Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Còn sót lại

Mỗi năm, đến lễ kính Tổng lãnh thiên thần Micae (29-9), toàn thể giáo phận Long Xuyên lại đặc biệt hướng về Ðức Cha Nguyễn Khắc Ngữ mến yêu. Ngài là Giám mục tiên khởi của giáo phận Long Xuyên chúng tôi.

Năm nay Ðức Cha Micae 98 tuổi. Với số tuổi này, Ngài thuộc lớp giám mục cao niên nhất còn hiện diện giữa Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Vì thế, mọi nơi, mọi người thuộc Giáo Hội Việt Nam hiện nay có quyền được biết về nhân vật rất đáng kính này. Có thể nói: Ðã lâu rồi, Ngài không còn là của riêng giáo phận Long Xuyên, nhưng là của chung Giáo Hội Việt Nam một cách nào đó.

Dẫu sao, tôi vẫn coi Ngài là một ân huệ lớn lao, Chúa đã ban cho tôi, cho Ðức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu và cho giáo phận Long Xuyên này.

Hôm nay, tôi sẽ chỉ thông tin về chân dung Ðức Cha Micae lúc này trong tuổi 98, dưới cái nhìn của tôi lúc này đang 80 tuổi.

Chân dung Ngài mà tôi sắp gởi đi sẽ rất đơn sơ. Chỉ có ba nét rút ra từ Kinh Thánh:

 1/ “Số nhỏ còn sót lại

Trong sách tiên tri Sophonia, Chúa phán: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo khó và bé nhỏ. Chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Ðức Chúa” (Xp 3,12).

Lời Chúa phán trên đây dẫn tôi nhìn vào Ðức Cha Micae. Tôi thấy Ðức Cha Già của chúng tôi thuộc số nhỏ, Chúa cho còn sót lại giữa xã hội hôm nay. “Số nhỏ còn sót lại” này có những đặc điểm sau đây:

- Nghèo khó,

- Bé nhỏ,

- Tìm ẩn mình trong Chúa.

Những năm trước đây, Ðức Cha Micae vốn có những đặc điểm đó. Với năm tháng, những đặc điểm này càng rõ thêm. Bây giờ thì tình trạng già hưu càng làm cho những đặc điểm đó in sâu vào con người của Ngài. Chính cái nghèo khó, bé nhỏ và tìm ẩn mình trong Chúa nơi Ngài đã trở thành những giá trị thiêng liêng đầy sức thu hút. Hơn nữa, chính những giá trị thiêng liêng này đã trở nên chiếc máng vô hình, Chúa đang dùng, để chuyển ơn Chúa đến bao con người.

Riêng tôi, những lần được gần gũi Ðức Cha Micae, tôi nhận được rõ ràng nguồn ơn thương xót Chúa. Cảm nhận đó làm tôi nhớ lại lời thánh vương Ðavid diễn tả:

Như người cha chạnh lòng thương con cái.
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Người quá biết chúng ta được nhồi nắn bằng gì.
Hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi...
Một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn
” (Tv 103,13-17).

Vâng, một thân phận quá mong manh, nhưng vì hết lòng kính tôn Chúa, chỉ biết nương tựa nơi Chúa, nên đã được Chúa xót thương. Mong manh, nên đã mang được Chúa đi qua nhiều biên giới. Mong manh, nên càng ngày càng trở nên nhẹ nhàng nâng được nhiều tâm hồn lên với Chúa.

 2/ Chút bột và dầu còn sót lại

Sách Các Vua, quyển 1, kể rằng tiên tri Elia được Chúa sai đến thành Xarepta. Thời đó đang khô cạn. Khi đến cổng thành, ông gặp một bà goá. Ông xin uống. Bà trả lời: Bà chỉ có một chút bột và dầu còn sót lại trong bình. Nhưng vì ông xin, bà đã dùng chút bột và dầu đó, để phục vụ ông. Chúa đã làm phép lạ cho chút bột và chút dầu đó, tuy dùng mỗi ngày mà vẫn không hết (x. 1 V 17,7-16).

Ðọc chi tiết trên đây, tôi nghĩ tới Ðức Cha Già của tôi. Tôi có cảm tưởng: Về cuối đời, Ngài như vơi nghị lực. Chút nghị lực còn sót lại có thể ví như chút bột và chút dầu, mà bà goá thành Xarepta nói là còn sót lại trong bình. Nhưng, vì bác ái, Ðức Cha Già đã dùng những của khiêm tốn đó, để phục vụ.

Khi người ta cho đi những gì cần thiết nhất cho cuộc sống mình, thì cử chỉ đó được kể như thánh. Lúc đó, cuộc đời là phục vụ, và cũng là phụng vụ.

Vì thế, thường thường, trước khi vào nhà thờ tham dự thánh lễ, tôi tới phòng Ðức Cha Micae. Với những hy sinh triền miên do tuổi già sức yếu bệnh tật, Ngài là một thánh lễ sống động. Nhìn Ngài, tôi hiểu: Một việc phục vụ nhỏ, nhưng với tình yêu và tinh thần hy sinh lớn, sẽ có giá trị trước Chúa hơn nhiều việc lớn lao mà nghèo tình yêu và hy sinh.

 3/ Với chút sự sống còn sót lại

Phúc Âm thánh Gioan kể lại một lời báo trước Chúa Giêsu gởi thánh Phêrô:

Thật, Thầy bảo thật cho con biết: Lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, con sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn đến nơi con chẳng muốn” (Ga 21,18).

Ðúng là như vậy. Khi tuổi càng già, sức càng giảm, bệnh càng nặng, thì chút sự sống còn lại sẽ rất yếu ớt. Lúc đó, việc gì hầu như cũng phải nhờ đến người khác, mọi lựa chọn hầu như cũng do người khác quyết định. Nhưng chính lúc đó, quyền năng của Chúa lại được tỏ hiện rõ ràng, ở chỗ đức tin cho người trong cuộc nhìn thấy rõ họ tin cậy vào ai. Niềm tin cậy là những kho tàng. Những kho tàng ấy được chứa đựng ở con người mà thánh Phaolô gọi là chiếc bình sành dễ vỡ. “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7).

Tôi đang thấy như vậy nơi Ðức Cha Micae lúc này. Ngài như đang nói những lời thánh Phaolô nói xưa: “Dù con người của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2 Cr 4,16).

Quả thật, chúng ta biết rằng: Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh viễn ở trên trời, không do tay người thế làm ra” ( 2 Cr 5,1).

Ðức Cha già yếu như nhấn mạnh qua tuổi già của mình một điểm quan trọng: Muốn được như vậy, thì phải vâng phục phó thác cậy tin.

ù

Trên đây là một phác hoạ chân dung Ðức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, người cha của tôi. Với những nét rút từ Kinh Thánh, chân dung Ngài sẽ là một bài ca cảm tạ Thiên Chúa, một chia sẻ thân tình kính gởi gia đình Hội Thánh, một chút giới thiệu Tin Mừng cho quê hương Việt Nam, một bông hoa hiếu thảo của đoàn con đặt vào bàn tay gầy ốm người cha đang ôm thánh giá như hồng ân cứu độ.

Long Xuyên, 05-9-2007