Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Xức dầu thánh

Ðức Cha Giuse yêu cầu tôi giảng thánh lễ hôm nay, ngày 30/4/2007, vì lễ hôm nay là kỷ niệm 32 năm tôi thụ phong giám mục.

Tôi xin vâng. Nhưng những gì tôi nói trong thánh lễ này sẽ là bài chia sẻ hơn là bài giảng. Nội dung chia sẻ gồm 3 phần vắn tắt:

1- Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi trong lễ thụ phong giám mục.

2- Cảm nghiệm sâu sắc nhất của tôi trong suốt đời giám mục.

3- Thao thức sâu lắng nhất của tôi trong sứ mạng giám mục.

Trước hết về ấn tượng sâu đậm nhất tôi nhận được trong lễ thụ phong giám mục

 1/ Ấn tượng

Ấn tượng đó xảy ra khi được Ðức Cha Micae xức dầu thánh cho tôi.

Lúc đó, tôi nhớ đến lời Kinh Thánh xưa: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã xức dầu cho tôi” (Lc 4,18).

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thì dầu thánh nói đây ám chỉ một ơn riêng làm toả hương thơm tình yêu Chúa.

Lúc ấy sự hiểu biết đó chỉ thoáng qua đầu óc tôi, nhưng đủ gây trong tôi ấn tượng này: Tôi được sai vào một hoàn cảnh rất mới, rất khó, để toả hương thơm tình yêu Chúa.

Tôi biết sứ mạng thiêng liêng đó vượt quá sức tôi, vì tôi quá yếu đuối, nên tôi phó thác tương lai tôi cho Chúa. Phó thác đơn sơ, phó thác tuyệt đối. Phó thác không có nghĩa là sẽ không làm gì, nhưng sẽ là cố gắng hết sức mình để đón nhận ơn Chúa.

Ðón nhận bằng cầu nguyện, bằng tỉnh thức lắng nghe những tín hiệu trong các diễn biến lịch sử, bằng sự đồng cảm với Hội Thánh và Quê Hương. Khổ cái khổ của địa phận, đau cái đau của đồng bào, lo cái lo của Ðất Nước.

Trong suốt đời giám mục, tôi ý thức sâu sắc mình được xức dầu để làm chứng cho “điều răn mới” (Ga 13,34). Cuộc sống làm chứng đã cho tôi nhiều cảm nghiệm. Những cảm nghiệm đó là thế nào?

 2/ Cảm nghiệm

Cảm nghiệm đầu tiên của tôi là tôi phải luôn chiến đấu với chính mình, để vâng theo ý Chúa. Nếu cuộc chiến đó có một chiến lược, thì chiến lược đó đã được diễn tả trong kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô.

Một đoạn nhỏ sau đây có thể cho thấy hình ảnh chiến lược đó: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Tôi vui mừng nhận thấy chiến lược kinh Hoà bình đã được mọi thành phần của giáo phận thực hiện.

Khi thực hiện, chúng ta đã phải vượt qua bao khó khăn và đau khổ. Nói chung là chúng ta cảm nghiệm thấy: Hương thơm tình yêu Chúa được ban cho ta, khi ta biết cộng tác với chính Ðức Kitô, với trái tim của Người, với thánh giá của Người, với lễ tế chính bản thân Người.

Suốt những năm qua, chúng ta đã sống như thế với Người, đã làm chứng như thế cho Người, đã rao giảng như thế về Người.

Hiệu quả được chúng ta cảm nghiệm là âm thầm, nhưng lớn lao, cao quý. Bởi vì đã có vô số sự trở về đàng lành. Xã hội đó đây trở về. Nhiều đồng bào trở về. Chính chúng ta là những người tội lỗi được Chúa đưa trở về. Do đó, điều tôi cảm nghiệm sâu sắc nhất, đó là Thiên Chúa đúng là tình yêu thương xót, rất gần gũi và giản dị.

Nhưng chúng ta không dừng lại ở những cảm nghiệm đó. Bởi vì chúng tôi cũng như anh chị em vẫn phải lên đường. Và đây chính là điều gây cho tôi nhiều thao thức.

 3/ Thao thức

Xưa, Chúa Giêsu đã phán: “Hôm nay, ngày mai, ngày mốt, Thầy phải tiếp tục đi” (Lc 13,33). Chúng ta là môn đệ Chúa cũng tiếp tục đi. Con đường ta đi là lịch sử Ðất Nước, lịch sử Hội Thánh, lịch sử riêng ta. Những lịch sử đó có nhiều chuyển biến và bất ngờ.

Vì thế, thao thức lớn của tôi là chia sẻ tâm tình của Chúa Giêsu, khi Người cầu nguyện xưa trong bữa tiệc ly: “Xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15). Ác thần là những động lực của xác thịt, thế gian và quỷ dữ tìm cách đẩy con người xuống hoả ngục.

Những ác thần đó cũng mang những thứ dầu thơm của riêng chúng. Thường thì những dầu thơm đó, dù có chút mùi đạo đức, nhưng vẫn huỷ hoại lương tâm bằng nhiều nham hiểm.

Vì thế, nếu nghĩ rằng đời sống đạo hôm nay là an toàn, không bị những ác thần mưu mô phá hoại, thì quả là quá ngây thơ. Ðiều đó càng làm tôi thêm thao thức, nhất là tôi linh cảm, những gì Ðức Mẹ cảnh báo ở Fatima sẽ xảy ra rất ghê gớm, nếu nhân loại không trở về đàng lành.

ù

Ðể kết bài chia sẻ này, tôi xin nói với anh chị em một niềm vui âm thầm của tôi. Ðó là tôi thấy “Ðức Mẹ Thăm viếng” (x. Lc 1,39-56) đã đến giáo phận ta từ lâu rồi. Mẹ đã ở lại với chúng ta, đã luôn che chở chúng ta là những con cái yếu hèn bé nhỏ của Mẹ. Biết bao người đã nhận được dầu thiêng “Ðức Mẹ Thăm viếng” ban cho. Dầu thiêng đó đã giúp chúng ta đổi mới cuộc đời, chữa lành nhiều vết thương, để ta an tâm đi về với Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Cùng với “Ðức Mẹ Thăm viếng”, chúng ta khiêm tốn cảm tạ Chúa và tuyệt đối phó thác, xin vâng ý Chúa đến muôn đời.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 4 năm 2007