Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Chúa Phục Sinh hôm nay

Chúa Giêsu đã sống lại: Ðó là tín điều, đó là chuyện xưa.

Hôm nay, khi mừng lễ Chúa phục sinh, tôi mừng với niềm tin ấy. Khi niềm tin ấy trở thành một thao thức, thì thao thức này đào sâu trong lòng tôi một sự khao khát rạo rực.

Tôi khao khát tìm gặp Chúa phục sinh trong cuộc sống hôm nay. Khao khát tìm Người như bà Madalena và các môn đệ Chúa ngày thứ bảy tuần thánh xưa đã khát khao đi tìm.

Tất nhiên tôi đã gặp Chúa phục sinh trong bí tích Thánh Thể. Nhưng cuộc gặp gỡ đó đã được thực hiện nhờ đức tin.

Tôi cũng đã gặp Chúa phục sinh trong Hội Thánh. Hội Thánh cũng giúp cho tôi và nhiều người được phục sinh một cách thiêng liêng.

Nhưng tôi còn muốn gặp Chúa phục sinh dưới nhiều hình thức khác.

 Một cách Chúa phục sinh đang hiện diện hôm nay

Ðang khi tôi khao khát tìm gặp Chúa phục sinh như thế, thì tôi nhớ lại lời Chúa phán xưa: “Thầy đây, Thầy sống giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27).

Những nét đẹp của người phục vụ được Chúa nên lên như gương mẫu, đó là:

- “hiền lành, khiêm nhường” (Mt 11,28),

- “từ bỏ mình” (Lc 9,23),

- “biết tỉnh thức” (Mt 24,42),

- “trung tín và khôn ngoan, biết cung cấp lương thực cho gia nhân đúng giờ và đúng lúc” (Mt 24,45),

- nhất là phục vụ trong tình yêu thương, như Chúa đã nêu gương và dạy trong bữa tiệc ly (x. Ga 14,34).

Với nhận thức về những nét đẹp trên đây của người phục vụ, tôi tìm những người phục vụ như thế trong Hội Thánh của tôi, xã hội của tôi, và xung quanh tôi.

Tôi vui mừng xin nói: Tôi đã gặp thấy những người phục vụ như vậy. Trong họ, tôi nhận có bóng dáng Chúa phục sinh. Bóng dáng tuy không hoàn toàn khẳng định, nhưng cũng gợi nhớ nhiều về Chúa phục sinh.

Những gợi nhớ đó cho phép tôi nghĩ rằng: Chúa Giêsu phục sinh đang sống động dưới nhiều hình thức trong chính lúc này và tại nơi đây.

Những người có Chúa phục sinh hiện diện và hoạt động xung quanh tôi hiện nay thuộc đủ mọi tầng lớp. Có giáo sĩ, giáo dân; có người giàu, người nghèo; có người trí thức, người ít học. Nhưng tất cả đều có tinh thần phục vụ cao, với cố gắng nâng khả năng phục vụ mỗi ngày mỗi cao hơn bằng học hỏi, tìm tòi và dấn thân.

Sự hiện diện của Chúa phục sinh trong các loại phục vụ hiện nay là một hiện tượng rất đáng mừng.

 Không phải mọi phục vụ đều tốt

Tuy nhiên, danh từ “phục vụ” đang bị lạm dụng hầu như khắp nơi. Lạm dụng trong các lãnh vực đời là chuyện dễ hiểu. Nhưng lạm dụng trong các lãnh vực đạo là điều đáng sợ.

Trong nỗi sợ đó, tôi cầu xin Chúa Thánh Thần thương đến tôi và Hội Thánh tôi. Tôi trầm mình trong vực thẳm hư vô của mình, để sống khó nghèo đến tận cùng số phận.

Chính lúc đó, tôi cảm nghiệm được thế nào là phục vụ trong tinh thần và chân lý. Trong ánh sáng tinh thần và chân lý, tôi thấy điều mà tôi cần đón nhận hơn hết để phục vụ, đó là đón nhận chính Ðức Giêsu. Người đã phán: “Thầy là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6).

Tôi nhắc lại là: Phải đón nhận Người. Tôi xin nhấn mạnh đến việc đón nhận Chúa Giêsu. Không phải chỉ đón nhận bằng niềm tin, mà còn đón nhận bằng tất cả tâm tình. Ðón nhận mọi lời Người, đón nhận trọn đời Người, đón nhận chính Người trong lòng ta. Người sẽ thực sự ở trong đời ta và bản thân ta.

Chính trong tình trạng đó, chúng ta sẽ có thể phục vụ mọi người với sự bình an của Chúa.

 Một báo động

Cách đây chỉ vài ngày, một linh mục bên Cộng Hoà Liên Bang Ðức đã gọi điện thoại cho tôi. Một trong nội dung điện đàm là: Xin tôi báo động cho bên Giáo Hội Việt Nam biết một khủng hoảng lớn đang bùng phát tại một số nước Thiên Chúa giáo ở Âu châu. Khủng hoảng lớn đó là sự đang có một phong trào trong đạo không đón nhận Ðức Giêsu Kitô. Không đón nhận Lời Người và không đón nhận gương sáng đời Người. Chẳng những họ không đón nhận, mà còn ngăn cản và hăm doạ những ai cổ động cho việc đón nhận những gì Ðức Kitô dạy. Nếu ai đón nhận Ðức Kitô, thì Ðức Kitô ấy phải theo như ý riêng họ cắt nghĩa.

Tôi cám ơn vị linh mục trên đây đã không ngại chia sẻ một điều đáng ngại đang xảy ra trên những đất nước Thiên Chúa giáo lâu đời. Ðiều đáng ngại đó biết đâu rồi cũng sẽ xảy ra cho Giáo Hội Việt Nam thời hội nhập.

 Một ước mong

Hội nhập là sự kiện lịch sử. Nó là một cơ may, và cũng là một thách đố. Riêng đối với Công giáo tại Việt Nam, tôi nghĩ một điều cần phải quan tâm, đó là phải nâng cao trình độ suy tư. Bởi vì nâng cao trình độ suy tư là một cách phục vụ tốt.

Trong việc nâng cao trình độ suy tư tôn giáo, tất nhiên phải để ý đến việc học hành mọi môn khoa liên quan, nhưng nhất là phải đào sâu những gì về Ðức Kitô. Ðào sâu bằng học hỏi, nghiên cứu, trao đổi và cả bằng chiêm niệm và cầu nguyện.

Ngày lễ Lá vừa qua (1/4/2007), tôi dự thánh lễ qua đài truyền hình Rai do chính Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chủ sự. Trong bài giảng bằng tiếng Ý, Ngài đã nhắc nhiều lần đến bổn phận phải sống trong tình yêu và sự thực một cách cụ thể theo gương Ðức Kitô đã nêu cao trong tuần thánh.

Hiệp thông với Ngài, chúng ta tha thiết cầu nguyện và làm hết sức, để ước mong của Ðức Thánh Cha được thực hiện khắp nơi, nhất là nơi chính chúng ta. Thiết tưởng, sống tình yêu và sự thực một cách cụ thể, đó là cách phục vụ rất tốt và rất hợp thời làm chứng cho Chúa phục sinh hôm nay.

Long Xuyên, ngày 30 tháng 3 năm 2007