Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Nhân kỷ niệm 30/4/1975

Nhìn vào ba hình ảnh sống động
của Chúa Giêsu

 

Ngày 30 tháng 4 năm 2008 này là dịp thúc đẩy tôi nhìn lại.

Bởi vì đây là kỷ niệm 33 năm biến cố quan trọng của lịch sử Ðất Nước tôi (30/4/1975 - 30/4/2008).

Bởi vì đây cũng là kỷ niệm 33 năm thụ phong giám mục của tôi (30/4/1975-30/4/2008).

Riêng đối với tôi, hai kỷ niệm này là rất sâu đậm. Sâu đậm nhất là do đức tin. Tôi đã trải qua thời gian này với đức tin. Niềm tin vào Chúa Giêsu đã soi sáng tôi, đã nâng đỡ tôi.

Cũng đức tin đã cho tôi thấy Chúa rất thương Hội Thánh Việt Nam. Yêu thương này rất phong phú, rất đa dạng.

Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ cái nhìn của riêng tôi về sự Chúa yêu thương chúng ta qua ba hình ảnh Phúc Âm.

- Hình ảnh Chúa Giêsu nhập thể.

- Hình ảnh Chúa Giêsu cứu độ.

- Hình ảnh Chúa Giêsu Thánh Thể.

 1/ Làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể

Khi bước vào ngày 30/4/1975, rất nhiều người công giáo đã cảm thấy bầu trời quá mới. Nhiều e ngại đã được đặt ra: Không biết đạo Chúa sẽ còn tồn tại ở Việt Nam được bao lâu nữa?

Nhưng giữa những hoang mang như thế, Chúa Giêsu đã vẫn ở lại với con cái Người. Một trong những cách Người ở lại là làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể.

Noi gương Chúa Giêsu nhập thể, nhiều cá nhân, nhiều nhóm, nhiều cộng đoàn đã sống mầu nhiệm nhập thể một cách cụ thể và sâu sắc.

Như Chúa Giêsu, họ tình nguyện mặc lấy thân phận kẻ hèn mọn.

Họ tình nguyện trút bỏ mọi vinh quang. Họ tình nguyện sống giữa đám đông bình thường. Họ tình nguyện sống như phần đông nghèo túng.

Qua đời sống nhập thể, họ mang đến cho những người xung quanh tình thương và chân lý của Chúa Giêsu.

Chân lý và tình thương của Chúa được toả sáng qua nếp sống của những người sống mầu nhiệm nhập thể. Họ là người của một địa phương rõ rệt. Họ kính yêu gắn bó với mảnh đất mà họ gọi là quê hương của họ. Họ đồng hành một cách khiêm tốn và có trách nhiệm với những chặng đường lịch sử cụ thể. Họ sống trọn vẹn thân phận con người của lịch sử, chỉ trừ những gì là tiêu cực.

Nhờ sống mầu nhiệm nhập thể, họ gần gũi với đồng bào. Gần gũi không phải chỉ bằng sự hiện diện, mà nhất là bằng sự nhạy cảm với những gì xảy ra nơi đồng bào, bằng sự đồng cảm với những gì đồng bào cảm thấy, bằng sự linh cảm với những gì sẽ xảy ra cho đồng bào.

Sự làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể đã đem lại cho Hội Thánh Việt Nam một bộ mặt tươi trẻ của Phúc Âm.

 2/ Cùng với sự làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể, Chúa cũng đã làm mới lại cách sống mầu nhiệm cứu độ

Mầu nhiệm cứu độ vẫn hoạt động trong Hội Thánh Việt Nam từ lâu rồi. Nhưng biến cố 30/4/1975 đã là cơ hội để mầu nhiệm cứu độ được thời sự hoá với những cái nhìn mới.

Thay vì chủ trương bảo vệ nguyên trạng và đắc thắng, nhiều người nhiều nơi đã được Chúa cho thấy cần phải chủ trương sám hối, canh tân và hoà giải để cứu độ.

Thay vì chủ trương đào sâu hận thù, loại trừ và nghi kỵ, nhiều người nhiều nơi đã được Chúa cho thấy cần phải có thiện chí gần lại bên nhau trong bao dung, kính trọng và yêu thương để được cứu độ.

Những ai sống mầu nhiệm cứu độ đã thấy chính bản thân mình, chính Hội Thánh mình, chính Quê Hương mình có thể cùng nhau nhìn vào những gì chung để cứu độ, như cứu khỏi mọi hình thức sự ác ngăn cản việc thăng tiến con người. Những hình thức sự ác có thể ở khắp nơi, nơi những người ngoài Hội Thánh và cả nơi những người trong Hội Thánh.

Từ 30/4/1975 đến giờ, nhiều nơi đã chứng kiến sự lan rộng của hình ảnh Chúa cứu độ. Chứng kiến không qua lý thuyết, mà qua gặp gỡ và hiểu biết. Không ít giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đã được đồng bào lương giáo yêu thương. Họ được nhìn như những người cứu độ. Cứu độ về nhiều phương diện, nhưng nhất là về mặt yêu thương, kính trọng. Yêu thương và kính trọng nhau đã cứu khỏi những thành kiến hận thù, nghi kỵ. Nhờ dấn thân yêu thương khiêm tốn, họ trở thành người của tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo, có tôn giáo hay không có tôn giáo.

Hiện nay, cuốn sách được bán chay nhất tại địa phương tôi là “Trên cả tình yêu” của Mẹ Têrêsa Calcutta. Những người mua sách phần đông là ngoài công giáo. Họ nhìn Mẹ Têrêsa là con người cứu độ. Ðọc xong, họ tìm hình ảnh Mẹ trong địa phương này. Họ đã không ngã lòng. Họ đã tìm thấy một số hình ảnh thân thương đó. Và hình ảnh đó đã đưa tới hình ảnh Chúa Giêsu cứu độ.

Tiếp theo sự đổi mới cách sống mầu nhiệm cứu độ và mầu nhiệm nhập thể, là sự đổi mới cách sống mầu nhiệm Thánh Thể.

 3/ Làm mới lại cách sống mầu nhiệm Thánh Thể

Từ biến cố 30/4/1975 đến giờ, tôi thấy tại Hội Thánh Việt Nam có một biến chuyển về cách sống mầu nhiệm Thánh Thể.

Mới ở chỗ:

- Nhiều người tập trung vào Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể hơn trước.

- Nhiều người để ý nhiều hơn đến việc sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

- Nhiều người thực hiện nhiều hơn việc tạ ơn, sám hối và đền tội với Chúa Giêsu Thánh Thể.

- Nhiều người áp dụng nghiêm túc hơn giới luật yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể.

- Nhiều người đã sống khiêm tốn bé nhỏ hơn trước, theo gương Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sự đổi mới cách sống mầu nhiệm Thánh Thể thường được thực hiện một phần do sự đổi mới cách sống của những tư tế của Chúa. Khi các vị tư tế sống thực sự là người của phép Thánh Thể, thì bầu khí phượng tự, mục vụ sẽ ra khác. Sự kiện đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến bầu khí xã hội.

ù

Ba cách sống trên đây đã trình bày ba hình ảnh sống động của Chúa Giêsu: Chúa nhập thể, Chúa cứu độ, Chúa Thánh Thể. Ba cách sống này là chứng từ về Thiên Chúa chúng ta. Tất nhiên chúng ta sẽ phải đau khổ trên đường làm chứng. Nhưng chúng ta vững tin. Chúa luôn ở với chúng ta. Người đang đổi mới mọi sự theo thánh ý Người.

Xin khiêm tốn cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót đến muôn đời.

Long Xuyên, ngày 9 tháng 4 năm 2008