Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Ơn sám hối trở về

 

Xã hội cần được cứu độ.

Hội Thánh cần được cứu độ.

Mọi người cần được cứu độ.

Bản thân ta cần được cứu độ.

Cứu độ được hiểu theo nhiều mặt khác nhau. Như cứu khỏi đói, cứu khỏi chết, cứu khỏi dốt, cứu khỏi tai hoạ, cứu khỏi bệnh tật, cứu khỏi lạc hậu, cứu khỏi tính mê nết xấu, cứu khỏi tội lỗi.

Ở đây, tôi muốn nói đến việc cứu khỏi tội và hình phạt bởi tội, để trở về với Chúa.

Mọi người có tín ngưỡng đều tin rằng: Ai phạm tội đều bị Ðấng Tối Cao xét xử và luận phạt.

Riêng người công giáo, niềm tin tội đi đôi với hình phạt là rất rõ. Tội nhẹ thì bị phạt nhẹ, tội nặng thì bị phạt nặng. Hình phạt nặng nhất là sa hoả ngục.

Ðể cứu khỏi hình phạt, thì một là người ta không phạm tội, hoặc lỡ phạm tội, thì phải sám hối.

Hầu hết chúng ta đều phạm tội. Do tư tưởng, do lời nói, do việc làm, do thiếu sót. Vì thế sám hối là việc tất nhiên ta phải làm, để được tha tội và được tha khỏi hình phạt bởi tội.

Ý thức điều đó, đạo chúng ta luôn nhắc nhở chúng ta phải sám hối trở về.

Chúa nhắc trong Kinh Thánh.

Ðức Mẹ nhắc trong mọi lần hiện ra.

Hội Thánh nhắc trong mọi lễ nghi phụng vụ.

Nhưng thực tế cho thấy sứ điệp sám hối vẫn bị coi thường, việc sám hối vẫn không được hết sức quan tâm. Cảnh đó đáng đau buồn. Tình hình đó đang là mối đe doạ lớn cho sự bình an.

Nhưng đáng ngại nhất là: Việc sám hối không phải dễ thực hiện . Mấy lý do sau đây giúp ta hiểu phần nào.

 1/ Nhận mình có tội là điều khó

Phúc Âm cho thấy: Chính Chúa Giêsu dạy người ta phải sửa mình, nhưng đâu có dễ.

Những người tội lỗi công khai thường dễ nhận tội. Các gái điếm, các người thu thuế không cãi lại Chúa Giêsu. Ðang khi đó, các biệt phái lại hay phản bác lại lời Người. Họ cho mình là người đạo đức. Họ mang nặng thiên kiến về họ. Họ chuyên môn bắt lỗi người khác. Kết án người khác được họ coi là thẩm quyền của họ. Họ luôn luôn cho mình thuộc hạng hơn người về hiểu đạo và sống đạo.

Có tội mà không nhận mình có tội. Ðầy tội mà vẫn tưởng mình đạo đức. Những cảnh đó vẫn xảy ra rất thường.

Nhận mình có tội là điều khó. Bản tính tự nhiên con người hay tự mãn. Thế gian khuyến khích con người thêm tự ái. Quỷ dữ xúi giục con người coi tự kiêu là việc thiện.

Tôi thấy là: Ðể nhận mình có tội, thì phải khiêm nhường, rất khiêm nhường. Mà khiêm nhường không luôn dễ. Chỉ dễ khi con người có ơn riêng của Chúa. Vì thế, để sám hối, chúng ta nên cầu nguyện, xin Chúa ban ơn riêng cho ta, để lương tâm ta từ cứng được nên mền, từ tối tăm được sáng lên. Cần khiêm nhường, cần rất khiêm nhường, cần rất mực khiêm nhường trong nhận biết.

Nhưng chưa đủ, còn một điều cần nữa, đó là ăn năn hối cải thực lòng.

 2/ Ăn năn hối cải là điều không dễ

Luxiphe và các thần dữ có thể đã không nhận tội, nhưng dù biết mình có tội, chúng vẫn không ăn năn hối hận. Vì chúng quá kiêu.

Rất nhiều khi, người có tội hay đổ trách nhiệm cho người khác. Như trường hợp ông Ađam đổ trách nhiệm cho bà Evà, bà Evà lại đổ trách nhiệm cho con rắn. Ðổ lỗi cho người khác là một cách làm cho việc ăn năn sám hối trở nên không thành thực.

Có những người chìm trong tội nặng lâu năm, hay phạm tội nặng thường xuyên mỗi ngày, mà chỉ ăn năn sơ sài, lấy lệ.

Có những người muốn ăn năn trở về, nhưng không tha thiết. Có những người gặp nhiều dịp, để làm mới lại đời mình, nhưng luôn bỏ qua.

Những trường hợp trên đây cho thấy: Ăn năn hối cải là việc không dễ. Chính Chúa bảo, bao người vẫn không nghe. Ðược Ðức Mẹ hối thúc, bao người vẫn làm ngơ. Ðược Hội Thánh nhắc nhở, bao người vẫn dửng dưng.

Vì thế, chúng ta nên khiêm tốn cầu nguyện cho mình và cho kẻ khác được ơn ăn năn hối cải. Không những khiêm tốn nhận biết mình có tội, mà còn khiêm nhường đau đớn vì tội, và khiêm nhường xin Chúa thứ tha tội lỗi và hình phạt bởi tội mà ra.

 3/ Tin tưởng vào tình Chúa xót thương là điều không dễ

Kinh nghiệm cho thấy: Ðược ơn nhận mình có tội là điều ngọt ngào. Ðược ơn ăn năn hối cải là điều an ủi. Ðược ơn gặp Thiên Chúa giàu lòng thương xót là điều sung sướng.

Ðiều sung sướng đó không phải hễ ai muốn có là tất nhiên được.

Người có tội thường phải đối đầu với nhiều cám dỗ khi muốn trở lại. Họ bị cám dỗ về sự thất vọng. Họ bị cám dỗ, vì những ray rứt xiềng xích họ vào con đường bế tắt. Họ bị cám dỗ, để cái tôi của mình trở thành trung tâm con đường trở về.

Một sự ăn năn hối cải thực sự bao giờ cũng đặt Chúa vào trung tâm.

Tôi trở về không nhờ sức của tôi, nhưng nhờ ơn của Chúa. Tôi sám hối, không phải vì tôi làm tôi mất danh dự, nhưng vì tôi đã mất lòng Chúa. Tôi được khỏi tội, không phải vì tôi lập công, nhưng vì tôi được Thiên Chúa tình yêu dẫn vào lòng Chúa vô cùng thương xót. Tôi trở về, không để tìm lại uy tín, nhưng để thuộc về Chúa hơn.

Lúc đó, sám hối trở thành nguồn hạnh phúc. Với hạnh phúc này, con người sẽ được Chúa dạy về sự tham gia vào kế hoạch của Chúa. Một kế hoạch cứu độ đặt việc sám hối lên hàng ưu tiên. Với sám hối, mọi chương trình cứu độ mới có ý nghĩa.

Ðể kết, tôi xin phép nhắc lại chuyện ông Abraham đã xin với Chúa cứu thành Sôđôma khỏi bị huỷ diệt.

Chúa bằng lòng sẽ cứu thành, nếu trong thành có đủ 10 người lành. Nhưng tìm không ra (x. St 18,16-33).

Chúng ta hãy dùng sự sám hối để nên người lành. Hy vọng ta và từng ngàn người sẽ được Chúa cứu.

Xin hãy khiêm nhường cầu nguyện. Cầu nguyện bằng niềm tin và bằng đau khổ Chúa gởi cho hằng ngày.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 02 năm 2008