Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Tự răn mình theo Phúc Âm

(Nhân biến cố sập cầu Cần Thơ)

Cầu Cần Thơ bị sập là một thảm hoạ rất trầm trọng.

Trước thảm hoạ này, đã xuất hiện ba thái độ trong đồng bào:

Một là tự hỏi về trách nhiệm theo pháp luật.

Hai là tự thức về tình liên đới đối với các nạn nhân.

Ba là tự răn mình theo ánh sáng Phúc Âm.

Cả ba thái độ đều đáng trân trọng. Ở đây tôi suy nghĩ nhiều hơn về thái độ tự răn mình theo ánh sáng Phúc Âm. Chọn lựa này là một cách sống Phúc Âm theo các dấu chỉ. Tôi rất đau đớn trước thảm hoạ. Tôi không vội quy tội. Tôi hoan nghênh mọi liên đới. Nhưng tôi đi xa, coi đây là một dấu chỉ khuyên răn.

 1/ Khuyên răn về sự cần thiết sám hối

Phúc Âm thánh Luca kể: “Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn những người Galilê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy. Cũng như 18 người kia bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội hơn các người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,1-5).

Chúa Giêsu rất thương các nạn nhân. Người đã lợi dụng dịp này để nói về sám hối.

Sám hối là điều hết sức quan trọng. Thánh Gioan Tiền Hô đã nhấn mạnh. Chúa Giêsu luôn nhắc nhở. Các thánh tông đồ nhìn đó là bước đầu cần thiết để đón Tin Mừng, Ðức Mẹ ở Fatima coi sám hối là một sứ điệp khẩn thiết để cứu thời đại hiện nay.

Hiện nay, các dấu chỉ thôi thúc việc sám hối càng ngày càng tăng. Tôi coi thảm hoạ sập cầu Cần Thơ là một dấu chỉ không nên coi thường.

Sám hối cần hồi tâm, đòi khiêm tốn. Sám hối không phải chỉ vì các tội đã phạm, mà còn vì những não trạng xấu, thói quen xấu, nếp sống xấu đã được bình thường hoá.

 2/ Khuyên răn về sự cần thiết thực thi Lời Chúa

Phúc Âm thánh Matthêu kể lại lời Chúa Giêsu phán: “Ai nghe những lời Thầy nói, mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấp sẽ sụp đổ tan tành” (Mt 7,24-27).

Lời cảnh báo trên đây là nghiêm trọng. Nó vang vọng khắp nơi và mọi thời.

Thiết tưởng việc thực thi Lời Chúa quan trọng nhất hiện nay là gắn bó với Chúa Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Ðáng tiếc là nhiều người vẫn giữ đạo theo kiểu xây nhà trên cát. Nghĩa là không trên nền tảng thực thi Lời Chúa. Hậu quả thực sự rất đau buồn. Chúa thương, nên đã gởi đến nhiều dấu chỉ để cảnh tỉnh. Có người đã đón nhận. Nhưng bao người chưa đón nhận. Thực đáng lo.

 3/ Khuyên răn về tính cách bất ngờ

Phúc Âm thánh Marcô thuật lại rằng: “Ðang khi Ðức Kitô ra khỏi đền thờ, thì một trong các môn đệ nói với Người:

“Thưa Thầy, Thầy xem đá lớn thật. Công trình kiến trúc vĩ đại thật. Ðức Giêsu đáp: Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả đều sẽ bị tàn phá” (Mc 13,1-2). Rồi Chúa nói trước về tính cách bất ngờ của những biến cố Chúa sẽ để xảy ra.

Phúc Âm thánh Luca nói về tính cách bất ngờ trong quá khứ, như hồng thuỷ thời ông Noe, như mưa lửa thời ông Lót (x. Lc 17,26-30).

Sẽ có những bất ngờ ập tới trong tương lai (x. Mc 13,33-37). Vì thế Chúa Giêsu hay nhắc đến việc phải tỉnh thức và cầu nguyện.

Tiện đây, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm đời tôi. Ðời tôi là chuỗi dài kinh nghiệm về những bất ngờ. Bất ngờ về sự sụp đổ những gì tưởng không thể sụp đổ. Bất ngờ về sự mất mát những gì tưởng không thể mất mát. Bất ngờ về sự phục sinh những gì tưởng không thể sống lại. Bất ngờ về sự đổi mới những gì tưởng không thể đổi mới.

Ðời đạo đều có những bất ngờ. Ta cần tỉnh thức.

ù

Thời sự hiện nay có rất nhiều biến cố đáng suy nghĩ. Ta nên coi đó là những dấu chỉ. Chúa nói qua các dấu chỉ. Biết đọc được ý Chúa qua các dấu chỉ, thiết tưởng đó là một bổn phận đạo đức.

Chia sẻ này của tôi thực là bé nhỏ. Nó được viết vội trong tâm tình thương đau thao thức. Như với một quốc nạn. Như trong một quốc tang. Như trước một dấu chỉ. Tôi cầu mong đừng sập niềm tin.

Long Xuyên, ngày 27 tháng 9 năm 2007