Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Thời nào cũng sẽ có
ánh sáng thích hợp cho thời đó

Bài phỏng vấn Ðức Giám mục GB. Bùi Tuần
nhân dịp kỷ niệm 45 năm
thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam
(8-12-1960/8-12-2007)

 

CGvDT: Ba năm nữa, Giáo Hội Công giáo Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (8-12-1960/8-12-2010). Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong kỳ Ðại hội lần thứ X hồi tháng 10 vừa qua, cũng đã có những chuẩn bị cho dịp kỷ niệm này. Nhưng trước hết, xin Ðức Cha cho biết đâu là ý nghĩa của việc thành lập một hàng giáo phẩm địa phương?

ÐGM. GB. BT: Theo tôi, việc Toà Thánh thiết lập Hàng giáo phẩm công giáo tại một quốc gia mang ý nghĩa của một sự công nhận mức độ trưởng thành nhiều mặt của một Giáo Hội địa phương. Cho nên, thiết lập Hàng giáo phẩm tại một Giáo Hội địa phương là thiết lập một tổ chức mang sự sống vừa hữu hình vừa vô hình; hữu hình về mặt cơ cấu và vô hình về mặt sức sống của Ðức tin. Tổ chức này rất quan trọng cho Giáo Hội địa phương.

CGvDT: Và nhìn lại lịch sử của gần 50 năm qua, Hàng Giáo phẩm Việt Nam đã mang sự sống đó một cách đặc biệt, trong một giai đoạn lịch sử khó khăn?

ÐGM. GB. BT: Có thể nói như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng không phải là không có những yếu tố mang ý nghĩa của hồng ân Chúa. Ngày 8-12-1960, Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập do Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Lúc đó Việt Nam đang còn trong tình trạng chia cắt Bắc, Nam. Bắc sống đạo theo tình hình miền Bắc; Nam sống đạo theo tinh thần miền Nam. Cả hai miền Nam Bắc đều có cùng chung một sự sống Ðức tin như nhau, nhưng mỗi bên có hoàn cảnh và đặc điểm riêng của mình.

Sau biến cố 30-4-1975, Ðất nước thống nhất, hai miền Bắc Nam của Giáo Hội Việt Nam có thể chia sẻ cho nhau sự sống hữu hình và vô hình của mình.

CGvDT: Và biến cố 30-4-1975 cũng là một cột mốc quan trọng về vị trí của Ðức Cha trong Hàng giáo phẩm Việt Nam.

ÐGM. GB. BT: Vâng. Biến cố đó cũng là thời điểm tôi được Toà Thánh chỉ định làm Giám mục. Qua việc bổ nhiệm này, tôi được chính thức tham gia vào Hàng giáo phẩm Việt Nam.

CGvDT: Là một người trong cuộc, Ðức Cha có nhận định gì về vai trò của Hàng giáo phẩm Việt Nam trong giai đoạn đó?

ÐGM. GB. BT: Lúc đó, hoàn cảnh đất nước đã hoàn toàn thay đổi, đặc biệt đối với miền Nam. Có thể nói, rất nhiều tín hữu công giáo hoang mang trước thời cuộc mới. Nhưng Hàng giáo phẩm đã là nguồn ánh sáng soi dẫn cho họ.

Hàng giáo phẩm không thay đổi được lịch sử. Nhưng Hàng giáo phẩm giúp cho các tín hữu thay đổi cái nhìn của mình. Cái nhìn được thay đổi không do sáng kiến tự ý, nhưng do nền tảng Kinh Thánh. Hàng giáo phẩm không đưa ra một lúc, nhưng dần dần tuỳ dịp, tuỳ vào những chuyển biến của thời cuộc, nhưng luôn đặt nền tảng trên Tin Mừng của Ðức Giêsu và Giáo huấn của Hội Thánh.

CGvDT: Nhìn lại, trong giai đoạn mới mẻ và đầy khó khăn, đó, Hàng giáo phẩm Việt Nam có những khuôn mặt lớn đã góp phần rất quan trọng trong việc đề ra những đường hướng mục vụ cần thiết cho Giáo Hội Việt Nam?

ÐGM. GB. BT: Tôi cũng nghĩ như vậy. Và, theo con mắt Ðức tin, chúng ta có thể coi đó là sự quan phòng của Chúa đối với cộng đoàn bé nhỏ của Người tại Ðất nước này.

CGvDT: Xin Ðức Cha nêu lên một số những thay đổi cái nhìn mà Hàng giáo phẩm Việt Nam đã giúp cho các tín hữu của mình?

ÐGM. GB. BT: Ðã có rất nhiều thay đổi. Nhưng theo tôi, có bốn thay đổi đáng được nêu lên. Ðó là:

1. Sám hối và bám chặt vào Chúa hơn trước.

2. Giới thiệu vinh quang của Chúa một cách khác trước.

3. Thực hiện việc nên thánh một cách khác trước.

4. Tìm nghị lực ở những nguồn khác trước.

 

CGvDT: Xin phép Ðức Cha để đi sát hơn vào bốn thay đổi mà Ðức Cha vừa nêu lên. Trước hết, “Sám hối và bám chặt vào Chúa hơn trước”. Ðây là một thái độ sống Ðức tin của người công giáo phải luôn sống!

ÐGM. GB. BT: Ðúng vậy, trước kia người theo đạo có quan tâm đến sám hối, đến đời sống nội tâm. Nhưng sau biến cố 30-4-1975, hai miền đạo Bắc Nam thấy mọi sự xảy tới không như mình tưởng, nên đã quay về với Chúa sâu hơn, trọn vẹn hơn. Họ thực hiện triệt để các lời Chúa Giêsu phán: “Hãy sám hối trở về, vì Nước Trời đã gần” (Mt 4,17); “Nước Trời không đến như điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này, hay: Ở kia kìa, vì này Nước Trời đang ở giữa anh em” (Lc 17,20-21).

Tôi còn nhớ những cuộc tĩnh tâm cho linh mục giáo phận sau 30-4-1975. Hoàn cảnh vật chất lúc đó rất eo hẹp, nhưng tất cả các linh mục đều rất sốt sắng. Các ngài chỉ lo cầu nguyện, sám hối, bám chặt vào Chúa. Không đủ giường chiếu, nhiều linh mục trẻ về tĩnh tâm tình nguyện nằm đất. Lúc đó, tôi cảm thấy bầu khí tĩnh tâm chìm ngập trong lửa Chúa Thánh Thần.

CGvDT: Và với một thái độ như thế, sẽ dẫn đến thay đổi thứ hai mà Ðức Cha nêu lên: “Giới thiệu vinh quang của Chúa một cách khác trước”, “Một cách khác trước” phải chăng là sự từ bỏ cơn cám dỗ triền miên về quyền và vinh quang bên ngoài mà Giáo Hội thường gặp?

ÐGM. GB. BT: Trước đây, nhiều nơi có thói quen giới thiệu vinh quang của Chúa qua những hoành tráng, đắc thắng của Giáo Hội. Nhưng sau khi Giáo Hội Bắc Nam gặp gỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, Hàng giáo phẩm Việt Nam đã không ngần ngại giới thiệu vinh quang của Chúa được tỏ hiện ở sự khiêm nhường, khó nghèo của Chúa tại hang đá Bêlem và sự hy sinh đau đớn của Chúa trên thánh giá tại núi Canvê.

Mọi tín hữu được Chúa gọi hãy giới thiệu vinh quang Chúa qua đời sống khiêm tốn, khó nghèo và hy sinh. Tất nhiên, họ sẽ phải chịu nhiều đau khổ, hy sinh. Nhưng nhờ nhìn lại gương Chúa Giêsu xưa, họ được an ủi và bình an.

CGvDT: Từ đó, người công giáo Việt Nam sẽ “Thực hiện việc nên thánh một cách khác”?

ÐGM. GB. BT: Trước đây, không thiếu người cứ tưởng nên thánh là phải làm những việc lớn lao. Nhưng hoàn cảnh cụ thể của giai đoạn mới kêu gọi người ta nhớ lại việc nên thánh chỉ đơn sơ là thực thi ý Chúa. “Không phải những ai kêu 'lạy Chúa, lạy Chúa', là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thực thi ý Cha Ta là Ðấng ngự trên trời” (Mt 7,21).

Thánh ý Chúa về mỗi người là chu toàn bổn phận bình thường của mình, nhưng một cách khác thường. Lúc đó, “Nước Chúa không phải là chuyện đồ ăn, thức uống, nhưng là công lý, bình an và hoạn lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17).

Công lý, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần sẽ đến với ta, khi ta sống Tám Mối phúc. Ðây là những liên đới xã hội rất thường, nhưng rất khó. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, bao người sống Ðức tin trong giai đoạn khó khăn đã thực hiện được.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh sống vâng phục thánh ý Chúa trong đời thường. Ðời thường là cuộc sống làm ăn, cuộc sống gia đình, cuộc sống tham gia vào văn hoá và sinh hoạt xã hội, ngay cả những cảnh chịu bệnh tật, chịu oan ức, sỉ nhục. Họ đã vâng phục thánh ý Chúa một cách khác thường, nghĩa là với động lực thiêng liêng cao cả.

CGvDT: ...và “Tìm nghị lực ở những nguồn khác trước”?

ÐGM. GB. BT: Trước đây, nhiều tín hữu để mình trôi theo trào lưu tìm nguồn nghị lực ở những đối tượng khác nhau như: Thế lực chính trị, thế lực kinh tế, thế lực danh vọng. Nhưng sau những thử thách đau đớn, nhiều người đã tập trung tìm nguồn nghị lực ở cầu nguyện, thánh lễ, suy niệm và phục vụ yêu thương. Nói tắt là lúc khó, họ thực hiện triệt để hơn lời Chúa Giêsu phán xưa: “Hãy tìm Nước Trời và sự công chính của Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho chúng con sau” (Mt 6,31).

CGvDT: Vâng, nhưng theo Ðức Cha, những “ánh sáng thích hợp” cho tương lai của cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam sẽ là gì?

ÐGM. GB. BT: Tôi không ngần ngại đưa ra một hình ảnh trong Phúc Âm, mà Ðức Thánh Cha Bênedictô XVI đã dùng làm tựa đề cho một cuốn sách của Ngài: “Chúng con hãy là muối của đất” (Mt 5,13).

Rõ ràng đất chiếm đại đa số. Muối luôn giữ một địa vị thiểu số rất nhỏ, rất âm thầm. Nhưng nó lại có sức mang lại sự sống cho đất.

Người công giáo Việt Nam phải rất mặn về tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Chúa muốn như vậy, để họ có thể góp phần đem tình yêu cứu độ cho thế giới hôm nay.

Theo hướng suy nghĩ đó, tôi thấy ánh sáng thích hợp cho Giáo Hội Việt Nam hiện nay sẽ là đào tạo người công giáo Việt Nam nên muối của đất.

CGvDT: Cuối cùng, là một trong những Giám mục, tuy gia nhập Hàng giáo phẩm Việt Nam chỉ từ tháng 4-1975, nhưng lại là thời điểm khởi đầu của một giai đoạn đổi thay lịch sử quan trọng, và hiện nay đã về hưu và được nhiều người coi là một trong những trụ cột của Hàng giáo phẩm Việt Nam trong giai đoạn sau 1975, Ðức Cha nghĩ gì về vai trò của Hàng giáo phẩm Việt Nam hiện nay?

ÐGM. GB. BT: Tôi luôn bé nhỏ. Bây giờ càng nhỏ bé hơn, do tình trạng về hưu và tuổi cao sức yếu.

Cảm nghĩ của tôi đối với Hàng Giáo phẩm Việt Nam lúc này là: Mọi người trong mọi địa vị khác nhau đều hiệp thông trong sứ vụ “Kẻ được sai đi”.

Là những nhà lãnh đạo, Hàng Giáo phẩm Việt Nam hôm nay luôn cố gắng nhìn sâu trong hiện tại và nhìn xa trong tương lai.

Hiện tại không đơn giản. Tương lai không dễ dàng. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hàng Giáo phẩm Việt Nam đi lên phía trước trong ý thức sâu xa về mầu nhiệm thánh giá: “Vinh dự của chúng ta là thập giá Ðức Kitô. Nơi Người ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta”.

Năng động và khiêm tốn, Hàng Giáo phẩm Việt Nam hôm nay luôn làm chứng niềm tin nơi Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

CGvDT: Xin chân thành cám ơn Ðức Cha về cuộc phỏng vấn này.

Long Xuyên, ngày 18 tháng 11 năm 2007