Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Lễ Ðức Mẹ sầu bi

Lễ Ðức Mẹ sầu bi (15-9) có thể gọi là lễ trở về. Con cái Ðức Mẹ khắp nơi trở về xum họp quanh Ðức Mẹ của mình. Ðức Mẹ muốn vậy. Con cái Ðức Mẹ có nhiệm vụ đó. Bởi vì hôm nay Hội Thánh nhớ về Ðức Mẹ như người mẹ đau khổ.

Trước hết, ta hãy nghe mấy lời Hội Thánh gợi ý trong ca tiếp liên của thánh lễ Ðức Mẹ sầu bi:

- Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu,
đang đứng bên cây thập giá,
nơi Con Người đã bị treo lên.
- Bà Mẹ hiền nhìn xem
nỗi khổ hình của người con chí thánh,
mà đau lòng thổn thức tâm can
...
- Tôi ao ước được cùng với Mẹ
đứng bên cây thánh giá
và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.

Từ gợi ý trên đây, chúng ta suy gẫm đôi chút về vai trò của đau khổ:

Nơi Chúa Giêsu,

Nơi Ðức Mẹ,

Nơi những người con Ðức Mẹ.

 1/ Vai trò của đau khổ nơi Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã chịu nhiều đau khổ. Từ sinh ra nghèo khó ở Belem cho đến chết nhục nhã trên núi Calvariô.

Ðể làm gì?

Trước hết, để hiến dâng mình cho Chúa Cha, như một lễ tế nói lên sự vâng phục, nhờ đó nhân loại sẽ được cứu độ.

Dầu là con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu. Và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).

Tác giả thư gởi Do Thái đã nối kết vâng phục, đau khổ, và cứu độ. Ðau khổ như dấu chỉ vâng phục, nhờ đó mà cứu độ.

Trong thư gởi giáo đoàn Philiphê, thánh Phaolô cũng nhắc đến sự nối kết đó, nhưng lại thêm vào sự tự hạ:

Ðức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên cây thánh giá.

“Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt hơn mọi danh hiệu” (Pl 2,6-9).

Như vậy, đau khổ, tự hạ diễn tả tâm hồn vâng phục, để cứu độ.

Suy gẫm những nét đó trong con người Chúa Giêsu, chúng ta thấy những nét đó đã được đề cao, mang giá trị lớn.

Ngoài ra, đau khổ, tự hạ không những diễn tả sự hiến dâng vâng phục, mà còn diễn tả một ý nghĩa khác nữa. Ðó là diễn tả tình yêu.

Thánh Phaolô quả quyết: “Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Người thương yêu chúng ta” (Rm 5,8).

Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta là Ðức Kitô chết cho chúng ta.

Chúa Cha đã không tha cho con mình, những đã phó con mình vì chúng ta” (Rm 8,32) Vì chúng ta, nghĩa là vì yêu chúng ta.

Từ đây, chúng ta có thể xác tín điều này: Sự Ðức Kitô đã chịu đau khổ, đã tự hạ, đã vâng lời, đã chịu chết, tất cả đều để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa.

- Vì yêu ta, mà Chúa Giêsu vâng lời.

- Vì yêu ta, mà Chúa Giêsu tự hạ.

- Vì yêu ta, mà Chúa Giêsu chịu muôn vàn đau khổ.

- Vì yêu ta, mà Chúa Giêsu chịu chết.

Với lòng xác tín đó, chúng ta cúi mình cảm tạ Chúa.

Bây giờ chúng ta nhìn sang vai trò của đau khổ nơi Ðức Mẹ.

 2/ Vai trò của đau khổ nơi Ðức Mẹ

Khi nói về Ðức Mẹ sầu bi, người ta hay nhắc đến bảy sự thương khó Ðức Mẹ. Cách nói đó hợp với lòng sùng kính bình dân.

Còn trong Phúc Âm, sự đau khổ của Ðức Mẹ đã được diễn tả rõ nét qua hình ảnh lưỡi gươm đâm thâu qua trái tim Mẹ, như lời tiên tri Simeon đã nói (x. Lc 2,35), rồi qua hình ảnh Ðức Mẹ đi tìm con thất lạc (x. Lc 2,41-50), và qua hình ảnh Ðức Mẹ đứng dưới chân Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá (x. Ga 19,25-27).

Nếu suy gẫm thêm, chúng ta có thể tóm tắt sự đau đớn của Ðức Mẹ qua hình ảnh hạt lúa trong lòng đất, mà chính Chúa Giêsu đã nêu lên:

Thật, Thầy bảo thật các con, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Tôi thường hay mượn hình ảnh hạt lúa Chúa nói trên đây, để nhìn gặp Ðức Mẹ sầu bi. Tôi đã gặp Mẹ đau khổ rất tự hạ, rất khiêm nhường, rất âm thầm, rất kín đáo.

Chính trong thái độ chôn vùi đó, mà tính cách người mẹ càng rất là mẹ. Nhất là thái độ ẩn dật chôn vùi đó đã phản ánh sự hiệp thông hữu hiệu của Mẹ với những đớn đau cứu độ của Chúa Giêsu.

Sự hiệp thông lặng lẽ đó toả sáng tâm hồn cầu nguyện.

Ðau khổ trở thành cầu nguyện. Ðau khổ trở thành tình yêu.

 3/ Vai trò của đau khổ nơi những người con Ðức Mẹ

Mấy suy gẫm trên đây dẫn dắt chúng ta đến việc suy gẫm vai trò của đau khổ nơi những người con Ðức Mẹ.

Nói về đau khổ mà không có kinh nghiệm về đau khổ sẽ dễ sai lầm. Nhưng không phải mọi kinh nghiệm về đau khổ đều hữu ích. Chỉ những kinh nghiệm về đau khổ được đạo đức hoá mới làm giàu nội tâm.

Khi đau khổ của ta được thanh luyện, thánh hoá nhờ Mẹ sầu bi, nó sẽ diễn tả một chiến thắng của tình yêu trên tất cả những gì không là tình yêu.

Lúc đó đau khổ mở rộng trái tim ta, cho nó một khả năng đón nhận những gì cao cả, mà những niềm vui trần thế không thể mang lại được.

Lúc đó, sự Chúa sai ta đi sẽ được hoàn thành trên thánh giá. Nó sẽ là của lễ hiến dâng trọn vẹn. Chứng tỏ Chúa là tất cả cho ta. Như thế, Chúa sẽ cứu độ ta và cũng cứu độ bao người khác.

Người con Mẹ đi theo Mẹ trên đường thánh giá, sẽ phải trải qua những cuộc chiến đấu quyết liệt. Những cuộc chiến này phần lớn thuộc nội tâm.

Ngày lễ Ðức Mẹ sầu bi, họ sẽ cùng Mẹ hướng lòng về thánh giá Ðức Kitô, để dâng mình như của lễ vâng phục và tin yêu.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 8 năm 2007