, cái tâm ấy vẫn nuôi nhiều khát vọng đẹp cho Ðất Nước, mặc dù

Cái nghĩa nghìn năm đã trọn rồi”.

Cũng như Anh, tôi thấy hiện tại của Ðất Nước còn nhiều điều chưa ổn.

Ðất Nước mình đang thu hút được nhiều đầu tư, và nhiều người du lịch. Nhưng đến bao giờ, Nước ta mới có những trường Ðại học nổi tiếng có khả năng thu hút được nhiều sinh viên nước ngoài, kể cả từ các cường quốc, đến theo học và nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Việt Nam?

Một tương lai như thế sẽ làm rạng danh Nước nhà. Chắc Anh đã nghĩ tới trong các nghiên cứu của Anh.

Xin thân ái chúc Anh khoẻ mạnh, để tiếp tục cống hiến nhiều cho tương lai Ðất Nước.

Thân ái


Tâm tư
trước tình hình phát triển

Việt Nam ta đang được giới thiệu là một nước trên đà phát triển mạnh. Tình hình này có nhiều cái đáng mừng và cũng có nhiều cái đáng lo.

Trong lãnh vực đạo công giáo, tình hình phát triển nội bộ cần được phân định đúng. Có những phát triển giúp đời sống đạo thêm vững mạnh trong sáng. Cũng có những phát triển dần dà sẽ làm suy yếu tinh thần Phúc Âm. Nếu không tỉnh thức, tương lai đạo Chúa trên quê hương ta sẽ khó tránh được những hậu quả đáng buồn, như đã và đang xảy ra tại nhiều nước phát triển.

Với ý thức đó, tôi xin chia sẻ tâm tư của tôi.

Tâm tư này gồm 2 phần:

1/ Tâm niệm chân lý Phúc Âm.

2/ Thực hiện tâm niệm trong tình hình mới.

 Tâm niệm chân lý Phúc Âm

Nhiều phát triển của Ðất Nước phải coi là quý giá, đáng mừng. Những phát triển đó mang hy vọng giúp con người, xã hội và cả tôn giáo đi lên.

Tuy nhiên, người có đạo không nên ảo tưởng, coi mọi phát triển dễ chịu là những thần cứu độ, đem lại phần rỗi đời đời cho chúng ta.

Ðể biết dùng những phát triển theo đúng hướng, đúng mức, chúng ta cần tâm niệm mọi Lời Chúa dạy.

Riêng tôi, tôi không ngừng tâm niệm mấy lời Kinh Thánh sau đây:

1/ Chúa Giêsu phán: “Chính Thầy là Ðường, là Sự thực và là Sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Qua Lời Chúa phán trên đây, chúng ta vững tin Ðức Giêsu Kitô chính là Ðấng Cứu độ của chúng ta. Không có lực lượng nào, dù phát triển tới đâu, sẽ thay thế được Ðấng Cứu thế của chúng ta. Ngài đã thương cứu chuộc ta bằng con đường nào, thì bây giờ ta đã rõ, qua lời Ngài phán và qua thực tế xảy ra.

2/ Chúa Giêsu phán rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9,22).

Những Lời Chúa Giêsu đã nói trước trên đây với các tông đồ, sau này đã thực hiện với nhiều chi tiết rất đớn đau. Nhưng đó là con đường Chúa đã chọn để cứu nhân loại khỏi tội, đem lại phần rỗi cho những ai biết đón nhận.

Chúa Cứu thế đã hy sinh mạng sống mình cho phần rỗi nhân loại, bằng con đường khổ nạn thánh giá.

Còn các môn đệ Ngài thì sao?

3/ “Rồi Ðức Giêsu nói với mọi người: 'Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế gian mà phải mất chính mình, thì nào có lợi gì'“ (Lc 9,23-25).

Chúa phán những lời trên đây một cách quả quyết, dứt khoát. Cho nên những người muốn theo Chúa Giêsu không nên tưởng mình có quyền sửa đổi Lời Chúa, hoặc cho mình có quyền được miễn trừ, được sống khác những Lời Chúa dạy.

Khi những tâm niệm trên đây đã trở thành những xác tín sống động, vạch ra con đường cho cuộc sống, thì người môn đệ Chúa phải tìm cách thực hiện.

 Thực hiện tâm niệm trong tình hình mới

Tiếp xúc với các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay, tôi học được nhiều cách thực hiện. Các môn đệ Chúa gồm nhiều loại người, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ. Họ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Họ thực hiện những điều xác tín trên bằng nhiều cách. Trong nhiều cách đó, thiết tưởng nên để ý mấy điểm quan trọng sau đây:

a) Chu toàn bổn phận với tinh thần cầu tiến, nhất là bổn phận dùng thời giờ

Ở đây, xin đưa ví dụ riêng về hàng giáo sĩ.

Người môn đệ Chúa trong hàng giáo sĩ phải tận dụng thời giờ Chúa ban, để thường xuyên đào tạo mình và những người thuộc về mình.

Trong mục đích đó, ngài sẽ dành:

- Thời giờ để cầu nguyện, suy gẫm, tìm học thêm các môn cần cho việc làm mới lại nơi ngài vốn liếng trí thức và phong cách người môn đệ Chúa hôm nay.

- Thời giờ để giao tiếp, thăm viếng với mục đích mục vụ.

- Thời giờ để hiện diện một cách nào đó có tính cách loan báo Tin Mừng giữa xã hội không công giáo tại Việt Nam hôm nay.

- Thời giờ để dọn bài giảng và các đề tài để trao đổi, sao cho những người thiện chí xung quanh có thể nhận được từ ngài đôi chút tình người, đôi chút chân lý đạo đời hữu ích.

- Thời giờ để tìm sức thiêng đặc biệt, hầu làm chứng cho Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

b) Trau dồi về nhân bản nơi bản thân mình

Thời nay, người môn đệ Chúa nên để ý làm chứng cho Chúa qua nhân bản của mình. Cách làm chứng đó dễ gây được sức thuyết phục.

Nhân bản có thể được thể hiện qua những thái độ này:

- Nhạy bén với bất cứ sự thiện nào, dù sự thiện đó được thực hiện do bất cứ ai.

- Mở lòng ra với việc thiện gồm cả chiều kích cá nhân lẫn chiều kích xã hội, thí dụ tính chính xác và liên đới.

- Vượt khó, để đi từ việc thiện này đến việc thiện khác.

Sống nhân bản như thế là sống đạo làm người. Nó không cần mang nhãn hiệu tôn giáo, mà vẫn dọn đường đi về Ðấng Tối Cao.

c) Sáng suốt có những lựa chọn do tinh thần trách nhiệm đạo đức

Khi có nhiều phương tiện của thời phát triển, như nhiều tự do, nhiều tiện nghi, nhiều dễ dãi, người môn đệ Chúa sẽ biết tự chế mình trong các lựa chọn, luôn luôn toả sáng tình yêu và hy sinh vì phần rỗi các linh hồn.

d) Ðón nhận mọi thứ thánh giá Chúa gởi đến cho ta, với lòng khiêm tốn, dấn thân của người môn đệ chân thành. Ta muốn được Chúa nhận ta như của lễ toàn thiêu. Của lễ này làm nên hạnh phúc của ta. Hạnh phúc ấy sẽ không tuỳ thuộc ở thành công hay thất bại, nhưng ở sự ta chu toàn thánh ý Chúa với những bước đi nhỏ của hành trình ơn gọi.

ù

Tình hình phát triển đang và sẽ tạo ra cho đồng bào ta một cuộc sống khác xưa. Lòng đạo cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít.

Xin Ðức Mẹ thương cầu bầu cho chúng ta, để dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người tín hữu chúng ta được trở thành một ngọn đèn Tin Mừng trên Quê Hương Việt Nam, mà chúng ta luôn gắn bó trung thành.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 10 năm 2006