Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Nhắc nhở của phái đoàn Toà Thánh

 

Phái đoàn Toà thánh đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 09 đến ngày 15/6/2008. Ðây là một sự kiện lịch sử. Mọi thành phần Giáo Hội Việt Nam đều đón chờ tin tức. Phòng Báo chí của Toà Thánh đã đáp ứng bằng một thông cáo chính thức công bố ngày 17/6/2008.

Tôi đã đọc và rất vui mừng với từng chi tiết. Riêng mấy chi tiết sau đây đã khiến tôi suy nghĩ nhiều:

Sự đóng góp của các tín hữu vào việc thăng tiến con người, sự phổ biến một nền văn hoá liên đới với những tầng lớp yếu thế nhất trong dân chúng, và việc giáo dục luân lý cho các thế hệ trẻ”.

Phái đoàn Toà Thánh coi những chi tiết trên đây là “thuộc đời sống và hoạt động của Giáo Hội Việt Nam”. Nói thế là Phái đoàn nhấn mạnh mấy chi tiết đó với xã hội Việt Nam, đồng thời cũng nhắc nhở cho chính Giáo Hội Việt Nam.

Nhắc nhở này là rất quan trọng.

 1/ Ðây là một bổn phận Phúc Âm

Phúc Âm đề cao bổn phận đối với những người đau khổ. Công đồng Vatican II nhấn mạnh đến phẩm giá con người, Thông điệp “Ðấng Cứu chuộc con người” coi con người là con đường của Hội Thánh.

Giáo Hội Việt Nam vốn ý thức điều đó.

Thế nhưng, đối với nhiều người công giáo Việt Nam, bổn phận Phúc Âm đó vẫn chưa được quan tâm đủ và đúng cả trên thực tế lẫn trên lý thuyết.

Có một thói quen dễ làm cho người ta hiểu việc giữ đạo chỉ đơn sơ trong một khuôn khổ nhỏ, như xem lễ, đọc kinh, tham gia việc chung họ đạo, vâng lời cha xứ, đóng góp cho nhà thờ.

Có một truyền thống dễ làm cho người ta hiểu gia đình thiêng liêng của người công giáo là một ranh giới hẹp, như cùng một đức tin, cùng một phép rửa, cùng một Thiên Chúa là Cha.

Những ranh giới đó đã ổn định rồi. Vượt ra những ranh giới đó là một mạo hiểm chưa quen. Bởi vì:

Thăng tiến con người là một chân trời mênh mông. Nên rất ngại.

Văn hoá liên đới với những thành phần yếu thế nhất trong quần chúng là một cởi mở đòi nhiều dấn thân. Nên ngại.

Giáo dục luân lý cho giới trẻ là một điều đòi phải làm gương hơn là nêu lý thuyết. Ðòi hỏi như thế là một thách đố lớn. Nên ngại.

Tuy nhiên, không thiếu người công giáo tại Việt Nam vẫn phấn đấu vượt qua trở ngại, để sống đạo theo hướng mở ra về phía con người. Trở ngại do xã hội, trở ngại do nội bộ, trở ngại do chính mình. Họ phấn đấu với nhiều vất vả và đau đớn. Nhưng Chúa luôn giúp đỡ họ.

Rất cảm ơn Phái đoàn Toà Thánh đã khuyến khích hướng sống đạo mở ra về con người.

Càng rất cảm ơn Phái đoàn Toà Thánh về nhắc nhở đó, vì hướng mở ra cũng đang giúp công giáo đối thoại với các tôn giáo bạn và với xã hội Việt Nam hôm nay.

 2/ Ðây là một địa chỉ đối thoại

Ðã từ lâu, nhất là từ ngày dân chúng Việt Nam sống trong chế độ mới, các tôn giáo tại Việt Nam đã dần dần ý thức về thời điểm mới. Thời điểm mới này coi đối thoại về cuộc sống con người là cách khẳng định tốt nhất về giá trị tôn giáo của mình.

Xin phép đưa ra một kinh nghiệm sống động riêng tư:

Giáo phận Long Xuyên nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tôn giáo. Trong đó, tôn giáo mạnh nhất là Phật giáo Hoà Hảo.

Ðược sống giữa các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, tôi thường xuyên có một sự đối thoại với các tín đồ tôn giáo bạn. Ðối thoại này là đối thoại về cuộc sống con người. Ðời sống con người ở đây có nhiều khó khăn về nhiều mặt. Chính đời sống đó là địa chỉ để chúng tôi gặp nhau.

Phải chân thành nói lên sự thực này là: Nói chung, các anh chị em Phật giáo Hoà Hảo thực hiện rất tốt một nền văn hoá liên đới với những người nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật, già cả.

Người công giáo chúng ta cũng thực hiện nền văn hoá liên đới với những thành phần yếu nhất trong xã hội. Nhưng đôi khi chưa nhiều bằng, chưa mau lẹ bằng, chưa bền bỉ bằng.

Có thể nói việc từ thiện vốn được coi là việc chính của đạo ta, nhưng đó là trên lý thuyết, chứ không luôn trên thực tế.

Vì thế, sự nhắc nhở của Phái đoàn Toà Thánh trong thời điểm này là rất quý giá. Việc truyền giáo sẽ sinh được hiệu quả nhiều hay ít, cũng tuỳ thuộc vào hướng phục vụ con người, nhất là bằng một nền văn hoá liên đới đối với những tầng lớp khổ đau.

 3/ Ðây là một hướng truyền bá đức tin

Năm 1937, Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc đã nói với các nhà truyền giáo: “Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đoá hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình lan toả. Cả người mù không nhìn thấy hoa hồng mà cũng nhận ra được hương thơm của nó. Hãy để cho chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của nhân dân các ngài, khi họ toả hương thơm đời sống. Ðối với tôi, đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời sống Kitô hữu, chứ không phải chú giải nó”.

Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã làm như vậy. Và Mẹ đã được dân tộc Ấn Ðộ tôn vinh. Ai cũng biết đời sống của Mẹ là âm thầm trong hy sinh phục vụ người nghèo và chiêm niệm lặng lẽ. Ðó là đời sống đức tin đẹp lòng Chúa, và được lòng dân. Nó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc loan báo Tin Mừng giữa một vùng đất mênh mông không Công giáo.

Tại Ấn Ðộ là thế, còn tại Việt Nam ta thì sao? Tôi thấy tại Việt Nam cũng thế thôi. Nhưng một hướng sống đạo khác đang lấn lướt. Ðó là một hướng sống đạo ồn ào đặt nặng thành tích bề ngoài.

Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung và từng vị Giám mục Việt Nam nói riêng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc làm chứng cho đức tin bằng đời sống, cho dù âm thầm. Nay Phái đoàn Toà Thánh nhắc nhở hướng đó, thực là quý hoá.

ù

Phái đoàn đến rồi đi. Còn Hội Thánh Việt Nam vẫn ở lại trên đất nước này một cách vui tươi trong niềm hy vọng vào Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người tín hữu chúng ta biết thực hiện những gì Phái đoàn nhắc nhở.

Thực hiện là điều không dễ. Khó ở phía xã hội. Khó cũng ở phía chúng ta. Nhưng chúng ta cậy tin vào Chúa nhân lành giàu tình yêu thương xót.

Long Xuyên, ngày 29 tháng 6 năm 2008