Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Tỉnh thức trước những xáo trộn

 

Tỉnh thức là đức tính luôn cần cho cuộc sống con người. Riêng đối với cuộc sống đạo, tỉnh thức càng là điều không thể thiếu.

Một trong những lý do đòi ta tỉnh thức là để biết sáng suốt trong một tình hình có nhiều xáo trộn.

Xáo trộn trong đạo là tình hình đã được Chúa Giêsu báo trước. Ở đây, chỉ xin đưa ra ba hình ảnh do chính Kinh Thánh đã chọn.

 1/ Ba hình ảnh gây xáo trộn

a) Hình ảnh cỏ lùng giữa lúa

Chúa Giêsu phán: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Ông đáp: Kẻ thù đã làm đó” (Mt 13,24-28).

Những lời Chúa phán trên đây cho ta thấy một tình hình coi bề ngoài có vẻ bình an, nhưng thực ra là rất xáo trộn. Cộng đoàn của ta là một cánh đồng lúa coi như xanh tốt, nhưng có thể là đang pha trộn nhiều cỏ lùng. Chính bản thân ta cũng là thửa ruộng có lúa và cũng có cỏ lùng. Phải tỉnh thức trong Chúa mới nhận ra được cảnh xáo trộn nguy hiểm đó. Ðừng dối lừa mình bằng những ảo tưởng.

Một hình ảnh khác Chúa Giêsu đã dùng để báo về cảnh xáo trộn, đó là hình ảnh kitô giả và ngôn sứ giả.

b) Hình ảnh kitô giả và ngôn sứ giả

Chúa phán: “Thật vậy, sẽ có những ktiô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điều thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy” (Mt 24,24-25).

Những lời Chúa phán trên đây cho ta thấy: Sức mạnh của những kitô giả và ngôn sứ giả là rất lớn, rất mạnh, rất tinh vi. Nếu cả những người được tuyển chọn mà còn bị lừa, phương chi những người bình thường, ngây thơ. Phải rất tỉnh thức trong ơn Chúa, mới hy vọng thoát được những lường gạt đạo đức không bao giờ thiếu xung quanh ta. Ðừng tự mãn ẩn mình trong nhận định ngây thơ.

Cỏ lùng và ngôn sứ giả là những hình ảnh gây xáo trộn một cách êm nhẹ. Còn hình ảnh sau đây sẽ gây xáo trộn một cách tàn bạo, trắng trợn.

c) Hình ảnh sói dữ

Thánh Phaolô xưa khi từ biệt các kỳ lão Hội thánh Êphêsô, ngài đã nói: “Phần tôi, tôi biết rằng: Khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em cũng sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng” (Cv 20,29-30).

Với những lời báo trước trên đây, thánh Phaolô cho thấy: Ngài coi việc truyền giáo của ngài là rất mong manh. Ngài linh cảm kết quả truyền giáo sẽ bị chính nội bộ tàn phá. Và sự tàn phá sẽ được thực hiện một cách dữ dằn thô bạo như kiểu chó sói. Ðừng lạc quan hão huyền.

Ba hình ảnh gây xáo trộn đạo Chúa luôn xảy ra dưới mọi thời, không nhiều thì ít, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Việc xáo trộn hiện nay càng trở nên trầm trọng. Khi mấy lời Chúa căn dặn tha thiết đang bị coi thường.

 2/ Xáo trộn hiện nay

a) Do bỏ đường hẹp

Chúa phán: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).

Chính Chúa cho thấy sẽ ít người đi vào đường hẹp. Tôi có chút kinh nghiệm về điều đó. Cách đây mấy chục năm, tôi được mời nói chuyện với vài cộng đoàn nhỏ bên Âu châu. Tôi nói về vai trò của thánh giá trong đời sống thiêng liêng. Sau đó, ít là có hai bề trên cộng đoàn đã nhắc cho tôi biết: Thời nay, nhiều nơi tại các nước phát triển, người ta không muốn nghe đến chuyện đau khổ, chuyện từ bỏ, chuyện thánh giá, chuyện khổ chế trong tu đức.

Hồi đó, tôi nghe vậy thì lấy làm lạ. Bây giờ thì não trạng sống hưởng thụ cũng đã lan tới Hội Thánh Việt Nam. Rất nhiều nơi coi tự do hưởng thụ và thi đua hưởng thụ là chuyện bình thường, thậm chí còn coi như một đòi hỏi chính đáng. Do đó mà phong trào tục hoá đã phát triển, sinh ra bao xáo trộn đau buồn.

b) Không thi hành thánh ý Chúa Cha

Một điều đang gây xáo trộn rất nhiều hiện nay là không thực thi thánh ý Chúa. Thực thi thánh ý Chúa được Chúa coi là rất quan trọng, đến nỗi Chúa phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Thánh ý Chúa là mỗi người hãy chu toàn bổn phận của mình. Hiện nay nhiều người đã chu toàn bổn phận của mình một cách can đảm rất đáng khen ngợi. Trong những hoàn cảnh rất khó, rất khổ, họ vẫn là người cha người mẹ đảm đang, họ vẫn là người con, người cháu hiếu thảo, họ vẫn là người vượt qua chính mình, để chu toàn trách nhiệm truyền giáo.

Ðang khi đó, nhiều người có những hoàn cảnh thuận tiện, lại rất thiếu sót với bổn phận của mình. Ở đây, tôi nhớ tới những lời than phiền về một số kitô hữu chúng tôi đó đây đã chểnh mảng trong bổn phận tự đào tạo. Chúng tôi được kêu gọi không ngừng nâng cao hơn trình độ đạo đức và trình độ trí thức của mình. Nhưng chúng tôi ngại phấn đấu. Chểnh mảng như thế là một lỗi bổn phận, gây xáo trộn trong cộng đoàn và Hội Thánh.

c) Thiếu sót về yêu thương

Yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, đó là điều răn mới rất quan trọng của đạo Công giáo. Chúa phán: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Tôi mới gặp mấy người ngoài Công giáo. Gia đình họ nghèo. Nghèo của cải, nhưng giàu bác ái. Hầu như cả ngày họ đều đi lo cho các người bị xã hội và gia đình bỏ rơi. Họ chia sẻ cho nhau những nỗi đau buồn và thất vọng. Thấy họ có lòng bác ái, dấn thân không mệt mỏi, tôi rất ngỡ ngàng. Tôi thầm nghĩ: Tấm lòng của họ đầy lửa yêu thương khiêm nhường, mỗi ngày của họ là những dấu chỉ sáng lạn về tình yêu quên mình của Chúa. Ðời sống của họ rất lặng lẽ. Nhưng dần dà mọi người lối xóm đều biết họ là niềm hy vọng của những kẻ khốn cùng trên một địa bàn chìm sâu trong đau khổ. Nhiều người chúng ta không bằng họ.

ù

Xáo trộn sẽ còn thêm xáo trộn. Bổn phận của mỗi người chúng ta là hãy tỉnh thức đón nhận ơn cứu độ. Ơn Chúa cứu độ sẽ được ban cho ta như những giọt máu trái tim Chúa Giêsu. Những giọt máu đó ngọt ngào yêu thương và thơm tho tâm tình khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Long Xuyên, ngày 8 tháng 5 năm 2008