Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Khiêm nhường
trong ơn gọi Linh Mục và Tu Sĩ

 

Chúa nhật thứ IV sau Phục sinh được chọn là ngày cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Khi nói về việc cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta thường hiểu thế này: Xin Chúa thương ban cho Hội Thánh nhiều linh mục và tu sĩ thánh thiện. Nghĩa là chúng ta nghĩ đến lượngphẩm.

Lời cầu trên đây là chính đáng. Rất nhiều nơi thiếu linh mục và tu sĩ. Rất nhiều nơi có số linh mục và tu sĩ tương đối đông, nhưng không phải tất cả số đông đó đều thánh thiện.

Ở đây, tôi xin phép giới hạn chia sẻ vào mặt thánh thiện. Trong thánh thiện, tôi để ý đến một nhân đức mà thôi, đó là đức khiêm nhường.

Khiêm nhường cũng là lãnh vực rộng lớn. Nên, tôi chỉ xin nói thoáng qua về vài điểm, mà thực tế hiện nay thúc bách.

 1/ Khiêm nhường nhận mình bất xứng với chức quyền được trao

Thánh vương Ðavít đã rất khiêm nhường, khi nói mình chỉ là kẻ ngu si, như con vật.

Con quả ngu si chẳng hiểu,
trước mặt Ngài, con như thú vật mà thôi
” (Tv 72,22).

Còn Ðức Mẹ Maria, khi được Chúa chọn, đã cúi đầu nhận mình chỉ là “người nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38).

Trong Kinh Thánh và truyện các thánh có vô vàn gương khiêm nhường trước mọi chức mọi quyền được trao ban.

Trên thực tế tại Việt Nam, rất nhiều linh mục và tu sĩ đã theo gương khiêm nhường các thánh để lại và Kinh Thánh đã dạy.

Thế nhưng, cũng không thiếu trường hợp khiến những ai có trách nhiệm đào tạo nhân sự của Hội Thánh phải cảnh giác.

Bởi vì:

Ðã có những đấu tranh trong lãnh vục chức quyền. Ðã có những vận động để được địa vị. Ðã có những giới thiệu chính mình như ứng viên xứng đáng của những trọng trách. Ðã có những lễ tạ ơn và giới thiệu quá đáng sau khi được chức tước.

Trong đạo những trường hợp đó bị coi là xa lạ với tinh thần khiêm tốn của Phúc Âm. Tuy hiện nay những trường hợp như thế không nhiều, nhưng nếu không cảnh giác, cứ để chúng tự do phát triển, thì chúng ta có lý do để sợ: Chức vụ linh mục và tu sĩ có thể bị tục hoá. Lúc đó, sẽ thực hiện lời Chúa phán: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Tình hình như thế sẽ đưa Hội Thánh về đâu?

 2/ Khiêm nhường khi gặp thử thách

Không linh mục, tu sĩ nào mà không bị thử thách. Các ngài bị thử thách là để được thanh luyện. Thử thách là một cách Chúa yêu thương.

Có những thử thách đoán trước được. Có những thử thách xảy ra đột ngột.

Có những thử thách thuộc thể xác. Có những thử thách thuộc tâm hồn.

Có những thử thách hợp lý hợp tình. Có những thử thách bất công, vô lý, ngược tình.

Thánh vương Ðavít đã tả cảnh thử thách bằng những lời bi đát như sau:

Mạng sống con bị chôn vùi như cát bụi
Tấm thân này nằm bẹp dưới bùn đen
” (Tv 44,26).

Thân sâu bọ, chứ đâu còn là người,
Con bị đời mắng chửi, khinh khi,
Thấy con, ai cũng chê cười
Lắc đầu bĩu mỏ, nói lời mỉa mai
” (Tv 22,7-8).

Thử thách nhiều khi rất nặng nề. Cho dù đạo đức chấp nhận, con người vẫn cảm thấy đau đớn, nhọc nhằn.

Lúc đó, phải rất khiêm nhường luôn kiên nhẫn. Như lời Chúa Giêsu phán: “Những kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13).

Ai khiêm nhường cầu nguyện sẽ được Chúa ban ơn kiên nhẫn vượt qua được thử thách. Thường thì những thử thách đó thuộc loại lớn.

Thế nhưng, những ai đã có kinh nghiệm trong đời sống linh mục, tu sĩ, sẽ thấy thử thách mà các ngài trải qua thường ngày là rất thường. Như những cám dỗ về tiền bạc, những thiên kiến, những ganh tỵ, những đòi hỏi của xã hội, những áp lực trong nội bộ, nhất là phải vâng lời chu toàn bổn phận hằng ngày.

Chính vì những thử thách trên đây thuộc loại bình thường, xảy ra hằng ngày, nên nhiều linh mục tu sĩ không để ý lắm. Do đó mà dễ vấp ngã.

Chúa Giêsu dạy: “Phải cầu nguyện và tỉnh thức” (Mt 26,44). Nhưng thực tế cho thấy: Về lâu về dài, người ta cũng dễ chểnh mảng với cầu nguyện và tỉnh thức. Thành ra, số người vấp ngã khi gặp thử thách lớn thì không nhiều. Nhưng số người đầu hàng trước những thử thách nhỏ lại khá đông.

 3/ Khiêm nhường trước những biến chuyển của tình hình

Ðời linh mục tu sĩ chúng ta là những biến chuyển lịch sử tiếp nối. Lịch sử đời biến chuyển. Lịch sử đạo chuyển biến .

Trước những biến chuyển lịch sử đạo đời, tôi vừa phải trung thành với cội nguồn Phúc Âm, vừa phải hiện diện có trách nhiệm với từng chặng đường lịch sử, mà tôi không tránh được.

Muốn được thế, tôi phải cố gắng tìm sống Phúc Âm trong từng chặng đường lịch sử một cách hữu hiệu nhất theo ý Chúa.

Ðem chân lý đời đời áp dụng vào tình hình cụ thể nơi chốn và thời gian tôi được sai đến, đó là điều không dễ.

Sẽ là ngây thơ, nếu tôi chỉ biết có cội nguồn Phúc Âm, mà quên hiện tại lịch sử. Sẽ là phản chứng, nếu tôi chỉ lo một phần hiện tại, mà quên giá trị đời đời của Phúc Âm.

Ý thức tầm quan trọng của những biến chuyển trong tình hình, nhiều linh mục tu sĩ đã có những suy nghĩ và hành động sáng suốt, để việc phục vụ cộng đoàn, Hội Thánh và Ðất Nước được hữu hiệu theo ý Chúa. Và đó là khiêm nhường trước những biến chuyển của tình hình.

Long Xuyên, ngày 31 tháng 3 năm 2008