Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Gương sáng

Ðọc Thư Chung HÐGMVN 2007

Thư chung HÐGMVN 2007 mới vừa tới tay tôi. Tôi đã đọc và rất vui mừng. Nhiều điều trong thư đáng suy gẫm.

Riêng đối với tôi, cụm từ “Chấn chỉnh” ở cuối thư đã gợi ý nhiều.

Thực sự, có nhiều điều cần được chấn chỉnh trong giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay. Nhưng thiết nghĩ điều cần chấn chỉnh nhất sẽ là “làm gương sáng”.

Tôi xin phép chia sẻ đôi chút suy tư của tôi. Mong suy tư nhỏ bé này cũng phản ánh tâm tư các vị chủ chăn.

 1/ Trước hết, cần nhấn mạnh đến nhu cầu làm gương sáng trong sứ vụ yêu thương

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu và các tông đồ luôn kêu gọi sống yêu thương. Vì yêu thương là đặc điểm của những người tin theo Chúa Giêsu.

Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy thương yêu nhau, như chính Thầy đã yêu thương các con.

“Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương yêu nhau” (Ga 14,24-25).

Sống yêu thương là một thách đố lớn nhất trong đời tôi. Ðời tôi phải trải qua những chặng đường lịch sử có nhiều mâu thuẫn, có nhiều xung đột, có nhiều hận thù.

Khi được sai đến địa phương này, tôi thấy dân địa phương này sống đạo rất đơn sơ. Họ đặt nặng đạo hiếu, tình liên đới tương trợ, và từ thiện đối với người nghèo. Những điều tôi thấy đã giúp tôi suy nghĩ nhiều về điều răn mới của Chúa Giêsu. Nếu tôi và những người công giáo của tôi không triệt để thực thi điều răn yêu thương, chỉ mãi lo chuyện khác, thì tôi sợ đạo Chúa sẽ mang một bộ mặt thiếu hấp dẫn.

Một lần, tôi đề cập đến vấn đề theo đạo công giáo với một tín đồ Phật giáo Hoà Hảo ở đây, tôi sửng sốt được nghe câu trả lời như sau “Ai dại gì lại bỏ cái tốt mà theo cái không tốt”.

Lỗi tại họ chưa thấy hết vẻ đẹp của đạo ta, hay lỗi tại ta chưa đủ vẻ đẹp đạo đức để làm chứng cho đạo mình?

 2/ Cùng với gương sáng về yêu thương, chúng ta cần quan tâm hơn nữa về gương sáng trong sứ vụ tu thân

Nhiều tín đồ tôn giáo bạn rất chú trọng đến việc sống tu thân. Sống đạo của họ rất nhẹ về cơ chế và tổ chức, thích đi vào tu thân.

Họ coi tu thân bên trong bên ngoài như một dấu chỉ đạo đức. Nhiều lần, trong những bữa cơm được mời, người ta thấy các vị tu bên Phật giáo thì giữ chay, các vị tu bên Tin Lành thì không uống rượu, còn các vị tu bên Công giáo thì hoà mình. Chọn lựa này chắc phải có lý do chính đáng.

Xưa Chúa Giêsu phán xưa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Chúa phán lời trên đây cho mọi người công giáo, nhưng nhất là cho các bậc tu trì. Nhiều người đã thực thi lời đó cả trong cả ngoài với tất cả lương tâm người tin theo Chúa. Tiếc thay là gương sáng về tu thân hiện nay có vẻ như đang trong thử thách.

Hiện nay, những chuyện lôi thôi về tiền bạc, về hưởng thụ, về tục hoá, về ghen tương, về hưởng thụ thoải mái xem ra đang có chiều hướng gia tăng, ngay cả trong giới nhà tu. Tuy không tràn lan, nhưng đủ để trở thành phản chứng. Ðang khi tu thân vẫn được coi là một nhân đức xã hội rất cần cho việc chấn chỉnh đạo đức trong đạo ngoài đời.

 3/ Sau cùng, rất cần có nhiều gương sáng trong sứ vụ truyền giáo

Ðọc Tông đồ Công vụ, tôi thấy có ba trường hợp truyền giáo làm tôi rất kinh ngạc.

Một là trường hợp Chúa chọn ông Saolô là người đang hăng hái bắt bớ đạo Chúa trở nên tông đồ dân ngoại. Chúa phán bảo ông Khanania phải đi đến tìm Saolô. Khanania sợ hãi, không muốn vâng. Nhưng Chúa phán: “Con cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại” (Cv 9,15).

Hai là trường hợp thánh Phêrô thấy Chúa Thánh Thần xuống trên những người ngoại giáo đang nghe Ngài giảng. Thánh Phêrô nói: “Những người dân ngoại này cũng được Chúa Thánh Thần xuống, cũng như chúng ta” (Cv 10,47). Vì thế, thánh Phêrô đã làm phép rửa cho họ.

Ba là trường hợp thánh Phaolô ra đi truyền giáo cho những nơi Ngài biết là sẽ gặp khổ. Ngài nói: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi tại đó, trừ ra điều này là: Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi” (Cv 20,22-23).

Trong truyền giáo, Chúa có những chương trình bất ngờ. Người truyền giáo cần khiêm tốn vâng phục ý Chúa. Dù hướng Chúa sai vào coi như quá mở, dù hướng Chúa sai đến phải nhận là quá khổ.

Thời nay là thời truyền giáo. Nhiều gương sáng đã được ghi nhận. Nhưng vẫn còn không ít những tính toán thế tục trong việc loan báo Tin Mừng.

ù

Ðể kết bài chia sẻ này, tôi xin một lần nữa nói về cái nhìn riêng tư.

Ðó là tôi tin: Chúa Giêsu đã phục sinh. Người đang sống giữa chúng ta. Người đang hoạt động giữa chúng ta lúc này. Chính Người lúc này đang gọi chúng ta hãy theo Người. Chính Người lúc này đang đợi chờ tình yêu chúng ta trả lời tình yêu của Người.

Chính lúc này, nhiều người đã đáp lại. Họ đang trở nên gương sáng. Gương sáng về sự khiêm tốn trở về. Gương sáng về sự âm thầm dấn thân. Gương sáng về sự quảng đại sống yêu thương. Gương sáng về sự can đảm chọn nếp tu thân. Gương sáng về đức tin khiêm nhường phó thác.

Nhờ vậy nhiều nơi, nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay đang gieo niềm vui và hy vọng.

Long Xuyên, ngày 21/10/2007