Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Trong tay Cha

 

Khi tham dự lễ nghi tuần thánh, nhiều người đã được ơn Chúa đánh động. Riêng đối với tôi, ơn Chúa đánh động mạnh nhất đã đến từ lời Chúa Giêsu trên thánh giá:

Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Lời cầu đem lại sự bình an.

Lời cầu mang đến ơn cứu độ.

Số người dùng lời Chúa trên đây để cầu nguyện phải kể là rất đông. Với nhiều ý thức khác nhau, nhưng cách riêng với những ý thức sau đây:

 1/ Ý thức mình tội lỗi bất toàn

Nhận mình tội lỗi bất toàn, đó là việc chúng ta làm mà không sợ xấu hổ. Không cần xét đâu xa, ở đây chúng ta chỉ nhìn vào những điều Chúa Giêsu dạy đặc biệt trong tuần thánh. Khiêm tốn rà soát lại từng điều, chúng ta sẽ thấy chúng ta đã lỗi lầm nhiều.

a) Phải chu toàn thánh ý Chúa Cha.

Trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 14,36).

Tư tưởng “Vâng ý Chúa Cha” tới cùng đã là một lập trường không lay chuyển của Chúa Cứu Thế. Nên khi môn đệ Simon-Phêrô tuốt gươm định chém kẻ bắt Thầy, Thầy đã quả quyết: “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18,11).

Chi tiết trên đây cho thấy: Nhiều khi thực hiện thánh ý Chúa là điều không dễ. Vì đó là chén đắng. Vì đó là bị nộp, để đi vào tử nạn. Tính tự nhiên muốn tránh. Bạn bè ngăn cản. Nhưng Chúa Giêsu đã can đảm và khiêm tốn vâng phục. Còn chúng ta đâu được như Người. Trốn tránh, cưỡng lại dưới nhiều lý do tự chọn, để theo ý riêng mình.

Về điểm “vâng phục ý Chúa” chúng ta có nhiều điều phải khiêm tốn nhận lỗi, để được thứ tha trong lời cầu: “Con xin phó thác con trong tay Cha”.

b) Phải thực thi điều răn mới.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã trối lại một điều răn mới: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là: Các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Ðặc điểm của điều răn mới là: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Công dụng của điều răn mới là: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Ðiều răn yêu thương quả là điều răn tối cần thiết, mà Chúa Giêsu đã tha thiết trối lại.

Yêu thương nhau, như Chúa Giêsu đã yêu thương, là phải rất khiêm nhường, theo gương Chúa Giêsu rửa chân, là phải rất tha thứ, theo gương Chúa Giêsu tha thứ cho mọi kẻ làm khổ Người, là phải rất hy sinh, theo gương Chúa Giêsu đã tự nguyện đền tội thay cho mọi người.

Từ khi bị bắt cho đến khi tắt thở trên thánh giá, Chúa Giêsu đã nói rất ít. Người không phản ứng. Không phải ứng trước những lời vu khống. Không phản ứng trước những thái độ khiêu khích. Không phản ứng trước những cử chỉ nhục mạ. Người chỉ trình bày một lập trường. Trình bày một cách bình tĩnh, lịch sự và yêu thương.

Với những gì Chúa Giêsu đã sống trong cuộc tử nạn, Người đã nêu gương bác ái cho chúng ta.

Ðem gương đó soi vào mình ta, ta sẽ thấy ta còn rất nhiều thiếu sót trong nhiệm vụ thực thi bác ái.

Ðể ăn năm sám hối, chúng ta nên khiêm nhường đặt mình trong tay Chúa: “Lạy Cha, con xin phó thác con trong tay Cha”.

c) Phải biết ơn vì bí tích Thánh Thể bí tích phép Truyền Chức.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức Thánh. “Người cầm lấy bánh, dâng lời cảm tạ, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: Ðây là mình Thầy, hiến tế vì các con. Các con hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì các con” (Lc 22,19-20).

Phép bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức được thiết lập từ đó. Với hai bí tích này, Chúa Giêsu muốn ở lại với loài người một cách đặc biệt. Ở lại như một hiến lễ, như một giao ước.

Giáo Hội luôn biết ơn Chúa vì hai bí tích này. Kinh nghiệm cho thấy: Nơi nào có Thánh Thể, thánh lễ và các vị mang chức thánh ở lại, nơi đó được chính Chúa hiện diện một cách đặc biệt.

Sự hiện diện đó phải được đón nhận bằng đức tin khiêm nhường. Không có đức tin khiêm nhường, người ta sẽ dễ vấp phạm. Vấp phạm đến phép Thánh Thể sẽ dễ xúc phạm đến phép Truyền Chức. Xúc phạm đến phép Truyền chức sẽ dễ vấp phạm đến phép Thánh Thể. Sau cùng cứ thế, không chừng chính chúng ta lại trở thành những kẻ đóng đinh Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người.

Nếu đó là sự thực, thì tình hình sẽ rất khủng khiếp. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng lời cầu: “Lạy Cha, con xin phó thác con trong tay Cha”.

 2/ Ý thức mình sống trong thử thách

Lạy Cha, con xin phó thác con trong tay Cha”. Lời cầu đó ngày nào cũng vọng lên từ những tâm hồn sám hối. Lời đó càng khẩn khoản hơn từ những người sống trong thử thách.

Ông Simon-Phêrô tưởng vững như đá. Nhưng ngài đã sụp đổ do việc chối Thầy. Các tông đồ khác tưởng ổn định như tia sáng bởi trời. Nhưng các ngài đã ra tối tăm, kẻ thì do bán Thầy, kẻ thì do bỏ Thầy mà trốn.

Còn Ðức Mẹ Maria thì tan nát tâm can. Mẹ sống trong đau đớn cực độ. Ðau đớn là một thử thách nặng nề.

Bà Madalena và mấy phụ nữ đi tìm xác Chúa với nước mắt và kiên trì. Nước mắt và kiên trì là những thử thách cam go.

Tất cả các vị trên đây đã chịu thử thách. Các ngài luôn phó thác mình cho Chúa. Sau cùng các ngài không những đã gặp được Chúa, mà còn được đưa vào trái tim Chúa phục sinh giàu lòng thương xót.

ù

Ðể kết bài chia sẻ này, tôi xin nói lên một kinh nghiệm, đó là: “Lời cầu: Con xin phó thác con trong tay Cha” đã làm lại lịch sử không biết bao nhiêu người.

Lịch sử của người phó thác có phần là lịch sử riêng họ, có phần là lịch sử tôn giáo và xã hội thời họ sống. Một lịch sử như thế không thể trừu tượng chung chung.

Nhưng nhìn sâu vào lịch sử của những người phó thác, tôi thấy nhân tố chính viết nên lịch sử đó, chính là tay Chúa.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 3 năm 2008