Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Nhìn lại năm 2007

Những yếu tố quan trọng
giúp phát triển đạo đức

 

Năm 2007 là năm phát triển. Trong đạo ngoài đời, phát triển là mơ ước, là cố gắng, là tự hào.

Riêng về tôn giáo, phát triển có thể được đánh giá về nhiều mặt, như: Nhân sự, cơ sở, đất đai, xây cất, tiền bạc, tổ chức, lễ lạy, quan hệ, hiện diện, ảnh hưởng, nhất là trung thành với tinh thần Ðấng sáng lập.

Ở đây, tôi nói tới phát triển trong ranh giới nội bộ Công giáo Việt Nam.

Trong nội bộ đó, tôi chỉ để ý đến mặt đạo đức. Ðề tài sẽ là thế này:

Năm qua, những yếu tố nào được coi là có ảnh hưởng mạnh nhất trong việc phát triển đạo đức nơi người công giáo Việt Nam.

Thưa là những yếu tố sau đây:

 1/ Lời Chúa được mộ mến

Lời Chúa giữ vai trò rất quan trọng trong việc cứu rỗi. Ở đây, chỉ xin nhắc lại lời thánh Phaolô khuyên môn đệ Timôthê: “Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh ứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3,15-17).

Lời Chúa là ánh sáng, là sự sống, là khí giới. Ðàng sau Lời Chúa có chính Chúa hiện diện. Vì thế, những người nào, nơi nào mộ mến Lời Chúa đều đã gặp được Chúa.

Mộ mến Lời Chúa là kính trọng Lời Chúa, nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, sống Lời Chúa.

Nơi nào lòng mộ mến Lời Chúa phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, nơi đó thấy rõ đạo đức đã đổi mới con người một cách lạ lùng.

 2/ Phép Thánh Thể được tôn sùng

Chúa phán: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Các con cũng vậy, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,4-5).

Phép Thánh Thể là một cách Chúa Giêsu ở lại giữa nhân loại. Ở lại thực sự. Ai ở lại với Người, sẽ được Người đổi mới bản thân, để rồi ra đi, sinh nhiều hoa trái.

Ðiều cần thiết là phải ở lại thực sự với Chúa. Trong thánh lễ và trong những giờ chầu.

Năm 2007, nhiều cộng đoàn đã có sáng kiến, để những ai muốn chầu Mình Thánh tự do được toại nguyện. Năm 2007, nhiều cộng đoàn đã có những đổi mới về thánh lễ. Ðã có sự bớt đi những phát biểu, những rườm rà không cần thiết, để tập trung vào Ðức Kitô.

Kinh nghiệm cho thấy: Nơi nào có đông người ở lại với phép Thánh Thể và tập trung vào Ðức Kitô, để sống mật thiết với Người, nơi đó đạo đức đã gây được những biến chuyển sâu sắc trong nếp sống từ trong ra ngoài.

 3/ Người nghèo hèn được quan tâm

Chúa phán về ngày phán xét: “Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên hữu rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con tự thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn, Ta khát, các con đã cho uống... Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống đâu... Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: Ta bảo thật các con, mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25-24-40).

Qua những tuyên bố dứt khoát trên đây, mọi người phải tin rằng: Quan tâm lo cho những thành phần bé mọn trong xã hội là một bổn phận đạo đức không thể coi thường.

Hiện nay, lớp người bé mọn trong xã hội Việt Nam còn rất đông. Khoảng cách giữa giàu và nghèo còn rất lớn. Chúa đợi chúng ta ở nơi người nghèo hèn. Họ là địa chỉ Chúa sai ta đến. Ta đến với họ là đến với Chúa.

Nhận thức như thế, nhiều giáo đoàn tại Việt Nam đã coi công việc bác ái xã hội là một hoạt động để làm chứng đức tin. Dịp Noel vừa qua, xã hội Việt Nam khắp nơi đã ghi nhận và ca ngợi việc đó. Bác ái xã hội đối với người nghèo của nhiều giáo xứ giáo phận đã được đánh giá rất cao.

Thực vậy, năm 2007, nơi nào việc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức tin được kết quả tốt, nơi đó chắc chắn một phần là do hướng mở ra về phía người nghèo khổ được phát triển một cách tích cực và tế nhị.

 4/ Hội Thánh được kính trọng, yêu mến

Chúa Giêsu phán: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Yêu thương nhau, kính trọng nhau, đó là một dấu chỉ, mà chính Chúa đã chọn như một đặc điểm, để làm chứng mình thuộc về Chúa.

Ðặc biệt yêu thương, kính trọng đối với Hội Thánh là một dấu chỉ thuyết phục.

Hội thánh là một thứ bí tích. Hội Thánh được Chúa thiết lập, được Chúa sai đi, được Chúa thánh hoá, được Chúa yêu thương. Mỗi người tín hữu đều được sinh vào Hội Thánh nhờ phép Rửa, được lớn lên nhờ phép Thêm sức, được nuôi dưỡng nhờ phép Mình Thánh, được giao hoà nhờ phép Giải tội, được mạnh sức nhờ phép Xức dầu, được huấn luyện nhờ phép Truyền chức, được kết hợp với nhau thành vợ chồng nhờ phép Hôn phối. Tất cả đều nhờ Hội Thánh và trong Hội Thánh. Hội Thánh là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho ta. Biết kính trọng, biết ơn Hội Thánh và các vị Chúa đặt đứng đầu các cấp Hội Thánh là đòi hỏi của lòng hiếu thảo.

Chiều ngày lễ Giáng Sinh vừa qua, tôi tham dự qua truyền hình trực tiếp buổi Ðức Thánh Cha Benedictô XVI đọc diễn văn về hoà bình và ban phép lành bình an cho thế giới. Tôi hiệp thông với Ngài nguyện cầu cho mỗi người chúng ta được ơn luôn làm sứ giả hoà bình và dụng cụ bình an của Chúa trên Quê Hương Việt Nam này.

Trên thực tế, nhiều nơi, sự yêu thương nhau là rất chan hoà, sự hiệp thông Toà Thánh là rất sâu xa. Nhờ thế, mà đạo đức phát triển mạnh, Hội Thánh được xã hội không công giáo kính nể, trọng thị.

ù

Tôi vừa nhắc tới 4 yếu tố quan trọng giúp phát triển đạo đức.

Khi 4 yếu tố trên đây bắt đầu được phát triển tốt, người ta sẽ thấy xuất hiện nhiều cản trở. Cản trở do thế gian, do ma quỷ, do bất đồng nội bộ, do chính bản thân mình. Sẽ có những phấn đấu cam go, những bước đi đau đớn, những hoàn cảnh cô đơn. Ðúng là: Thử thách trong bão gió, trưởng thành trong suy niệm gặp Chúa.

Ngay lúc này, đầu năm 2008, ta sốt sắng dâng lên Chúa quyết tâm của ta sẽ làm hết sức để cộng tác với Chúa trong việc phát triển đạo đức. Ðó là quyết tâm, và đó cũng là sứ mệnh.

Long Xuyên, ngày 5 tháng 12 năm 2007