Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 8 - 2007-
 ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI (Thao Thức 8) -2007-
  -2007-
 

Xin vâng giữa các bi kịch

Gần đến lễ Truyền tin cho Ðức Mẹ. Yếu tố quan trọng về tu đức trong lễ này là Ðức Mẹ nói lời “Xin vâng” (Lc 1,38).

Cũng sắp đến những ngày tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Yếu tố quan trọng về tu đức trong cuộc tưởng niệm này cũng là lời Chúa Giêsu cầu nguyện “Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42).

Như vậy, Chúa Giêsu và Ðức Mẹ cùng đã xác định ơn gọi của mình là xin vâng thánh ý Chúa Cha.

Lời “xin vâng” của hai Ðấng là một định hướng rất rõ ràng và quyết liệt.

Rõ ràng ở chỗ quyết tâm từ bỏ ý riêng mình để vâng phục ý Chúa Cha.

Quyết liệt ở chỗ sẵn sàng phấn đấu để trung thành với ý Chúa Cha, mặc dầu phải đối đầu với thử thách.

Ðường tu đức, mà hai Ðấng đi qua, đã để lại nhiều kinh nghiệm mà tôi gọi là bi kịch.

Tôi thường nhìn vào những cảnh đó, để biết sống ơn gọi xin vâng của tôi.

 1/ Cảnh đổi thay của lòng dân

Khi Chúa Giêsu khai mạc cuộc đời rao giảng công khai của Người, Người đã chọn Nadarét là chính quê hương Người. Ngay trong bài giảng đầu tiên, ban đầu “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22). Nhưng đến cuối bài “mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” (Lc 4,28).

Tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Chúa Cứu thế đã đánh dấu bằng sự thay đổi lòng dân từ thiện đến ác một cách kinh hoàng.

Ðầu tuần, đông đảo dân chúng đón Chúa Giêsu một cách long trọng tự phát: “Người tới đâu, người ta cũng lấy áo mình trải xuống đường... Họ hô lên: Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao. Vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19,36-38).

Chỉ mấy ngày sau, trong sân tổng trấn Philatô, đám đông lại la ó: “Giết nó đi. Ðóng đinh nó vào thập giá” (Lc 23,18-20).

Những thay đổi khủng khiếp trên đây của lòng dân là những bi kịch, Chúa và Ðức Mẹ đã nếm. Các Ngài vượt qua một cách bình tĩnh, để chỉ tìm vâng phục ý Chúa Cha.

 2/ Sự lạm dụng của nhà cầm quyền

Hồi đó, nhà cầm quyền trong đạo là các thượng tế, kỳ lão và kinh sư. Họ thấy Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ cứu dân thì tìm cách bắt bẻ, buộc tội. Chỉ vì ghen tức (x. Mt 26,3; 59-60).

Nhà cầm quyền trong xã hội lúc bấy giờ là quan Philatô, dù biết Chúa Giêsu là người vô tội, bị giáo quyền trao nộp chỉ vì ác ý, nhưng không dám tha, do động cơ mị dân, sợ đụng chạm, mất quyền (x. Mt 27,24).

Những lạm quyền này cũng là những bi kịch, Chúa và Ðức Mẹ đã chịu đựng và vượt qua, để một mực đi về thánh ý Chúa Cha.

 3/ Những suy nghĩ chủ quan của những môn đệ thân tín

Phúc Âm nói rõ là Chúa Giêsu đã nhiều lần nhiều cách mạc khải cho các môn đệ thân tín của Người về kế hoạch cứu độ của Người. Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sau cùng sẽ bị chết nhục nhã trên thánh giá. Rồi mới phục sinh (x. Mc 10,32-34).

Tuy được cắt nghĩa rõ, các môn đệ vẫn chủ quan, coi như việc đó sẽ xảy ra nhẹ nhàng. Các ngài tỏ ra không quan tâm lắm. Thậm chí người đứng đầu nhóm môn đệ thân tín là thánh Phêrô còn tỏ thái độ phản đối, như một dấu chỉ hợp lý, hợp tình. Tới những giây phút cuối cùng, Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu cầu nguyện trong sự sợ hãi kinh hoàng, các môn đệ vẫn an tâm ngủ. Khi chợt thấy cảnh bi đát xảy ra, các ngài đã bỏ trốn. Thậm chí có người còn chối bỏ Thầy mình (x. Mc 14,32-49).

Tính chủ quan dại dột trên đây của các môn đệ Chúa Giêsu là một bi kịch, gây xót xa vô vàn cho Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Nhưng hai Ðấng đã ôm vào lòng như một thánh giá tinh thần. Hành trình đi theo thánh ý Chúa Cha cũng vì thế mà thêm cay đắng. Nhưng các Ðấng đã vượt qua, để tuân theo ý Chúa Cha đến cùng.

 4/ Sự quyến rũ độc ác của tiền bạc

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu tuy chủ yếu gây nên do lòng ghen ghét của tầng lớp nắm quyền lực tôn giáo bấy giờ. Nhưng nó đã được thực hiện nhờ vai trò tiền bạc. Chính Giuđa, người mà Chúa Giêsu chọn làm quản lý, đã bị tiền bạc quyến rũ. Không ngờ sức quyến rũ của tiền bạc lại quá mạnh, đến nỗi đã khiến Giuđa bán Thầy mình chỉ với giá 30 đồng bạc (x. Lc 22,1-6).

Tiền bạc đã đổi lòng dạ người môn đệ Chúa tuyển chọn một cách quá dễ dàng. Bi kịch này rất thê thảm. Tâm hồn Chúa Giêsu và Ðức Mẹ chắc đã rất đau xót khi chạm tới nó. Nhưng các Ðấng vẫn vượt qua, để đi về thánh ý Chúa Cha.

 5/ Sự khác biệt giữa ý riêng và ý Chúa Cha

Ðức Mẹ có ý riêng, Người đã có lúc tỏ ra mình phải phấn đấu bỏ ý riêng để theo thánh ý Chúa (x. Lc 2,48).

Chúa Giêsu ở vườn Cây Dầu đã phấn đấu đến đổ mồ hôi máu ra, để bỏ ý riêng, quyết tâm chọn ý Chúa Cha (x. Mt 26,42).

ù

Trên đây, tôi chỉ nêu lên một số yếu tố thường gây ảnh hưởng đến ơn gọi xin vâng của ta, đó là:

- Sức mạnh của lòng dân,

- Sức mạnh của những người cầm quyền,

- Sức mạnh của những người thân tín,

- Sức mạnh của tiền bạc,

- Sức mạnh của tính tự nhiên trong ta.

Những yếu tố trên đây đôi khi khoác bộ mặt đạo đức, bộ mặt ngây thơ, bộ mặt vô tư. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rất nhiều trường hợp, những yếu tố ấy thiếu nền đạo đức trong sáng bền vững. Hơn thế nữa, chúng lại dễ bị ma quỷ và các trào lưu tội lỗi lợi dụng, để biến xã hội và Giáo Hội trở thành sân khấu của những bi kịch. Bi kịch lớn nhất là sống giữa nhiều bi kịch mà vẫn nhởn nhơ, không nhận ra được nguy hiểm.

Những ai sống ơn gọi xin vâng nên biết rõ tình hình đó đang xảy ra hiện nay xung quanh ta và có thể là nơi chính mình ta. Hãy khiêm tốn tỉnh thức, cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi lời xin vâng của Ðức Mẹ và Chúa Giêsu.

Với ánh sáng và sức mạnh ấy, chúng ta sẽ phân biệt rõ đâu là thánh ý Chúa thực sự, đâu là thánh ý Chúa giả tạo. Ðồng thời chúng ta cũng sẽ biết tìm nương tựa vào đâu để trung thành với ơn gọi xin vâng, chứ không tìm điểm tựa ở những thế lực mong manh, nhiễu nhương, cơ hội.

Long Xuyên, ngày 15 tháng 3 năm 2007