Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Nhân đạo hơn

 

Ai cũng muốn đời mình thành công. Thành công hệ tại ở sự gì, thì mỗi người có thể đưa ra quan điểm của mình.

Nói chung, thành công hệ tại ở sự có hạnh phúc.

Riêng đối với nhiều môn đệ Chúa Giêsu, thì hạnh phúc lớn nhất đời mình là vượt qua được chính mình, để phục vụ người khác, giúp họ được hạnh phúc vì nên người nhiều hơn và nên con Chúa nhiều hơn.

Ðiều quan trọng bậc nhất họ thao thức là cách đối xử với người khác. Làm sao đẩy lùi được mọi hình thức vô nhân đạo, thay vào đó là tăng mãi mức độ nhân đạo lên.

Thực tế cho thấy: Trong mỗi người vẫn có nhiều tính vô nhân đạo. Ðó là sự ác theo bản năng. Người ta coi người khác như yếu tố cần để nâng đỡ đời mình. Nhưng không thiếu trường hợp, người khác bị coi như kẻ cạnh tranh, như kẻ phải loại trừ.

Thái độ quen thuộc nhất là người khác bị coi như kẻ quấy rầy.

Ðôi khi họ bị coi như kẻ mình phải coi chừng.

Không thiếu trường hợp, kẻ khác bị nhìn với con mắt dửng dưng. Khổ mặc khổ. Chết để chết.

Ðó là bản năng, một bản năng có nhiều ít vô nhân đạo. Vượt được bản năng đó không phải dễ.

Thêm vào đó, chính chúng ta cũng vô tình hay hữu ý sinh ra những cái vô nhân đạo. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những sản sinh đó. Những cách vô nhân đạo của chúng ta không xứng với đạo làm người, chứ chưa nói đến đạo làm con Chúa.

Chẳng may, những người khác cũng sản sinh nhiều thứ vô nhân đạo, đôi khi với một cách hung bạo không thể ngờ.

Thành ra, nói cho cùng, sự vô nhân đạo giữa những con người với nhau là một kẻ thù trung thành của lịch sử nhân loại.

Ở đây, chỉ xin nêu lên bốn thứ vô nhân đạo, được ghi trong Phúc Âm, và bây giờ vẫn mãi diễn lại.

 1/ Tinh thần giữ lề luật một cách chật hẹp khô cứng đưa tới vô nhân đạo

Phúc Âm thánh Marcô viết: “Ðức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Nhóm Pharisêu rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy ngày Sabat không, để tố cáo Người. Ðức Giêsu bảo người bại tay: Anh hãy đứng dậy, ra giữa đây. Rồi Người nói với họ: Ngày Sabat được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi. Nhưng họ làm thinh. Ðức Giêsu giận, rảo mắt nhìn họ, buồn khổ, vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: Anh giơ tay ra. Người ấy giơ ra, và tay trở lại bình thường.

“Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ðức Giêsu” (Mc 3,1-6).

Cách giữ luật khô cứng của nhóm Pharisêu, đúng là thái độ vô nhân đạo. Vô nhân đạo đối với người được Chúa Giêsu chữa lành, và vô nhân đạo đối với chính Chúa Giêsu là Ðấng chữa bệnh.

 2/ Nghĩ sai về người khác đưa tới lời nói và việc làm vô nhân đạo

Phúc Âm Marcô nói về nhóm thân nhân của Chúa Giêsu:

Chúa Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,20-21).

Nhóm thân nhân của Chúa Giêsu mới chỉ thấy vài việc bề ngoài, mà đã tưởng mình hiểu đúng, nên vội kết án Người. Ðó là ảo tưởng. Ảo tưởng đó đã khiến họ có những lời nói và việc làm có thể nói là vô nhân đạo đối với người thân. Kết án Người là mất trí và tìm bắt Người vì mất trí, đó chẳng phải là quá vô nhân đạo sao? Trong ảo tưởng nhiều khi cũng có sự tự kiêu, dẫn tới sai lầm tàn bạo.

 3/ Ghen tị khinh miệt đưa tới vô nhân đạo

Phúc Âm thánh Luca cho biết: “Ðức Giêsu về Nadarét là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

Thần khí Chúa ngự trên tôi.
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó...
Rồi Người nói với họ: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe
” (Lc 4,16-21).

Nghe vậy, họ tỏ vẻ kinh ngạc, rồi gièm pha, rồi khinh thường Người. Vì ai cũng biết Người xuất thân ở đó. Sau cùng, tính ghen tương và khinh thường đã khiến họ đi tới một việc làm vô nhân đạo. “Họ lôi Người ra khỏi thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người băng qua họ mà đi” (Lc 4,29-30).

Sau này, vì ghen tương khinh miệt, dân Do Thái đã giết chính Ðấng Cứu thế một cách cực kỳ vô nhân đạo (x. Mt 26,47-56).

Lịch sử đạo đời không thiếu những trường hợp, vì ghen tương và khinh thường mà người ta trở thành vô nhân đạo đối với người khác.

 4/ Phúc Âm còn nói tới những thiếu sót đưa tới thái độ vô nhân đạo

Như trường hợp thầy tư tế không giúp đỡ kẻ bị cướp trấn lột và bị đánh trọng thương (x. Lc 10,29-37).

Và như trường hợp ông phú hộ sống dửng dưng bên cạnh người ăn mày Ladarô (x. Lc 16,19-31).

ù

Suy gẫm vài trường hợp trên đây, chúng ta xin Chúa giải cứu chúng ta khỏi mọi hình thức vô nhân đạo trong đời sống với người khác. Cùng với ơn Chúa, chúng ta chiến đấu với chính mình để trở nên nhân đạo hơn trong đời sống làm người và làm con Chúa.

Nhân đạo khi xuất phát từ đức tin, sẽ là cách làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu.

Ðang khi tôi viết bài chia sẻ này, thì cách đây vài trăm thước, đang diễn ra một đại hội. Âm thanh lớn của đại hội không ngừng tra tấn thần kinh của tôi, khiến tôi khốn khổ và sợ hãi.

Thực tế này càng cho tôi cảm nhận thế nào là nhân đạo trong đời thường.

Lạy Chúa, xin thương cho mọi nền văn minh trên trái đất này được càng ngày càng thêm nhân đạo theo thánh ý Chúa.

Long Xuyên, ngày 19 tháng 10 năm 2008