Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Tổng kết để khai trương

Thời gian tại Việt Nam lúc này là đầu năm dương lịch và cuối năm âm lịch.

Thời gian này là thời gian tổng kết. Tổ chức nào cũng tổng kết. Lớn thì tổng kết lớn. Nhỏ thì tổng kết nhỏ, đôi khi cũng lớn.

Nghe các bài tổng kết trên đài truyền hình, và đọc các tài liệu tổng kết trên các báo, tôi tự tổng kết lại thành một bài học chung và một bài học riêng.

Bài học chung là con đường chung dẫn tới việc đánh giá một năm qua của các tổ chức ban ngành. Con đường đó thường gồm 5 yếu tố:

1/ Nhìn tình hình chung,

2/ Nêu lên một vấn đề do trách nhiệm trao,

3/ Suy tư vấn đề đã nêu,

4/ Nhấn mạnh đến các hoạt động để giải quyết vấn đề.

5/ Ðánh giá việc giải quyết dựa theo vài tiêu chuẩn được lựa chọn.

Bài học riêng rút ra từ mỗi tổng kết. Nó gồm 02 yếu tố:

1/ Trình độ thông minh của cái trí được diễn tả qua tổng kết.

2/ Mức độ đạo đức của cái tâm toát ra từ hồn của tổ chức tổng kết.

Qua những bài học rút ra từ các tổng kết trong thời gian qua, tôi thấy gợi lên trong tâm trí tôi một vấn đề quan trọng cho Hội Thánh Việt Nam của chúng ta.

Vấn đề quan trọng đó, là vấn đề đào tạo nhân sự cho thời kỳ mới

Tất nhiên, đào tạo vốn được Hội Thánh ta quan tâm trong bất cứ thời buổi nào. Nhưng, lịch sử không dừng ở một chỗ. Lịch sử Ðất Nước chúng ta đã bước vào giai đoạn phát triển. Phát triển về nhiều mặt cao quý. Phát triển với tốc độ nhanh.

Trước tình hình này, Nhà Nước đang nhấn mạnh đến việc đào tạo. Các tôn giáo bạn cũng mở rộng việc đào tạo. Hội Thánh tại Việt Nam ta cũng đã nhận thức rõ, và đang đi sâu vào vấn đề đào tạo.

Ðể góp phần nhỏ vào công trình trọng đại này, tôi xin được nêu lên vài điểm, mà tôi cho là cần thiết. Mong mọi tín hữu có thể trở thành chứng nhân cho Tin Mừng trong giai đoạn phát triển này.

 1/ Chăm sóc đời sống nội tâm sao cho đúng và sâu

Ðời sống nội tâm căn bản là đời sống ta lãnh nhận khi chịu phép Rửa, để ta được nhận làm con Chúa, được chia sẻ sự sống của Chúa.

Nhưng, lúc đó, đời sống ấy mới chỉ như hạt giống. Hạt giống này cần nảy nở. Nó sẽ nảy nở nhờ sự ta hằng ngày biết lắng nghe Chúa, biết đón nhận ơn Chúa, biết cộng tác vào chương trình cứu độ, mà Chúa muốn nơi ta.

Nhờ ơn Chúa trong ta, ta sẽ sống cuộc đời ta như một hành trình đồng hành với Chúa Kitô. Nghĩa là sẽ trải qua những gian nan, thử thách, đớn đau, trước khi vào cõi phục sinh.

Nhờ đời sống nội tâm đúng và sâu, chúng ta sẽ biết phân biệt những giá trị tương đối, để luôn trung thành vào giá trị tuyệt đối là được có Chúa ở cùng.

Thời kỳ phát triển sẽ phát triển nhiều giá trị phụ thuộc. Nếu ta không cảm nhận được có Chúa trong ta là hạnh phúc tuyệt đối, thì ta sẽ dễ đổ hết công sức vào những hạnh phúc tương đối. Tất nhiên, ta không coi thường những giá trị tương đối. Nhưng những phấn đấu của ta cho những giá trị đó sẽ phải được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa, để mọi sự đều trong trật tự.

Rất nhiều người, vì không được hướng dẫn bởi đời sống nội tâm bền vững, nên đã có những lựa chọn sai lầm trong mục đích làm sáng danh Chúa. Họ thiếu sự tự do nội tâm. Nội tâm họ bị áp lực bởi nhiều thứ giá trị đạo đức ảo do trí vẽ, dư luận và ma quỷ tạo nên. Hiệu quả là họ sống trong thời phát triển, như con thiêu thân.

Người có đời sống nội tâm dồi dào, thì ngay sự hiện diện của họ cũng toả ra được luồng khí thiêng liêng, khiến những người thiện tâm xung quanh cũng có thể cảm thấy một sức mầu nào đó.

Chính vì thế, mà trong giai đoạn các giá trị đua nhau phát triển, chúng ta phải quan tâm rất nhiều đến việc đào tạo chính bản thân ta và mọi người thuộc về ta, sao cho có một đời sống nội tâm sâu sắc. Hy vọng nhờ vậy, chúng ta sẽ là men, là muối cho môi trường ta sống và phục vụ.

Ngoài đời sống nội tâm, thiết tưởng chương trình đào tạo cũng cần để ý đến việc phát triển khả năng đối thoại với các tôn giáo bạn.

 2/ Trau dồi khả năng đối thoại với các tôn giáo bạn

Các tôn giáo bạn đang và sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam. Quan hệ tốt với các tôn giáo bạn là một việc đạo đức nên được ta quan tâm đặc biệt.

Ðể những quan hệ đó đưa tới một kết quả chung, có lợi cho nhau và cho Ðất Nước, thiết tưởng chúng ta cần có những chuẩn bị.

Ngoài phong cách tác phong chân thành, kính trọng trong đối xử, chúng ta đừng quên mở rộng tầm nhìn của ta đối với các giá trị của tôn giáo bạn.

Ðã từ mấy năm nay, sức khoẻ không cho phép tôi đi thăm viếng các chùa chiền, thiền viện của Phật giáo. Nhưng qua các tin tức và hình ảnh trên đài, trên báo, tôi thấy Phật giáo Việt Nam đang phát triển mạnh và được đề cao về:

- Truyền thống đồng hành với dân tộc,

- Chăm lo việc từ thiện,

- Duy trì tính chất tu thân,

- Bảo tồn được nhiều di tích lịch sử có giá trị cao.

Một bạn độc giả “Công giáo và Dân tộc” mới gởi cho tôi hơn 40 cuốn sách Phật giáo với những đầu đề khác nhau. Tất cả đều được xuất bản sau năm 2000, do các nhà xuất bản trong Nước. Tôi mới đọc qua, và nhận thấy một nguồn sức mạnh tôn giáo đáng kính nể. Nó đang tiếp tục lan rộng, và có thể sẽ giữ một địa vị rất đáng kể trong văn hoá và đạo đức tại Việt Nam trong giai đoạn mới và mãi mãi sau này.

Tôi nghĩ: Biết người biết ta trên đường phục vụ là việc của lương tri lành mạnh.

Sau cùng, việc đào tạo nhân sự cho Hội Thánh Việt Nam thời phát triển cũng cần để ý đến việc đào tạo tài đức, có khả năng phục vụ Hội Thánh, và xã hội Việt Nam đang phát triển.

 3/ Nâng cao khả năng phục vụ xã hội và Giáo Hội ở mọi tầng lớp

Người Công giáo Việt Nam tài đức ở trong nước và ở ngoài nước không phải hiếm. Nhưng cũng cần tăng thêm về chất lượng và số lượng. Cần nhất là gây được niềm tin. Sẽ đến lúc Công giáo Việt Nam phải tỏ mình có khả năng trả lời cho những tình thế cởi mở.

Từ mấy tháng nay, tôi thấy nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ mới với các tầng lớp xã hội. Thí dụ: Ði sâu vào tầng lớp dân nghèo, có mặt trong các sinh hoạt trí thức, phục vụ trong mọi lãnh vực như văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, kinh tế, y tế, chính trị. Trong Giáo Hội cũng vậy, nhiều tín hữu đã tích cực tham gia với tinh thần con thảo. Trong biến cố Ðức Thánh Cha Benêđitô XVI bị Hồi giáo chỉ trích kịch liệt, tôi có viết thư nâng đỡ Ngài. Ngài đã trả lời với tâm tình ưu ái.

Trước lễ Noel vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có gọi điện thoại cho tôi, để chúc mừng lễ Giáng sinh và Năm mới. Tiện dịp, tôi có trao đổi với Ngài Thủ tướng vài nhận xét của tôi, như tình hình đạo đức trong nước, đời sống nông thôn, trách nhiệm của các phương tiện truyền thông, phong cách lãnh đạo của bản thân Thủ tướng. Ngài Thủ tướng rất cởi mở, lắng nghe.

Mấy sự kiện trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Thời mở ra và phát triển có nhiều cửa cho các mối tương quan phục vụ công ích. Vì thế mình phải chuẩn bị kỹ cả về cái trí cả về cái tâm.

Nhạy bén với tình hình này khiến Hội Thánh chúng ta phải chuẩn bị nhiều hơn trong việc đào tạo. Tình hình sẽ rất mới. Mỗi người chúng ta cần luôn tỉnh thức tìm thánh ý Chúa. Ta phải làm những gì Chúa sai ta làm. Ta phải đến với địa chỉ Chúa sai ta đến phục vụ. Ðó là thực chất lương tâm trách nhiệm. Làm đúng việc, dấn thân đúng lúc, đó là điều Chúa chờ đợi nơi ta, như những cộng tác viên trung tín và khôn ngoan.

ù

Trên đây là một cách tổng kết phương hướng của tôi trong năm cũ. Nó cũng trở thành một hướng để khai trương cho Năm mới Ðinh Hợi. Khai trương này tôi dâng lên Chúa giàu lòng thương xót, và để chia sẻ với anh chị em, như quà đầu Xuân. Chứ trên thực tế, với sức lực mòn mỏi, tôi chỉ còn sống trong niềm phó thác mà thôi.

Xuân mới, xin cầu chúc cho Ðất Nước và Hội Thánh Việt Nam một năm phát triển tốt, đặc biệt là trong lãnh vực đào tạo.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 01 năm 2007