Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Ðược đón nhận và đón nhận

 

Người môn đệ Chúa, lúc về già, thường hay hồi tưởng. Hồi tưởng nhiều nhất thường về các liên đới: Cho đi, được đón nhận và đón nhận.

Riêng tôi, tôi thấy được đón nhận và đón nhận là nổi nhất.

Xin chia sẻ đôi chút về liên đới ấy của tôi.

 1/ Ðược đón nhận và đón nhận, khi kẻ được sai đến là bất xứng

Khi được sai đến giáo phận Long Xuyên với chức vụ mới (30/4/1975), tôi còn khá trẻ. Nhưng tuổi trẻ không hẳn là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ khác.

Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Corintô: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy” (1 Cr 2,2). Còn tôi, tôi run rẩy và sợ sệt, không những vì yếu kém, mà còn vì quá bất xứng.

Một hình ảnh về bất xứng được vua Ðavít nêu lên để nói về chính mình: “Con chỉ là sâu bọ, chứ không là người. Con bị người mắng chửi dể duôi. Thấy con ai cũng chê cười” (Tv 22,7-8).

Tuy nhiên, vẫn có những người đón nhận kẻ được sai đến, dù kẻ đó là ai, dù kẻ đó thế nào. Sự đón nhận như thế đã cho tôi một lẽ sống. Lẽ sống là thấy mình được khích lệ. Khích lệ, cho dù nhỏ mà thật, vẫn giúp đời mình vui sống. Vui sống nhất là tay trong tay đi về hướng phục vụ. Phục vụ con người và phục vụ Chúa.

Trong nhận thức đó, phục vụ thường xuyên nhất là khao khát cho mọi người biết thương yêu nhau. Thương yêu nhau bằng những liên hệ rất thường. Một cái nhìn, một lời nói, khi mang sự cho đi chính mình, một cách chân thành, sẽ rất quý đối với kẻ được nhận lẫn đối với kẻ cho đi. Nó cũng rất quý để đổi mới xã hội và Giáo Hội.

Tôi đã được đón nhận như thế. Sự được đón nhận ấy được tôi đón nhận với lòng cảm ơn vô vàn.

Tâm tình cảm tạ dừng lại lâu hơn ở một lời Chúa Giêsu đã dặn dò: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Hơn bao giờ hết, lời Chúa Giêsu trên đây đã trở nên cấp bách. Vì lúc đó là lúc mới kết thúc chiến tranh. Bấy giờ yêu thương nhau phải được coi là thuốc băng bó các vết thương tâm hồn. Nếu yêu thương nhau không bao giờ được chỉ là trừu tượng, thì để chữa các tâm hồn, nó phải rất cụ thể. Nó phải cảm thấy được. Nó phải rất thật, từ trong tâm hồn đến từng chi tiết nhỏ của thân xác.

Trên thực tế, thực hiện yêu thương lúc đó là điều rất khó. Rất khó mà vẫn phải thực hiện. Vì đó là sứ mệnh của Chúa Giêsu, một sứ mệnh Phúc Âm, một sứ mệnh truyền giáo, một sứ mệnh để làm chứng cho Chúa Giêsu.

Với ý thức đó, khi chúng tôi đón nhận nhau và đón nhận “giới răn mới của Chúa” (Ga 13,34), chúng tôi tập trung vào sự cầu nguyện. Cầu nguyện như một đợi chờ lời Chúa hứa, cầu nguyện như một niềm tin vào Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh.

Chúa đã đến. Chúng tôi đã đón nhận Người. Người đã đón nhận chúng tôi.

 2/ Ðược đón nhận và đón nhận Chúa Cứu thế đến với một thực tế khác

Tình hình bấy giờ đã hoàn toàn đổi mới. Chúng tôi bỏ mọi sự, chỉ giữ lại đức tin. Ðức tin lúc đó được thanh luyện. Nên sẵn sàng đón nhận Chúa Giêsu y như Phúc Âm giới thiệu.

a) Ðức Giêsu hiền lành và khiêm nhường.

Phúc Âm ghi lại lời Chúa sau đây: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Thầy và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy thì êm ái, và gánh Thầy thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Ðúng là Chúa Giêsu đã đến với chúng tôi như Ðấng hiền lành và khiêm nhường. Chúng tôi để gánh nặng chúng tôi trên lòng Người. Và chúng tôi tự nhiên cũng được Người chia sẻ cho sự hiền lành và khiêm nhường của Người. Lúc đó, chúng tôi cảm nghiệm được một Ðấng Cứu thế đang phục sinh chúng tôi. Người đưa chúng tôi vào một sự sống mới. Sự sống mới đó làm cho chúng tôi được nhẹ nhàng.

b) Ðức Giêsu khó nghèo, chỉ tìm vâng phục thánh ý Chúa Cha để cứu nhân loại.

Hoàn cảnh lúc đó là khó nghèo. Mọi thứ của cải và địa vị đều xa vắng trong cuộc sống chứng nhân Tin Mừng. Chính trong hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu đã đến trong hình thức nghèo khó. Gặp Người, chúng tôi thấy rất gần gũi với Người. Người trở nên giống chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy giống như Người. Ðiều quan trọng chúng tôi nhận ra lúc đó là sống thực thi thánh ý Chúa. Thánh ý Người rất khác ý con người.

Thánh ý Chúa được tỏ bày là: Chúng tôi hãy làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống nghèo như Chúa Giêsu và lo phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu.

Liên đới với lớp người nghèo khổ chính là ý nghĩa đời sống của người môn đệ Ðức Kitô.

Ðó cũng sẽ là làm chứng cho sự tự do đích thực của người môn đệ Ðức Kitô.

 3/ Ðược đón nhận và đón nhận một Hội Thánh địa phương với một hình thức mới

Hình thức mới, đó là một Hội Thánh khiêm tốn, khó nghèo và phục vụ những người nghèo khổ. Với hình thức đó, Hội Thánh sẽ rao giảng Tin Mừng kiểu mới. Tin Mừng là chính Ðức Giêsu thành Nadarét khó nghèo, yêu thương. Liên hệ giữa Hội Thánh địa phương với lớp người nghèo khổ sẽ là một ý nghĩa thiết thực của Hội Thánh. Hội Thánh nghèo rao giảng Tin Mừng bằng những phương tiện nghèo.

Hội Thánh địa phương đón nhận ý nghĩa mới đó, với niềm xác tín rằng: Liên hệ với lớp người nghèo khổ cũng là thể hiện liên hệ của mình với Chúa Giêsu. Cùng với Hội Thánh địa phương như thế, người môn đệ Chúa Giêsu sẽ ưu tiên chọn những hình thức phục vụ bé nhỏ, thầm lặng. Phục vụ như người đồng hành và như “người đầy tớ” (Lc 17,10).

Khi phục vụ như thế, người môn đệ Chúa cảm thấy mình và Hội Thánh địa phương dễ được đón nhận bởi những người xa lạ với đạo Chúa, thậm chí ác cảm với đạo Chúa.

ù

Hồi tưởng trên đây, dù vắn, vẫn đưa tôi tới tâm tình cảm tạ. Xin tạ ơn Chúa đã chỉ cho tôi một hướng đi cho một thời. Xin cảm ơn mọi người đã cùng nhau cộng tác. Trong cảm tạ có sám hối chân thành vì bao yếu đuối. Từ đây là những hơi thở phó thác: “Lạy Cha, con xin dâng phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Long Xuyên, ngày 11 tháng 11 năm 2008