Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Tâm tình viết báo

Tôi không tách rời việc tôi viết báo khỏi trách nhiệm tôi phải chia sẻ Tin Mừng.

Tuần báo “Công Giáo và Dân Tộc” này có nhiều bài của tôi. Rải rác bao nhiêu bài, tôi không nhớ.

Nhân dịp tuần báo bé nhỏ này mừng 32 tuổi, tôi xin giãi bày đôi chút tâm tình của tôi về viết báo đạo.

Xin nói ngay điều này: Mỗi khi viết một bài báo, bao giờ tôi cũng đắn đo. Ðắn đo bằng suy tư nhiều, nhất là bằng cầu nguyện rất nhiều, với hy vọng bài báo nếu không có nhiều chất lượng tốt, thì ít ra cũng vang vọng “tiếng kêu trong sa mạc” một cách nào đó.

Sau nhiều năm như thế, tôi cảm nghiệm trong tôi những tâm tình nào?

Thưa bốn tâm tình dưới đây được coi là sống động nhất:

- Niềm vui.

- Nỗi đau.

- Nỗi lo.

- Hy vọng.

 Niềm vui

Niềm vui đến từ những khám phá do ảnh hưởng bài báo.

Lợi ích lớn nhất của tôi khi viết báo là mang lại lợi ích cho người khác. Lợi ích mang lại cho người khác thực rất đơn sơ. Ðơn sơ ở chỗ bài báo chỉ là một hiện diện thân thương. Nhiều người, khi đọc bài báo, đã tự tìm ra chính mình.

Từ đó, bài báo và họ trở nên những bạn đồng hành, thêm hy vọng cho nhau. Họ được an bình hơn trong chính không gian của họ. Tất nhiên không gian đó có ánh sáng riêng và bóng tối riêng. Nhưng với bài báo hiện diện, họ nhận được sức mạnh mới từ Ðấng thiêng liêng mà họ tin là yêu thương họ.

Những gì tôi vừa nói là có thực và có nhiều. Trong những lợi ích như thế, tôi gặp được rất nhiều bạn đọc luôn đợi chờ những phục vụ bé nhỏ của tôi, dù họ biết tôi có nhiều giới hạn.

Hơn nữa, những bài trên “Công giáo và Dân tộc” này đã là cầu nối để tôi gặp được không ít người ngoài Công giáo. Chính họ chia sẻ với tôi về các giá trị đạo đức, như đạo Hiếu, vấn đề tu thân, việc làm từ thiện, tinh thần gắn bó với dân tộc, cái tâm trăn trở về những tiêu cực phá hoại văn hoá truyền thống.

Tôi coi đây là một lợi ích lớn.

Thêm vào lợi ích đó, cũng nên kể ra một lợi ích khác, đó là trong thời gian dài viết báo, tôi khám phá ra trong chính tôi nhiều ơn riêng Chúa đã ban cho.

Như thế, niềm vui là đặc biệt. Nhưng bên cạnh nó, có nỗi đau.

 Nỗi đau

Nỗi đau tôi thường gặp trong đời viết báo là cảm nhận được nhiều thứ nỗi đau của đủ hạng người.

Từ trong nước và từ nước ngoài, tôi nhận được những tiếng gọi của không biết bao hoàn cảnh đáng thương. Hoàn cảnh đáng thương gồm nhiều loại: Loại khổ về tinh thần, loại khổ về thể xác, loại khổ về bất công xã hội, loại khổ về bất ổn gia đình, vv... Nhưng, cái khổ mà tôi nhận được nhiều nhất là cái khổ do đói tình thương và các lương thực đạo đức.

Nỗi khổ của họ trở thành nỗi khổ của tôi. Nỗi khổ của tôi là cái khổ của những đồng bào thiếu thốn, cộng thêm những giới hạn của tôi. Tôi hết sức thông cảm và rất muốn đỡ nâng, chia sớt, nhưng lực bất tòng tâm. Tôi chỉ đáp lại được phần nào những tiếng gọi khổ đau xa gần.

Khi tôi buồn đau về thực trạng đó, thì thỉnh thoảng tôi lại gặp những cảnh đau xót khác. Ðó là có một số người đi về phía trước với nhiều phương tiện truyền thông phong phú. Những phương tiện này chất nặng hận thù định kiến và tinh thần thế tục. Họ xả chất độc vào những người tốt, cả trong Hội Thánh. Sự kiện đó làm cớ cho Hội Thánh dễ bị mất uy tín. Ðể rồi, sự lựa chọn của đồng bào có thể sẽ xa dần Công giáo, để đặt tín nhiệm vào những nơi khác. Ðiều đó không còn chỉ là nỗi lo, mà xem ra đang trở thành hiện thực.

 Nỗi lo

Sau nhiều năm phục vụ Tin Mừng trong một giai đoạn không thiếu khó khăn, tôi luôn nhấn mạnh đến 3 nhiệm vụ này:

- Tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa tình yêu.

- Cử hành phượng tự thờ Thiên Chúa tình yêu.

- Phục vụ đồng bào, theo lời truyền của Thiên Chúa tình yêu.

Việc tôi viết báo nằm trong những nhiệm vụ đó.

Khi viết báo, mà đã ý thức rõ: Mình viết cho ai, vì mục đích gì, thì tôi luôn đề cao Thiên Chúa tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là rất khiêm nhường, rất hy sinh (x. Pl 2,6-11).

Tôi thấy rằng: Chính Thiên Chúa tình yêu đang thay đổi lòng người và tình hình, một cách âm thầm.

Các phương tiện truyền thông công giáo hãy tích cực cộng tác với Người.

Ði theo hướng ngược lại, vâng nghe tiếng gọi của lợi ích riêng, dưới danh nghĩa “mở Nước Chúa” sẽ là một sai lầm và hoang tưởng. Nhất là khi lại góp phần vào phong trào bất trung, bất hiếu, bất kính, vô ơn, vu khống đối với Hội Thánh.

Tôi hay lo. Nên tôi càng lo cho tờ “Công giáo và Dân tộc” và cho chính tôi. Xin Chúa gìn giữ chúng tôi, đừng bao giờ để mắc mưu độc dữ.

Nhưng nỗi lo của tôi được vơi đi nhờ thực tế và hy vọng. Thực tế là nhiều người tại Việt Nam càng ngày càng khao khát tình thương và chân lý của Chúa, cũng như mong được biết tình hình Hội Thánh, ngay từ tờ tuần báo khiêm tốn này. Hy vọng là tương lai báo đạo sẽ phát triển cả lượng lẫn phẩm.

 Hy vọng

Tôi coi tôi như người viết báo bất đắc dĩ. Tôi hy vọng: Trong tương lai, sẽ có nhiều người được chuẩn bị hơn, để dấn thân vào các phương tiện truyền thông.

Chuẩn bị bằng vốn học.

Chuẩn bị bằng vốn sống.

Ðặc biệt là chuẩn bị bằng tinh thần đạo đức với chất lượng cao, nhất là giàu tình thương, biết công bằng trong thông tin và sáng suốt trong bình luận.

Những chuẩn bị này không phải chỉ do cá nhân, mà còn do cộng đoàn; không phải đợi đến tương lai, mà phải ngay từ bây giờ.

Tháng sáu vừa qua, tôi nhận được thư của Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI. Trong thư, Ngài trích lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ trước khi Người lên trời: “Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Tôi luôn tin lời Chúa hứa. Nhờ vậy, dù bây giờ còn hoạt động được đôi chút, dù sau này, khi phải đi vào thầm lặng vì sức khoẻ quá suy tàn, tôi vẫn hy vọng Chúa ở với tôi, và ở với chúng ta.

Xin tạ ơn Chúa giàu lòng thương xót.

Xin cảm ơn tất cả mọi độc giả thân mến xa gần.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 6 năm 2007