Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Hiệp thông với Chúa Giêsu cầu nguyện

 

Mỗi người có thể kể ra kinh nghiệm của mình về sự cầu nguyện. Hôm nay tôi xin kể ra vài kinh nghiệm do người khác thuật lại cho tôi. Kinh nghiệm này tập trung vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu. Khi hiệp thông với Chúa Giêsu trong cầu nguyện, họ đã được Người chia sẻ cho tâm tình của Người.

 1/ Tâm tình của Chúa Giêsu như đã được viết trong thư gởi Do Thái

Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Kitô đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhận lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh viễn cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).

Tâm tình của Chúa Giêsu trên đây đã được một số người cảm nghiệm nơi chính bản thân họ.

Những khẩn cầu nài van của họ thường đi đôi với những tiếng khóc than. Họ cầu nguyện bằng nước mắt. Họ chịu đau đớn thân xác, đau khổ tâm hồn. Những mệt mỏi, những chán nản với tất cả những gì mà thân phận yếu đuối của họ phải nếm đều như những đắng cay sâu đậm. Họ muốn được cứu. Họ cầu nguyện và dâng những khổ đau của họ lên Thiên Chúa. Vì chỉ có Chúa mới cứu được họ.

Họ tin: Chỉ có Chúa mới cứu được họ khỏi nhiều cõi chết, mà họ đã bị ném vào. Chết vì bệnh, chết vì nghèo, chết vì nợ nần chồng chất, chết vì bị ruồng bỏ, chết vì tội lỗi.

Có những cái chết là do ngoại cảnh. Có những cái chết là do chính họ dại dột ngu đần. Họ muốn thoát ra khỏi chính họ.

Họ nhìn thấy tư bề bế tắc. Chỉ còn Chúa. Nhưng họ nghi ngờ, vì mình quá tệ, quá bất xứng, không biết Chúa còn thương mình nữa không. Họ khóc. Chính những nước mắt khổ đau ấy đã là niềm tin. Họ tin vào Chúa, cho dù họ chẳng còn gì để Chúa thương.

Như vậy, những nước mắt, những kêu khóc của họ khi cầu nguyện, được kết hợp với những nước mắt và kêu khóc của Chúa Giêsu. Nhờ đó mà họ được nâng đỡ ủi an.

Ðôi khi, họ xin ơn nâng đỡ ủi an cho người khác, cho Hội Thánh, cho Quê Hương. Họ cũng cầu xin với nước mắt. Những lúc như thế, họ hiểu rõ hơn thế nào là yêu thương thực.

Cầu nguyện như thế là một cách Chúa huấn luyện tình yêu và niềm tin. Yêu thì phải đợi chờ. Yêu thì phải tin. Tin yêu vốn có khổ đau.

Với kinh nghiệm trên đây, nhiều người nhìn ảnh tượng Chúa Giêsu cầu nguyện một cách gần gũi. Hiệp thông gần gũi ấy sẽ càng sống động hơn, khi được hiệp thông với Chúa Giêsu cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

 2/ Tâm tình của Chúa Giêsu khi cầu nguyện ở vườn Câu Dầu

Phúc Âm thánh Marcô kể: “Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các ông: 'Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện'. Rồi Người đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: 'Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức'. Người đi xa hơn một chút, quỳ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình, nếu có thể được. Người nói: 'Apba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha'. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: 'Simon, anh ngủ à? Anh không thể thức một giờ sao? Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối'. Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người” (Mc 14,32-40).

Thánh Luca ghi thêm một chi tiết đáng ta chú ý: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

Cảnh cầu nguyện trên đây là rất bi đát. Cầu nguyện mà buồn sầu, bồi hồi, xao xuyến, lo sợ. Cầu nguyện mà cảm thấy cô đơn. Tất cả muốn đề cao tâm tình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Bản tính tự nhiên muốn cưỡng lại. Bạn bè xung quanh không ai đồng ý. Ðức Kitô cô đơn giữa những người thân thiết. Qua những lo sợ bồi hồi, xác thịt cho thấy, trốn thoát khổ đau là bình thường. Thánh ý Chúa Cha không cho thấy kết quả trước mắt. Chỉ phải vâng lời. Vâng lời này đòi một sự khiêm nhường tối đa và phó thác trọn vẹn.

Nhiều người cầu nguyện cảm được phần nào cuộc chiến đấu nội tâm gay gắt. Nhưng Chúa Giêsu chiến đấu với họ. Họ cầu nguyện trong tâm tình khiêm tốn của Người.

Sự cô đơn là một thử thách lớn thường đặt ra cho những ai vâng phục thánh ý Chúa. Ðôi khi cô đơn là rất lớn lao, lâu dài, sâu rộng. Cùng với Chúa Giêsu, họ biết dâng lên Chúa Cha sự cô đơn đó. Lúc ấy, cô đơn sẽ không là dấu chỉ của sự thất bại, nhưng sẽ là niềm tin vâng phục dẫn tới sự sống và sự sống lại.

ù

Kinh nghiệm như trên không phải là tất cả mọi tâm tình của Chúa Giêsu cầu nguyện. Nó chỉ là một phần, nhưng là phần quan trọng. Hiệp thông với tâm tình quan trọng này là một đặc ân. Ta cần đón nhận với lòng khiêm tốn. Biết đâu sự đón nhận này sẽ là một chuẩn bị khôn ngoan cho tương lai của bản thân ta và của Hội Thánh, một tương lai sẽ không thiếu thử thách, để vâng phục thánh ý Chúa nhiệm mầu trong chương trình cứu độ.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 8 năm 2008