Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Một con đường đào tạo

 

Thánh Gioan Baotixita là “Kẻ dọn đường cho Chúa đến” (Lc 7,27).

Chúa đã đào tạo kẻ dọn đường đó thế nào?

Tôi nhìn thấy bốn điểm nổi bật này:

 1/ Sự câm lặng của người cha

Cha Gioan là thầy tư tế Dacaria. Một hôm ông Dacaria đang dâng hương trong đền thờ Chúa, thì Tổng lãnh thiên thần Gaprien hiện ra với ông. Sứ thần Chúa báo tin cho ông biết là bà Elisabet, vợ ông sẽ sinh ra cho ông một con trai. Ông phải đặt tên cho nó là Gioan. Em bé sẽ được đầy Chúa Thánh Thần, sẽ đi trước mặt Chúa, chuẩn bị cho dân sẵn sàng đón Chúa. Nghe vậy, ông Dacaria bỡ ngỡ, không muốn tin. Ðể làm dấu cho ông tin, sứ thần bảo: “Này đây, ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra” (Lc 1,5-22). Tư tế Dacaria bị câm cho đến ngày Gioan được cắt bì.

Tôi coi sự câm lặng Chúa làm cho ông Dacaria là một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo nên “Kẻ dọn đường cho Chúa đến”.

Ngài câm lặng như một hy sinh bày tỏ sự vâng phục ý Chúa. Kẻ dọn đường cho Chúa sẽ phải là người từ bỏ mình về mọi mặt, nhất là từ bỏ ý riêng mình.

Dacaria câm lặng không phải để mà câm lặng, nhưng để trở về nội tâm mình, mà cầu nguyện và chiêm niệm chương trình của Chúa.

Câm lặng đó không phải cái gì tiêu cực, nhưng là cái gì rất tích cực. Nó giúp ông Dacaria biết mình là kẻ bất lực bất xứng trước kế hoạch cứu độ của Chúa. Nó giúp ông nhận ra lòng thương xót và quyền năng vô cùng của Chúa. Câm lặng là để rèn luyện đức tin.

Ông Dacaria vì thế đã là một nhân tố rất quan trọng đào tạo nên “Kẻ dọn đường cho Chúa đến”.

 2/ Sự ẩn mình của người mẹ

Phúc Âm ghi lại như sau: “Ít lâu sau, bà Elisabet có thai. Bà ẩn mình năm tháng” (Lc 1,24).

Sự ẩn mình của bà Elisabet là một chi tiết đạo đức đặc biệt. Theo thói thường, người đàn bà cao tuổi, son sẻ, mà thế gian cho rằng không còn hy vọng có con, nay bỗng có thai. Ðó là một tin vui cho phép nở mày nở mặt. Tin vui đó nên được khoe ra để hãnh diện.

Nhưng, bà Elisabet đã không làm thế. Bà ẩn mình trong một thời gian dài. Bà chỉ ra mặt trong tháng thứ sáu, để đón tiếp Ðức Mẹ Maria cũng mới mang thai Ðấng cứu thế.

Trong thời gian dài ẩn mình, bà Elisabet đã tập trung lòng trí mình vào việc tạ ơn và cầu nguyện. Bà không hiểu nhiều về chương trình cứu độ. Bà chỉ đón nhận tin vui như một ơn Chúa ban cho bà một cách nhưng không.

Trước ơn nhưng không đó, bà tạ ơn và cầu nguyện một cách khiêm nhường. Bà tin vào Chúa và nhìn về tương lai với lòng phó thác đơn sơ.

Sự khiêm nhường của đức tin nơi người mẹ đã là môi trường đào tạo nên Gioan. Môi trường ấy đã rất đạo đức trong lòng người mẹ. Thai nhi Gioan đã được cưu mang trong môi trường ẩn dật của lòng người mẹ đạo đức. Ðúng là giáo dục con từ thuở còn là bào thai.

 3/ Sự thánh hoá âm thầm của Ðức Mẹ Maria

Phúc Âm kể: “Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabet. Bà Elisabet vừa nghe tiếng Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói với Maria rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,39-42).

Qua đoạn Phúc Âm vừa ghi, tôi thấy Ðức Mẹ Maria đã giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo “Kẻ dọn đường cho Chúa đến”. Mẹ đã thánh hoá thai nhi một cách bất ngờ.

Sự thánh hoá bất ngờ đó đã được thực hiện một cách rất hồn nhiên. Không có nghi thức. Chỉ có một lời chào. Lời chào đó đi kèm với sự gặp gỡ thân thương đã chuyển vào thai nhi nguồn ơn thánh đặc biệt. Thai nhi được ơn thánh hoá một cách âm thầm.

Biến cố thánh hoá xảy ra giữa hai phụ nữ thánh, và hai thai nhi thánh. Ðiều đó cho tôi thấy: Sự thánh hoá thường được thực hiện bởi những nhân vật thánh. Họ sống khiêm tốn, cầu nguyện và hy sinh, vững tin vào Chúa. Họ sống ẩn dật, ngoan ngoãn đặt mình trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

 4/ Cảnh hoang địa mà Gioan được đưa vào

Phúc Âm kể về Gioan: “Cậu bé này lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1,80).

Hoang địa mà Gioan được đưa vào không rõ là sa mạc hay rừng cây. Nhưng biết chắc đó là một thiên nhiên vắng vẻ. Sống trong thiên nhiên đó sẽ không có tiện nghi. Một mình phải tự lo lấy để sống từ ngày này sang ngày kia. Tất nhiên cuộc sống sẽ rất vất vả, về cái ăn, cái mặc, cái ở.

Gioan sống khắc khổ, không phải như một lối sống hoang dã, như một lối sống tu hành. Vừa lao động vừa chiêm niệm, trong một môi trường thiên nhiên vắng vẻ.

ù

Một thoáng nhìn trên đây về con đường đào tạo “Kẻ dọn đường cho Chúa đến” cho phép tôi đi tới ba kết luận này:

a) Môi trường nhân sự là hết sức quan trọng. Ông Dacaria, bà Elisabet, Ðức Mẹ Maria là những nhân sự thánh. Các người thánh sẽ góp phần đào tạo nên người thánh.

b) Môi trường thanh vắng là một yếu tố không nên coi thường. Sự thanh vắng để cầu nguyện và chiêm niệm luôn luôn có sức đào tạo nên những con người thánh.

c) Môi trường siêu nhiên là yếu tố rất cần thiết. Môi trường này là thái độ của các tâm hồn khiêm tốn, luôn đón nhận mọi ý Chúa, một cách kính trọng, để cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa một cách từ bỏ, dấn thân và phó thác.

Long Xuyên, ngày 16 tháng 6 năm 2008