Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Dâng mình làm của lễ

 

Mỗi năm đến mùa Vọng, tôi lại nhớ về những người đã dọn đường để Chúa đến. Chúa đến với chúng ta, Chúa đến trong chúng ta.

Dọn đường như thế gồm nhiều việc, như xét mình, sám hối, cầu nguyện, vv... Ở đây, tôi xin nhấn mạnh đến một việc quan trọng. Ðó là dâng mình làm của lễ.

Một chút kinh nghiệm xin phép được chia sẻ: Những việc cần để trở nên của lễ là những việc nào?

 1/ Ðược lửa thiêng thiêu đốt

Dù ở địa vị nào, người môn đệ Chúa luôn được mời gọi sống đời dâng hiến. Bản thân mình phải là lễ vật dâng lên Chúa. Ðời mình phải là một chuỗi dài những lễ tế trên bàn thờ cuộc sống.

Ðể trở thành của lễ dâng lên Chúa, người môn đệ Chúa thường nói lại lời Ðấng Cứu thế nói với Ðức Chúa Cha, khi xuống trần: “Này con đây, con đến để thực thi ý Cha” (Dt 10,7).

Không phải nói lời đó là đã thành của lễ, mà thành của lễ là khi Chúa chấp nhận lời đó.

Một dấu chỉ của sự Chúa chấp nhận, là Chúa đổ một thứ lửa thiêng xuống thiêu đốt lễ vật. Lửa đó là lửa tình yêu.

Lửa tình yêu đốt lòng người môn đệ Chúa, như xưa lửa Thánh Thần ngự xuống trên đầu các tông đồ và tràn vào lòng các ngài (x. Cv 2,2-4).

Khi tràn vào lòng các ngài, lửa thiêng ấy đốt cháy các ranh giới trong lòng họ. Không còn ranh giới kẻ mình thương và kẻ mình loại trừ. Không còn ranh giới người đạo mình và người ngoài đạo mình. Lửa tình yêu tạo nên một lương tâm mở, một tình liên đới không biên giới. Họ cảm thấy mình có trách nhiệm với những kẻ khác. Càng khác thì càng phải yêu thương họ.

Yêu thương của người được nhận làm lễ vật sẽ được thực hiện bằng sự họ đền tội thay cho kẻ khác và cho chính mình (x. Dt 5,3).

Yêu thương của họ còn được thực hiện bằng việc khẩn khoản cầu nguyện cho kẻ khác. Cầu nguyện ấy đôi khi kèm theo những tiếng khóc lóc kêu van (x. Dt 5,7).

Yêu thương của họ sẽ được thực hiện một cách đặt biệt bằng sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, cho dù vâng phục ấy đòi nhiều đau đớn (x. Dt 5,8).

Thánh ý Chúa Cha là người ta phải cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. “Nếu các con giữ các điều răn của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,10). Chúa phán “nếu”, nghĩa là người ta có thể vâng và có thể không vâng. Tuỳ tự do của họ. Họ chịu trách nhiệm về sự tự do đó.

 2/ Chọn lựa tự do theo sát hoàn cảnh

Khi tự do chọn cách cộng tác với thánh ý Chúa, người môn đệ Chúa sẽ nhìn vào Phúc Âm và nhìn vào tình hình cụ thể.

Nhìn vào Phúc Âm, để biết ý Chúa muốn gì. Nhìn vào tình hình cụ thể, để biết phải áp dụng ý Chúa một cách khôn ngoan và thiết thực.

Một tình hình cụ thể lúc đó quá nghiêng về đời sống hưởng thụ và ham của cải, Chúa đã gọi thánh Phanxicô Assisi làm chứng cho Chúa bằng đời sống khó nghèo.

Một tình hình cụ thể tại nơi đó đầy những lối sống xa cách và loại trừ kẻ nghèo, Chúa đã gọi Mẹ thánh Têrêsa Calcutta làm chứng cho Chúa bằng đời sống nội tâm và dấn thân cho kẻ nghèo.

Bây giờ cũng vậy, làm chứng cho Chúa thì phải chọn cái gì là thách đố của thời nay và của nơi này.

Thách đố của thời nay và của nơi này là về ý nghĩa cuộc đời.

Khắp nơi đang nổi lên những ý nghĩa khác nhau về cuộc đời. Như hưởng thụ, sống là để hưởng thụ. Như tranh chấp, sống là mạnh được yếu thua. Như trống rỗng, sống là vô ý nghĩa, tha hồ trầm mình vào những gì gặp được. Như người sao ta vậy, sống là đi theo lối mòn vốn có. Như phục vụ, sống là phục vụ người khác.

Phục vụ đúng thì phải chọn đúng đối tượng, làm đúng việc, theo đúng cách, vào đúng thời đúng nơi. Như thế có nghĩa là phải rất sát với hoàn cảnh thực tế. Người môn đệ Chúa sẽ phục vụ một cách tự do theo sát thực tế. Một thứ cảm quan sắc sảo về thực tế được coi là rất cần cho họ. Cảm quan sắc sảo đó sẽ được ban cho họ, khi họ tỉnh thức và cầu nguyện theo lời Chúa dạy (x. Lc 21,36).

 3/ Ðược đổi mới

Người môn đệ Chúa sẽ trở thành của lễ, khi được đổi mới. Ðổi mới đẹp lòng Chúa nhất là được chia sẻ sự sống của Chúa Giêsu. Sự sống mới ấy, tới lúc cao đỉnh, là khi chính Chúa Giêsu sống trong họ. Thánh Phaolô quả quyết: “Tôi cũng chịu đóng đinh vào thánh giá. Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).

Tôi không bao giờ được thấy Chúa Giêsu sống trong ai. Nhưng khi gặp ai, mà người đó mang lại cho tôi một chút sự sống thiêng liêng, một chút tình thương cứu độ, một chút ánh sáng soi về cõi sau, tự nhiên tôi cảm thấy trong họ có Chúa Giêsu.

Họ như một quán trọ tình thương, để những ai mệt mỏi có thể nghỉ ngơi. Họ như một chiếc đèn le lói soi cho những ai đi trong tăm tối được biết đàng phải đi. Theo tôi, họ là những người mang Chúa Giêsu đi vào đời.

ù

Hành trình của những người môn đệ Chúa trên đường dâng mình làm của lễ là như thế đó. Hành trình đó là một hành hương. Phải đi mãi, đi hoài. Ðừng đặt vấn đề thành công hay thất bại. Nhưng chỉ là một lời xin vâng cho suốt đời mình.

Long Xuyên, ngày 26 tháng 11 năm 2008