Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Làm chứng cho Chúa Giêsu

 

Trước khi về trời, Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người một điều tâm huyết: “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Ðó là lời sai đi. Mọi người tin theo Chúa phải đón nhận lời sai đi ấy như một cách giữ đạo. Phải giữ đạo Chúa cách nào để cách đó làm chứng tốt nhất cho Thiên Chúa là tình yêu.

Tất nhiên cách giữ đạo hợp lý nhất để làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu là sống bác ái. Hợp lý vì tất cả đều có cơ sở Lời Chúa.

 1/ Lời Chúa hướng dẫn chọn lựa

Người tín hữu xin dứt khoát chọn đời sống bác ái để làm chứng cho Chúa. Vì lời Chúa đã rất rõ ràng. Chỉ xin trích vài lời:

a) Chúa phán: “Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy ở điều này: là các con có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,35).

b) Chúa gọi: “Hãy đến đây. Hỡi những kẻ Cha Thầy chúc phúc. Vì Thầy đau yếu, các con đã viếng thăm... Thầy bảo thật các con: Ðiều gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy là các con đã làm cho chính Thầy vậy” (Mt 25, 34.36.40).

c) Thánh Gioan dặn dò: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7-8).

Những lời Kinh Thánh trên đây giúp chúng ta an tâm, khi chọn đời sống bác ái như một cách giữ đạo có sức làm chứng cho Chúa.

Nói là giúp cho chúng ta an tâm khi chọn lựa con đường bác ái. Bởi vì luôn có những lôi cuốn giục chúng ta muốn chọn lựa những con đường khác. Như chọn làm chứng bằng những quy tụ đông đảo, bằng cơ sở tôn giáo hoành tráng, bằng cơ cấu chặt chẽ, bằng lễ hội tưng bừng. Tất nhiên những chọn lựa đó cũng có lý của nó. Nhưng không thay thế được con đường bác ái yêu thương.

Tất nhiên không phải yêu thương nào cũng là bác ái làm chứng cho Chúa. Chỉ có thứ nội dung yêu thương đã được lời Chúa chỉ dạy. Vắn tắt như sau:

 2/ Lời Chúa chỉ dẫn nội dung

a) “Bác ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

“Ðức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

b) “Lòng bác ái không được giả hình giả dối. Anh em hãy ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải, lấy tinh thần mà phục vụ Chúa.

“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với các thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.

“Hãy chúc lành cho những kẻ bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng chúc dữ, nguyền rủa. Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn.

“Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác... Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với nhau” (Rm 9-18)

Những lời Kinh Thánh trên đây về nội dung yêu thương cho thấy một nội tâm sâu xa phong phú. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy con đường bác ái để làm chứng cho Chúa không đơn giản chỉ là vấn đề chia sẻ, phục vụ về vật chất, mà còn là một chiều kích nội tâm thiêng liêng. Chiều kích thiêng liêng đó là một nguồn sống thiêng liêng có sức biến đổi con người và xã hội.

Một nội dung yêu thương bác ái như thế là một thực tế không dễ dàng.

 3/ Lời Chúa hé mở một thực tế không dễ dàng

Sống bác ái yêu thương với nội dung đặt nặng về nội tâm đòi nhiều phấn đấu, nhiều từ bỏ, phải đi vào cửa hẹp.

Chúa Giêsu phán: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Ðòi hỏi đó là đi vào cửa hẹp. Nhưng, đi vào cửa hẹp là điều không dễ. Chúa phán: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Maisen và lời các ngôn sứ là thế.

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,12-14).

Lời Chúa trên đây hé mở cho thấy một thực tế không dễ dàng. Thực tế là nhân loại luôn đợi chờ một đời sống yêu thương bác ái của người công giáo, như đợi chờ một kho tàng phong phú, đầy sức hấp dẫn. Họ đợi chờ như khao khát một sức thiêng giải cứu họ cho khỏi những ích kỷ, giả dối và ghen ghét trên đời này.

Nhưng xem ra họ chưa tìm được nhiều như lòng mong ước. Họ chỉ dám thầm mong: Ước chi mọi người công giáo sống thực sự yêu thương bác ái như Chúa Giêsu. Ước chi không có khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế về bác ái yêu thương nơi các cộng đoàn công giáo.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì nhiều người công giáo chúng ta đã và đang cố gắng đáp ứng những “ước chi” đó. Chúng ta ngợi khen Chúa vì bao sự lạ lùng Chúa đã và đang làm nơi những chứng nhân bác ái tại Việt Nam hôm nay. Ðức tin của họ được phiên dịch ra bác ái. Ngôn ngữ bác ái được coi là dễ hiểu và có sức truyền giáo đối với mọi người.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 11 năm 2008