Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Nhân dịp Quốc Hội bàn về Giáo Dục và Ðào Tạo
(16/11/2007)

Viết luận án tiến sĩ

Chiều ngày 16/11/2007 vừa qua, Quốc Hội Việt Nam đã có một phiên họp hào hứng. Bởi vì vấn đề đặt ra, để chất vấn và trả lời, là Giáo Dục và Ðào Tạo.

Nhiều người đã theo dõi phiên họp qua truyền hình trực tiếp. Họ đã được chứng kiến một bầu khí trí thức, bàn về một vấn đề trí thức, đạo đức và thời sự. Sôi nổi, nhưng vấn đề không thể kết thúc trong thời gian vài giờ và trong không gian toà nhà Quốc hội.

Giữa cõi mênh mông của vấn đề, tôi để ý đến một điểm nhỏ đã được nêu lên, đó là luận án tiến sĩ.

Góp phần hôm nay của tôi vào điểm nhỏ đó, sẽ là nói lên kinh nghiệm về việc viết luận án tiến sĩ ở một Ðại học Âu châu.

Kinh nghiệm đó đòi hỏi người viết luận án phải có:

- Kiến thức nền tương đối vững,

- Kiến thức mở tương đối rộng,

- Kiến thức mới tương đối rõ.

Tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể, đó là viết luận án tiến sĩ Triết học.

 1/ Kiến thức nền tương đối vững

Kiến thức nền nói đây là kiến thức thường được đòi hỏi để qua cấp cử nhân. Nền đó gồm:

a) Kiến thức về hệ thống triết học gồm: Luận lý học, tâm lý học, siêu hình học, luân lý học.

b) Kiến thức về lịch sử triết học gồm: Lịch sử triết học cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại.

c) Kiến thức về cách suy tư triết học: Học các môn triết không phải chỉ là tiếp thu nội dung các môn học thuộc ngành Triết, mà còn phải rút ra cách suy tư của Triết. Ðối với Triết, suy tư là một cách nhìn. Mắt nhìn một vật là nhìn nó với cái khác và trong cái khác. Thí dụ nhìn bàn tay một người, thì phải nhìn nó với toàn cảnh người đó, và nhìn người đó trong khung cảnh nhất định nào đó. Cũng vậy, suy tư một vấn đề là trí khôn nhìn vấn đề đó dính vào các vấn đề khác, và trong những hoàn cảnh xung quanh nó. Luật nhìn phải chặt chẽ.

d) Kiến thức về cách tìm sự thực: Sự thực không đơn giản. Nó có nguồn. Nó có hành trình chuyển biến. Phải biết thận trọng trước mọi khẳng định. Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên. Ðó là khi tôi trình bản thảo luận án triết, thầy giáo của tôi đã gọi tôi đến và chỉ cho thấy một lỗi lầm đáng phải trừ điểm. Ðó là tôi đã trích một đoạn văn từ một tác giả chính mình cũng đã trích từ một tài liệu trích đăng, chứ không phải là bản chính. Thầy tôi bảo: Phải kiểm tra từ nguồn, dù nguồn đó viết bằng tiếng Latinh hay Hy Lạp.

Bốn chi tiết trên đây làm nên cách viết có khoa học trong một luận án tiến sĩ triết.

Ngoài kiến thức nền tương đối vững, người viết luận án còn cần kiến thức mở tương đối rộng.

 2/ Kiến thức mở tương đối rộng

Kiến thức mở là kiến thức do đọc nhiều tác giả khác nhau về một vấn đề.

Thầy giáo của tôi đòi hỏi kiến thức học trò của ông phải mở. Ông muốn biết những sách tôi đã đọc có liên quan đến luận án. Liệt kê vài chục cuốn, ông vẫn cho là chưa đủ. Tất nhiên phải biết vài sinh ngữ. Có lần ông gợi ý cho tôi phải tìm tài liệu ngoài thư viện Ðại học và ngoài nước. Tất nhiên tôi vâng, để kiến thức được mở rộng.

Càng đọc các tài liệu tham khảo, tôi càng nhận ra sự chật hẹp của kiến thức mình. Càng đào sâu, càng thấy mình nông. Càng học hỏi, càng thấy mình còn ngu dại. Khi tôi tỏ bày khám phá đó với thầy tôi, ngài nói: Biết mình còn xa chân lý vẹn toàn, thì đó mới là cái khôn của triết, và mới hăng say tiếp tục khiêm tốn lên đường. Triết là yêu mến sự khôn ngoan và không ngừng tìm nó.

Càng đi tìm, càng thấy những cái mới.

 3/ Kiến thức mới tương đối rõ

Khi cọ sát với nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề, người suy tư khát khao chân lý sẽ thấy mình có thể so sánh, để tự thấy mình không nên khép mình vào một khuôn khổ lỗi thời nguy hại.

Nếu mỗi tác giả có một rung động riêng, một cái nhìn riêng, một khám phá riêng có giá trị mới, thì đó là dấu tốt, để việc phục vụ ích chung được phong phú. Miễn là phục vụ trong khiêm tốn.

Nếu suy nghĩ có tính cách độc lập, không bị chi phối bởi sức ép dư luận, quyền lực, chỉ do đòi hỏi của chân lý, thì đó là dấu tốt báo hiệu cái mới trong sự trưởng thành. Miễn là trưởng thành trong sự kính trọng lẫn nhau.

Tôi thiết nghĩ: Sẽ là một lỗi lầm của người trí thức, nếu họ thiếu khiêm tốn, tự trọng và thiếu kính trọng người khác, nếu họ thiếu cố gắng lên đường tìm sự thực, nếu họ thiếu phân định cái gì có giá trị thực nên làm, cái gì nông nổi không nên làm, nhất là làm cho Quê Hương Ðất Nước.

Mỗi điểm tới của suy tư sẽ chỉ là nơi tạm nghỉ ngơi, để rồi điểm tới đó sẽ trở thành điểm xuất phát mới. Ði mãi không ngừng, bởi vì tình hình luôn biến đổi, với những hy vọng mới và những nguy cơ mới.

Hành trình suy tư là một hành trình lâu dài. Hành trình đó được thực hiện bằng nhiều bước nhỏ.

Ðối với tôi, hành trình dài đó bao giờ cũng hướng về Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ.

ù

Với chia sẻ trên đây, tôi muốn tiếp tục những ưu tư trăn trở của Quốc Hội trước vấn đề giáo dục và đào tạo nói chung, và trước vấn đề viết luận án tiến sĩ nói riêng.

Long Xuyên, ngày 18 tháng 11 năm 2007