Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Ngày Nhà Giáo
trong năm giáo dục Kitô giáo

Thư chung của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm nay, 2007, nói về Giáo dục Kitô giáo.

Vì thế, ngày Nhà Giáo (20/11) năm nay gợi ý cho tôi nhớ tới cách riêng những nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay.

Họ là ai? Thưa là tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần trong Hội Thánh đang góp phần tích cực vào nền giáo dục Kitô giáo tại Quê Hương này.

Nhưng trên thực tế, khi nói tới những thành phần được danh dự cao và nắm trách nhiệm lớn về giáo dục Kitô giáo, người ta thường đồng loạt nghĩ tới các người trên.

 Ngày nhà giáo hướng về hàng giáo phẩm và giáo sĩ

Thực vậy, nếu ngày nhà giáo hướng về những nhà giáo cụ thể, thì ngày này trong Hội Thánh Việt Nam, các tín hữu cũng đang có định hướng cụ thể. Họ hướng lòng mình về hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ Việt Nam nói chung, và về những vị nào đang giáo dục họ trong giáo phận của họ, trong xứ đạo của họ nói riêng.

Họ nhìn các vị đó là những nhà giáo cao cấp, được sai đến với họ từ Ðấng thiêng liêng. Cái nhìn đó là một cách phong thần, và cũng là một cách đợi chờ.

Những đợi chờ chính đáng của họ là những giá trị, mà thế gian không thể mang lại cho họ, nhưng lại rất cần cho họ, để họ sống cao thượng và hạnh phúc hơn ở đời này, nhất là để biết đường đi về cõi phúc đời sau.

Những giá trị như thế thường chìm ngủ trong con người, nhưng chúng sẽ được đánh thức nhờ những tiếp cận. Như được nghe một bài nhạc, bài viết có sức đánh động tâm hồn hướng về bác ái hy sinh, như được thấy một người toả hồn chân tu trong sáng, như được dự một cuộc lễ đầy bầu khí thiêng liêng có sức nâng tâm hồn lên cõi trời cao thẳm.

Ðối với hầu hết người Việt Nam, những giá trị như thế cần được diễn tả cụ thể. Nhờ đó, lương tâm con người dễ tiếp thu. Họ thấy mình khao khát những gì là chân thiện mỹ đích thực. Ðơn sơ thôi. Nhẹ nhàng thôi. Giống hình ảnh hồn nhiên của thiên nhiên. Ví dụ bông hoa nhỏ, cánh đồng cỏ xanh, dòng sông chảy, cây nến lung linh, làn gió nhẹ.

 Giáo dục bằng gương sáng

Ðã lâu rồi, khoảng năm 1980, tôi từ Long Xuyên đi Sài Gòn. Tới bắc Mỹ Thuận, tôi chen mình vào đám đông. Khi chiếc bắc đang trôi sang bờ bên kia, thì một người đàn ông lạ từ xa lách đám đông, lại bên tôi và hỏi: “Chú có phải là ông cha nhà thờ không?” Tôi thưa: Dạ đúng. Ông biết tôi sao? Người khách thưa: “Tôi thấy chú mặc áo Dòng thì đoán vậy thôi. Tôi có một điều muốn nói với chú là: Chú ráng sống tôn giáo cho thực tốt. Bởi vì đã đến thời: Ma giáo thì nhiều, còn tôn giáo thực thì ít”.

Không bao giờ tôi được gặp lại người khách lạ đó. Nhưng những gì ông nói với tôi đã chìm lắng trong lòng tôi. Tôi thấy tôn giáo và ma giáo chen lẫn nhau. Cảnh đó là thực tế đau buồn. Nhiều nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo đã nhận ra thực tế xót xa ấy.

Ðể đẩy lùi những ma giáo trong tôn giáo, các ngài đã tăng cường giáo dục bằng gương sáng:

- Làm gương sáng trong các lời nói, sao cho có chân lý và yêu thương.

- Làm gương sáng trong các hoạt động xã hội, sao cho có vị tha.

- Làm gương sáng trong phượng tự, sao cho có tĩnh tâm, cầu nguyện, sám hối.

- Làm gương sáng trong mọi tổ chức sinh hoạt tôn giáo, sao cho có bề sâu.

- Làm gương sáng trong đời sống thường ngày, sao cho có giản dị.

Có thể nói, giáo dục tôn giáo bây giờ là nêu gương sáng.

Gương sáng mà con người đang chờ đợi nhiều nhất bây giờ là những giá trị đẹp của một lương tâm tốt. Lương tâm tốt là lương tâm biết kính trọng sự thực. Sự thực là phải có thực chất trong việc thực hành bổn phận:

- Bổn phận đối với Ðấng thiêng liêng.

- Bổn phận đối với mọi người, đặc biệt là đối với bậc sinh thành.

- Bổn phận đối với người nghèo khổ.

- Bổn phận đối với Hội Thánh và quê hương, đất nước.

Hơn nữa, tôi thấy gương sáng mà người ta đang đòi hỏi rất nhiều nơi các nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay còn là tư cách đẹp của người môn đệ Chúa Giêsu.

Xin hãy nêu gương sáng về hiền lành và khiêm nhường, như Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Xin hãy nêu gương sáng về sứ vụ tu thân, như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai muốn làm môn đệ Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Xin hãy nêu gương sáng về đức yêu thương, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau” (Ga 13,35).

 Nhà giáo có thể không thuộc hàng giáo phẩm, giáo sĩ

Cũng đã lâu rồi, tôi ngồi ở một quán lá nghèo bên vệ đường vùng quê xa ngoài giáo phận Long Xuyên, để được hớt tóc. Ông hớt tóc, khi biết tôi là một giám mục, đã thỏ thẻ với tôi đại khái thế này: “Cuộc sống ngoài đời khổ lắm. Chúng con không muốn các đức cha và các cha phải thiếu thốn như chúng con. Rất mong các đấng các bậc được tương đối đầy đủ. Ðoàn chiên rất tự hào có những bề trên đạo đức, nhìn xa thấy rộng”.

Tới bây giờ tôi không biết ông hớt tóc đó là ai. Nhưng tôi coi ông là một nhà giáo, đáng tôi kính phục. Thì ra, có những người tôi coi là được chúng tôi giáo dục lại là nhà giáo âm thầm, mà Chúa Thánh Thần gởi đến với chúng tôi. Họ nói rất ít, nhưng rất ít mà lại có đầy hồn Phúc Âm.

ù

Với mấy tư tưởng trên đây, tôi muốn gởi lời cảm tạ đến mọi người đã là nhà giáo của tôi.

Tôi cũng muốn gởi lời kêu gọi các tín hữu: Hãy cầu nguyện cho các nhà giáo đã và đang góp phần vào nền giáo dục Kitô giáo tại Quê Hương Việt Nam này, cách riêng cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ của chúng ta.

Tôi cũng nghe rất nhiều người nói: “Nền giáo dục Kitô giáo không phải là nền giáo dục truyền thống Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều tự do để biểu dương các thứ quyền lực hoành tráng của mình”. Ý kiến đó xem ra đang hướng dẫn chọn lựa của xã hội Việt Nam. Sự kiện trên đây đáng chúng ta suy nghĩ sâu sa.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 11 năm 2007