Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Ðổi mới trong phục vụ

Ðất nước Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới. Giai đoạn này được gọi là hiện đại hoá. Hiện đại hoá ví như ngọn gió làm tươi mát đồng bào. Giáo Hội Công giáo trên đất nước Việt Nam cũng theo đó mà hiện đại hoá.

Có nhiều dấu chỉ cho thấy hiện tượng hiện đại hoá trong Giáo Hội Việt Nam như:

- Nâng cao vẻ đẹp của các cơ sở tôn giáo.

- Nâng cao trình độ văn minh của các nhân sự tôn giáo.

- Nâng cao các tổ chức tôn giáo lên tầng cao mới.

- Nâng cao các phương tiện phượng tự lên những giá trị nghệ thuật hiện đại.

Những đổi mới đó giúp cho bộ mặt Hội Thánh tại Việt Nam có một chỗ đứng đáng nể trong giai đoạn mới này.

Nhưng, nếu chỉ nhắm duy mục đích đó, thì chưa đáp ứng nhu cầu sứ mạng thiêng liêng của mình.

Ðể nhắc nhở về sứ mạng thiêng liêng Chúa trao cho, thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhấn mạnh đến phục vụ. Có thể hiểu là mọi việc của hiện đại hoá đều phải nhắm vào mục tiêu phục vụ.

Phục vụ nói đây phải thế nào? Thưa phải thực hiện trong yêu thương. Ðây không phải là một dạy bảo mới. Nó chỉ là một nhắc nhở cần để ý cách riêng trong việc sống đạo thời hiện đại hoá này.

Suy gẫm nhắc nhở trên đây theo lý thuyết và kinh nghiệm, tôi có vài nhận định sau đây:

 1/ Yêu thương trong phục vụ cần luôn trở về với những gì tuyệt đối

Hiện đại hoá là một giai đoạn khám phá.

Thực tế cho thấy người ta nỗ lực khám phá đủ mọi giá trị. Như:

- Giá trị kinh tế.

- Giá trị khoa học.

- Giá trị nghệ thuật.

- Giá trị văn hoá.

- Giá trị luân lý.

- Giá trị trí thức...

Tất cả những khám phá đó đều tương đối. Chính các giá trị đó cũng là tương đối.

Nhưng có một thực tại luôn tuyệt đối, đó là Thiên Chúa. Người không phải là một giá trị, mà là một hiện diện giữa mọi giá trị.

Khi khám phá các giá trị, để hiện đại hoá cuộc sống, người ta thường nhìn ra ngoài. Còn khi tìm sự hiện diện của Chúa giữa các giá trị, người ta cần có cái nhìn hướng vào nội tâm. Chúa hiện hữu ở đó với sự tuyệt đối đời đời. Người không là một lý tưởng của hiện đại hoá, mà là một sự sống đời đời kêu gọi ta tham dự.

Ai gặp được Người, Người sẽ giúp cho mọi việc hiện đại hoá của họ có những giá trị mang sự sống thực. Trong giai đoạn hiện đại hoá của xã hội, Hội Thánh phải nêu gương trung thành với Thiên Chúa tuyệt đối của mọi tạo vật.

 2/ Yêu thương trong phục vụ cần biết lựa chọn nền văn hoá sự sống

Có những hiện đại hoá mang đến sự chết, bởi vì nó bị cuốn hút vào những mê hoặc dẫn con người đến tội lỗi. Thực tế cho thấy có những con đường hiện đại hoá, tuy có phần nào tốt cho nền văn minh vật chất, nhưng lại tàn phá nếp sống đạo đức. Con người trở nên truỵ lạc. Xã hội từng bước trở về nếp sống vô luân. Còn tệ hơn là thời mọi rợ. Hiện nay, cảnh buôn người, phá thai, khủng bố, đề cao hận thù, cạnh tranh bất chính, đó là một báo động về một nền văn minh sự chết. Xem như một thời mọi rợ kiểu mới đang hình thành.

Nhận thức như thế, việc hiện đại hoá đất nước và Hội Thánh đòi một tinh thần cảnh giác cao. Nhất là đừng quên việc hiện đại hoá đòi một thái độ sáng suốt can đảm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác, giữa sự sống và sự chết.

 3/ Yêu thương trong phục vụ cần thấy rõ bậc thang giá trị và biết chọn những ưu tiên đúng

Khi được hỏi về ưu tiên nên chọn để đáp ứng nhu cầu mục vụ trong giai đoạn hiện đại hoá này, nhiều người trong Hội Thánh Việt Nam đã có những chọn lựa khác nhau.

- Người thì chọn việc xây cất các cơ sở tôn giáo sao cho đẹp.

- Người thì chọn việc các giáo sĩ phải học tiếng Anh sao cho giỏi.

- Người thì chọn việc quy tụ giáo dân sao cho đông.

- Người thì chọn việc dấn thân vào các sinh hoạt xã hội, sao cho Hội Thánh có mặt và phục vụ rộng rãi.

- Người thì chọn việc đào tạo nhân sự, sao cho có đức có tài.

Tôi nghĩ việc chọn ưu tiên sẽ tuỳ theo tình hình cụ thể của mỗi nơi và mỗi lúc. Nhưng trong bất cứ hình thức nào, việc phục vụ vẫn phải chuyển tải tình yêu, bình an và sự thực. Nhờ vậy, người phục vụ luôn là người của Chúa, luôn phục vụ do động lực mến Chúa yêu người.

Thời nay, con người được đánh giá ở các tương quan của họ. Ai xây dựng được những tương quan tình yêu, sự thực và bình an, sẽ được gọi là người phục vụ có giá trị.

Những người tin theo Chúa, muốn đời mình trở nên có ý nghĩa nhờ phục vụ, nên chọn những ưu tiên có khả năng diễn tả tình yêu, bình an và sự thực trong đời sống của mình. Họ sẽ được Chúa chúc phúc và đồng hành.

 4/ Yêu thương trong phục vụ cần mở rộng số người phục vụ, lãnh vực phục vụ, việc phục vụ và cách phục vụ.

Trong giai đoạn hiện đại hoá của Việt Nam hôm nay, Hội Thánh tại Việt Nam có thể đóng góp nhiều cho quê hương.

Cần có những người làm đượcđược làm. Không phải mọi người công giáo chúng ta đều là thế. Nên những ai làm đượcđược làm đáng được chúng ta khuyến khích và trân trọng.

Họ sẽ khôn ngoan mở rộng phục vụ. Họ sẽ vui mừng được thấy Hội Thánh có nhiều người dấn thân phục vụ. Nhiều người phục vụ, với nhiều cách khác nhau, trong nhiều lãnh vực khác nhau, trong đạo cũng như ngoài đời.

Vì thế, tinh thần phe phái, cục bộ, thành kiến cần phải dẹp bỏ. Trái lại, tinh thần hiệp thông, cởi mở, bao dung, hợp tác rộng rãi rất cần được quan tâm khuyến khích.

ù

Chia sẻ trên đây của tôi là một tâm sự rất chân thành. Nó rút ra phần lớn từ nhiều kinh nghiệm của tháng 4/1975. Tháng Tư ấy với những chuyển biến của Ðất Nước, với những chuyển mình của Giáo Hội, với những thao thức của riêng tôi.

Lịch sử tháng 4/1975 là một bài học lớn cho việc đổi mới phục vụ. Nhờ đó mà tôi nghĩ tới việc đổi mới phục vụ trong giai đoạn hiện đại hoá này. Một đổi mới quan trọng nhờ ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần.

Long Xuyên, ngày 12 tháng 4 năm 2007