Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Mấy địa chỉ nên biết

 

Trong đạo có mấy địa chỉ nên biết. Vì ở mấy địa chỉ đó, mỗi người công giáo sẽ gặp được chính mình dưới nhiều diện mạo khác nhau.

Mấy địa chỉ đó là của cảnh khổ. Tôi xin nêu lên một danh sách tạm.

 I. Mấy địa chỉ nên biết

1/ Nạn nhân của những tai hoạ

Tại hoạ trên đời này thì đa dạng. Như hoả hoạn, bão lụt, mất mùa, động đất, bệnh tật lâu dài, những cái chết thảm thương... Tất cả những tai hoạ đều gây nên tang tóc, mất mát, suy sụp. Nạn nhân của những tai hoạ đều đau khổ. Họ là những địa chỉ chờ đợi tình xót thương.

Phúc Âm kể lại một số địa chỉ như thế đã được Chúa Giêsu đến cứu độ. Như trường hợp bà goá thành Nain. Con trai duy nhất bà chết. Bà theo xác con ra huyệt với nước mắt chan hoà và lòng tan nát. Chúa Giêsu động lòng thương, đã an ủi bà. Người đã làm phép lạ cho đứa con trai đó sống lại (x. Lc 7,11-17).

Hai chị em Matta và Maria có một người em trai là Ladarô. Anh này chết. Hai chị em khóc thương thảm thiết. Nghe tin, Chúa Giêsu đã từ xa đến địa chỉ đám tang. Người đã khóc, và đã làm phép lạ cho Ladarô sống lại (x. Ga 11,1-44).

Chúa Giêsu đã xót thương những người đau khổ, cho dù đau khổ đó là rất riêng tư, chỉ đụng tới một vài cá nhân. Còn chúng ta thì sao? Ðịa chỉ có thể rất gần ta. Nhiều người đã bén nhạy, coi địa chỉ đó là nơi làm chứng “Thương người như thể thương thân”, và là nơi tuyên xưng mình là người của Thiên Chúa tình yêu.

2/ Nạn nhân của những bất bình đẳng

Trên đời này, tình trạng bất bình đẳng là bình thường. Ðối xử bất bình đẳng, thậm chí bất công, vẫn còn khá phổ biến. Nạn nhân của những bất bình đẳng thường mang theo mình một thứ khổ đau không dễ nói ra. Họ là những người già cô đơn, những người bệnh tật nan y, những người nghèo túng, những người bị vu khống, những người tội lỗi bị khinh khi. Họ làm nên một địa chỉ rộng. Người ta không muốn biết tới, nhưng Chúa lại tìm đến với lòng thương xót.

Phúc Âm kể lại chuyện Chúa Giêsu trong đền thờ. “Người thấy những người giàu sang đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo túng kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: Thầy bảo thật anh em: Bà goá này đã bỏ nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà bỏ vào dâng cúng. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 21,1-4). Bà goá nghèo đó là một nạn nhân của phân biệt đối xử. Nhưng Chúa Giêsu đã tôn vinh địa chỉ đó.

Dụ ngôn người chủ chiên bỏ 99 con chiên của mình, để đi tìm một con chiên lạc. Khi đã tìm được rồi, ông vác nó trên vai, về khoe với bạn bè. Chúa kết luận: “Tôi nói cho các ông hay, trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

Con chiên lạc là một địa chỉ người ta không muốn nói tới. Nhưng Chúa Giêsu đã tìm đến địa chỉ đó. Người quan tâm đến một con chiên lạc trở về hơn 99 con luôn trung thành.

Chớ chi những việc làm trên đây của Chúa Giêsu đổi mới cách đối xử của ta, để chúng ta biết tìm đến các địa chỉ bị loại trừ. Họ không xa chúng ta đâu.

3/ Nạn nhân của những tệ nạn xã hội

Những tệ nạn xã hội đáng ngại nhất là những gương xấu. Những gương xấu về thói quen sử dựng thời giờ một cách thoải mái, cốt để thoả mãn những gì mình thích trong giây phút hiện tại. Tới đâu thì tới.

Những gương xấu về sự chia rẽ, mất tình phản nghĩa, chỉ vì tiền.

Thực rất đáng buồn khi đang xuất hiện những gương xấu đưa người ta đến các thứ bệnh nguy hiểm như Sida, nghiện ngập. Một tệ hại đang lây lan là nếp sống không lương thiện, muốn có tiền bằng bất cứ cách nào, như bài bạc, hụi hè, lường gạt, vay mượn liều lĩnh. Cũng không thiếu gương xấu về cách làm tiền, cả dưới những hình thức coi như đạo đức. Nạn nhân thường dễ rơi vào cảnh nghèo dưới nhiều hình thức kinh khủng.

Chúa Giêsu phán: “Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây nên sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Mt 18,7).

 II. Sự phức tạp nên biết

Khi đến với các địa chỉ của cảnh khổ, người ta có thể có những thái độ khác nhau, như: Thái độ giao tế xã hội, thái độ kết án, thái độ dửng dưng, thái độ cứu độ.

Thái độ đáng có và phải có là thái độ yêu thương. Yêu thương một cách khiêm nhường. Yêu thương một cách hy sinh quên mình với mục đích cứu độ.

Kinh nghiệm cho thấy: Ðể cứu người khổ, thì chính người khổ phải biết cộng tác vào ơn cứu độ.

Sẽ là quá đơn giản, khi người ta tưởng: Tình xót thương sẽ là một nơi cho ta ỷ lại.

Sẽ là quá đơn giản, khi người ta tưởng: Tình xót thương cứu độ sẽ miễn trừ cho người khổ khỏi phải phấn đấu. Nếu chính người khổ không tự cứu mình với tất cả khả năng mình có, thì lòng xót thương nhiều khi cũng phải bó tay.

Cũng sẽ là quá đơn giản, khi người ta tưởng: Cảnh khổ sẽ chấm dứt với tình xót thương cứu độ. Bởi vì môi trường xã hội, môi trường văn hoá, môi trường gia đình, luôn có sức chi phối mạnh đến việc hình thành cảnh khổ dưới những hình thức mới.

Cảnh khổ vẫn sẽ luôn là vấn đề cần phải đặt ra cho chúng ta. Bởi vì lịch sử rất phức tạp. Chính vì tính cách phức tạp của vấn đề, nên xin phép được giới thiệu một địa chỉ khổ để kết. Ðịa chỉ đó là Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá.

Hãy chiêm ngắm Người. Người rất nghèo của cải, nhưng rất giàu tình yêu. Tình yêu của Người là tình yêu dâng hiến cam chịu khổ đau. Chính tình yêu dâng hiến này đã cứu chuộc nhân loại. Chúng ta được cứu độ nhờ Chúa Giêsu dâng hiến chính mình với biết bao hy sinh.

Xin hãy giải quyết vấn đề khổ đau trước nhan Chúa Giêsu đau khổ, với Chúa Giêsu đau khổ, trong Chúa Giêsu đau khổ. Bất ngờ, ta sẽ khám phá thấy chính bản thân ta rất nghèo rất khổ, cần được Chúa xót thương cứu độ.

Long Xuyên, ngày 12 tháng 6 năm 2008