Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Một khao khát cần thiết

Thời buổi này, mọi nhận xét tình hình đều nên để ý.

Theo nhận xét của nhiều người, thì từ nhiều tháng nay, tại Hội Thánh Việt Nam đang hình thành 3 con đường mang tên sống đạo.

 I. Một thoáng nhìn về tình hình đạo

Một là con đường sống đạo chủ yếu tập trung vào yêu thương phục vụ đích thực, xuất phát từ đời sống nội tâm phong phú.

Hai là con đường sống đạo nổi về đấu tranh gay gắt nhân danh Chúa. Thắng cho mình, chống bên nọ, bôi lọ bên đó, triệt hạ bên kia.

Ba là con đường sống đạo dồn sức vào việc bung ra các hình thức phát triển mới, trong đó có phát triển các lối sống nặng về cá nhân chủ nghĩa, hình thức, hướng ngoại và hiếu động.

Con đường nào cũng có người theo. Mỗi người khi theo con đường nào đều có lý do biện minh cho lựa chọn của mình.

Theo tôi, lý do thầm kín nhất trong chọn lựa bao giờ cũng là niềm khát vọng.

Riêng những người tin theo Chúa thực sự, thì khát vọng chính đáng của hành trình cuộc đời là được về với Cha trên trời. Suốt hành trình cuộc đời của họ đều được chi phối bởi khát vọng về với Cha.

Ðể đạt được niềm khao khát đó, họ phải đi đúng đường.

Ðường chắc chắn đúng là con đường nào? Thưa là khao khát việc mến Chúa thương người theo thánh ý Chúa.

Hôm nay, tôi xin chia sẻ đôi chút về khát vọng của những người như thế, trong đó có tôi. Ðiều tôi muốn nhấn mạnh là khát vọng đó rất quan trọng, cần phải tỉnh thức canh chừng.

 II. Tầm quan trọng của khát vọng mến Chúa thương người

a) Trước hết, Phúc Âm dạy

Phúc Âm thánh Matthêu viết: “Ðức Giêsu dạy: Ngươi phải mến yêu Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Ðó là điều răn thứ nhất và là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).

Ai là người thân cận, thì Chúa Giêsu đã giải thích bằng dụ ngôn người Samaritanô tốt lành. Theo đó, người thân cận là người cần đến lòng thương xót của ta. Ta thương họ, là ta trở thành thân cận với họ (x. Lc 10,29-37).

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã tha thiết trối lại điều răn yêu thương: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu thương nhau. Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau” (Ga 13,34-35).

Trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô quả quyết: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có yêu thương, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).

Còn bao nhiêu lời khác trong Phúc Âm dạy ta phải coi khát vọng sống đức ái là khát vọng quan trọng ưu tiên. Một đức ái trong sáng, chứ không bị lợi dụng, hoặc chỉ là hình thức.

Tiếp sức với Phúc Âm là các huấn dụ của giáo quyền về sống đạo hôm nay.

b) Giáo quyền khuyên

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi Hội Thánh hôm nay tăng cường niềm tin vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót và làm chứng cho niềm tin ấy.

Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI hay nhắn nhủ mọi người hãy trở về với tình yêu thương xót Chúa.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã vạch rõ con đường sống đạo hôm nay là “yêu thương và phục vụ”.

Cùng với những lời truyền của Phúc Âm và những lời khuyên của giáo quyền, chúng ta đang chứng kiến một sùng kính mới trong Hội Thánh Việt Nam, đó là sùng kính Chúa Giêsu giàu lòng thương xót.

c) Lòng sùng kính mới mời gọi

Tôi thấy lòng sùng kính Chúa Giêsu giàu lòng thương xót đang lặng lẽ đi vào các gia đình một cách mau lẹ. Lòng sùng kính này đốt lên trong nhiều người ngọn lửa tin yêu phó thác vào Chúa. Ngọn lửa ấy đã biến đổi nhiều người nên những tạo vật mới. Họ rất mong mọi người nếm được sự ngọt ngào của tình yêu Chúa, như họ đã từng cảm nghiệm. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm nội tâm của họ cho nhiều người chưa biết Chúa. Kết quả là những người này đã tình nguyện nhận Chúa là Cha. Rồi đến lượt những người này, họ lại đi kể lại cho nhiều người những gì Chúa đã làm cho họ.

Qua kinh nghiệm và xác tín, tôi coi khát vọng yêu thương chân chính là quan trọng nhất. Yêu thương làm nên chân dung con người. Yêu thương làm nên đẳng cấp của con người trong bậc thang giá trị.

Ðể khát khao mến Chúa thương người trở thành một con đường tu đức chắc chắn dẫn về với Cha, chúng ta cần cảnh giác. Tôi chỉ xin nhắc sơ qua vài điều.

 III. Vài cảnh giác về khao khát mến Chúa thương người

Ðiều thiết tưởng nên cảnh giác đầu tiên là:

a) Khát khao đó trong ta phải là ngọn lửa muốn luôn nóng thêm, luôn sáng thêm, luôn mạnh thêm, luôn chiếu xa về phía trước.

Yêu thương thêm mãi, yêu thương xa mãi, đó là khát vọng âm thầm, do Trái tim Chúa Giêsu chia sẻ. Chính Trái tim Chúa bị thương tích vì yêu đã dạy ta. Ta sẽ vâng lời, đốt khát vọng đó trong ta theo gương Chúa, để khôn ngoan điều chỉnh lối sống của ta. Cũng nên nhớ rằng: Yêu thương phục vụ vì Chúa nhiều khi được trả đáp bằng những vô ơn và hiểu lầm. Xin Chúa cho ta biết chấp nhận đau đớn ấy, theo gương Ðấng Cứu thế.

b) Khát vọng mến Chúa thương người trong ta còn cần năng được kiểm tra dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần.

Chúng ta yếu đuối lắm, dễ có những thiếu sót lỗi lầm trong đời sống đạo, nhất là trong bổn phận yêu thương phục vụ. Vì thế, chúng ta cần khiêm tốn cầu nguyện và biết quý trọng mọi đỡ nâng Chúa gởi cho, bất cứ từ trong Hội Thánh hay ngoài Hội Thánh. Xưa, chính Ðấng Cứu thế cũng đã vui mừng đón nhận biết bao nâng đỡ đến từ “dân ngoại” và từ những thân phận hèn mọn nhất trong đạo.

c) Còn một cảnh giác thiết tưởng nên nói ra, đó là, trong khát vọng mến Chúa thương người, đừng bao giờ để lửa kiêu căng, hận thù, ghen tương, chia rẽ pha vào. Rất nhiều trường hợp, thành công của người này lại là một xúc phạm đến người kia. Não trạng đó rất độc ác, đê tiện, nhưng lại được che giấu tinh vi.

ù

Chia sẻ trên đây nhắc nhở cho ta thấy: Vai trò của những khát vọng là rất quan trọng, cần phải chọn lựa, kiểm tra, cảnh giác.

Ai rồi cũng phải chết. Chúa sẽ phán xét ta về những khát vọng. Trong lúc bất ngờ, Chúa sẽ đến. Người sẽ hỏi ta: “Ðời con được chi phối bởi khát vọng nào mạnh nhất?” Ta sẽ trả lời ra sao? Có chắc là ta dám trả lời: “Bởi khát vọng mến Chúa thương người theo thánh ý Chúa” không?

Ta không lừa dối được Chúa đâu. Nói đúng ra, bản quyết định thưởng phạt là do chính mỗi người viết và ký vào, chính khi mình còn sống.

Long Xuyên, ngày 19 tháng 6 năm 2007