Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Ðổi mới

Trong tuần Phục sinh và trong mùa Phục sinh, chúng ta có nhiều đề tài để suy niệm về Chúa Phục sinh.

Có đề tài do các bài Sách Thánh gợi lên.

Có đề tài do hoàn cảnh xã hội đặt ra.

Có đề tài do cuộc sống bản thân đưa tới.

Có đề tài do Chúa gởi vào lương tâm ta.

Riêng đối với tôi, đề tài tôi đang suy niệm là đổi mới. Ðề tài này đến với tôi một cách tự nhiên. Tôi không muốn tìm hiểu nó từ đâu tới. Chỉ biết rằng: Ðổi mới, đối với tôi, vừa là suy tư, vừa là cảm nghiệm. Nó giúp tôi rất nhiều trong việc sống đạo theo hoàn cảnh của tôi, tại Việt Nam hôm nay.

Với tâm tình phục vụ, tôi xin chia sẻ vắn gọn.

 1/ Ðổi mới cái nhìn về Chúa Giêsu

Càng thêm tuổi, tôi càng cảm thấy Chúa Giêsu đến với con người một cách linh động.

Linh động về nơi hiện ra, linh động về hình dáng hiện ra, linh động về thời giờ hiện ra, linh động về những người Chúa muốn chọn để hiện ra thăm hỏi. Thực vậy, trong Phúc Âm, đã có những bất ngờ về việc Chúa hiện ra. Như:

Hiện ra tảng sáng với bà Maria ở vườn Cây Dầu, nơi có mộ chôn xác Chúa (x. Ga 20,14).

Hiện ra ban tối với nhiều môn đệ đang sợ hãi trong phòng đóng kín (x. Ga 20,19).

Hiện ra buổi rạng đông với mấy môn đệ đánh cá ở hồ Tiberia (x. Ga 21,4).

Hiện ra ban chiều với hai môn đệ đang trên đường đi Emmau (x. Lc 24,13-35).

Nơi Chúa hiện ra đều bất ngờ. Thời giờ Người đến cũng bất ngờ. Hình dáng Người tỏ hiện cũng bất ngờ. Những người được gặp Chúa cũng bất ngờ.

Ðiều bất ngờ nhất trong mọi bất ngờ là Chúa phục sinh đến như một Ðấng Cứu thế, giàu tình yêu thương xót, đồng hành với những người đang sống trong lo buồn, sợ hãi, chán nản, băn khoăn, bế tắc. Người không tự đóng khung.

Chỉ cần bằng cách nào đó họ gọi Người, tìm Người, đợi chờ Người, lắng nghe Người.

Người hiện ra bất ngờ, rồi lại biến đi bất ngờ. Những kẻ được Chúa hiện đến viếng thăm phải sống với Người bằng niềm tin. Tin tuyệt đối vào tình yêu thương xót của Người. Tin như thế là phó thác cậy trông không bờ bến.

Mùa Phục sinh đã đổi mới cái nhìn như thế về Chúa Giêsu nơi nhiều người, trong đó có tôi.

Cùng với sự đổi mới trên đây, mùa Phục sinh đã đổi mới cái nhìn của tôi về thánh giá.

 2/ Ðổi mới cái nhìn về thánh giá

Tôi gọi thánh giá là cây thập tự, mà Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào, dựng cao lên nơi công chúng, chính trên đó Người đã tắt thở vì đau đớn thể xác và đau khổ tâm hồn.

Cái chết của Chúa Giêsu là như thế. Ðâu có chút gì giống những cái chết lẫy lừng vang dội của bao người quyền chức trên thế giới. Trước đó, Chúa Giêsu đã chịu biết bao đau khổ trong cuộc đời. Tất cả những đau khổ ấy cũng gọi được là thánh giá.

Thực quá khó hiểu. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với hai môn đệ trên đường Emmau rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thực là chậm tin vào lời các ngôn sứ: Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,25-26).

Ðược Chúa Giêsu giải thích và được ơn Chúa đổi mới tâm hồn, các môn đệ Chúa đã có một cái nhìn mới về đau khổ. Ai muốn được chia sẻ vinh quang của Chúa phục sinh sẽ phải vượt qua một số khổ đau xác hồn. Hiểu như thế, con người sẽ thấy nhiều khổ đau mình chịu có một ý nghĩa thiêng liêng cao quý.

Sự hiểu biết thấu đáo chân lý đó sẽ được thực hiện không phải chỉ qua các lý thuyết, nhưng phải qua các kinh nghiệm thực tế của đời mình. Ðau khổ là một trường đào tạo. Những đau khổ biết vượt qua vì tình yêu cao cả sẽ gặp được Chúa phục sinh.

Do đó, đổi mới cái nhìn về thánh giá luôn đi kèm với việc đổi mới đời mình. Ðời ta phải là cuộc phấn đấu sống theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là hoàn cảnh được sai đi.

 3/ Ðổi mới cái nhìn về sứ mạng được sai đi

Khi Chúa phục sinh hiện đến với các môn đệ, Người phán: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21).

Bấy giờ, các môn đệ hiểu sự Chúa Giêsu sai các ngài đi là một sứ mạng vinh quang. Bởi vì sứ mạng được sai đi của các ngài gắn liền với sứ mạng của Chúa Giêsu, và bắt nguồn từ chính Chúa Cha. Hơn nữa sứ mạng đó được hỗ trợ bởi chính Chúa Thánh Thần: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

Các ngài được sai đi, để làm gì? Chúa Giêsu xác định: “Phải nhân danh Ðức Kitô mà rao giảng cho mọi người sự sám hối để họ được ơn tha tội” (Lc 24,47). Rao giảng trước hết bằng chính mình khiêm nhường sám hối. Gương sám hối của thánh Phêrô là một bài giảng thuyết phục.

Những lời Chúa phục sinh nói với các môn đệ đã đổi mới cái nhìn về sứ mạng được sai đi của bao người chúng ta.

Khi hiểu đúng sứ mạng đó, chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến do Chúa Thánh Thần soi dẫn, để đi vào dân. Dân gần chúng ta, dân xa chúng ta.

Chúng ta không được Chúa hứa sẽ nhìn thấy kết quả của sứ mạng Chúa sai chúng ta. Nhưng chúng ta được Chúa hứa là: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

ù

Với sự đổi mới cái nhìn về Chúa Giêsu, về thánh giá, về sứ mạng được sai đi, biết bao môn đệ Chúa đang được Chúa phục sinh đồng hành tại quê hương Việt Nam.

Ðiều đáng mừng nhất là họ đổi mới sâu sắc chính mình thực sự.

Dù âm thầm, họ vẫn là hy vọng cho một Giáo Hội đang phục vụ trong tình yêu và chân lý cứu độ. Do đó, đổi mới trong phục vụ đang trở thành một vấn đề nhạy cảm cho việc sống đạo tại Việt Nam hôm nay.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 4 năm 2007