Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Hoàn cảnh cụ thể

 

Trong mùa Chay, tôi hay nhìn lên thánh giá để suy gẫm. Suy gẫm của tôi dựa trên Phúc Âm.

Phúc Âm kể lại con đường dẫn Chúa Giêsu đến thánh giá. Những gì kể lại là rất cụ thể. Năm nào, ai đứng đầu quyền đạo quyền đời lúc đó, hoàn cảnh ra sao.

 Hoàn cảnh cụ thể

Phải nhận rằng: Hoàn cảnh đạo lúc bấy giờ đang phân hoá và xuống dốc.

Ðứng đầu cơ chế đạo là thượng tế Caipha, thượng Hội đồng gồm các thượng tế, các kỳ mục, và các kinh sư.

Cơ chế này thường thích một nếp sống đạo ổn định, cho dù lỗi thời và sai.

Bên cạnh cơ chế là nhóm biệt phái. Nhóm này giữ đạo theo hình thức, cốt để phô trương chính mình.

Nhóm thương mại gồm những con buôn và thu thuế. Ða phần họ nhắm vào tiền bạc.

Giai cấp giàu sang. Họ sống quý phái. Cách sống đạo của họ cũng quý phái.

Giai cấp lầm than. Họ là những người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị loại trừ.

Loại bị quỷ ám. Số người bị quỷ ám bấy giờ khá đông. Hầu như nơi nào Chúa Giêsu đến cũng gặp họ.

Loại người có đạo nhưng không có đức tính nhân bản cũng khá phổ biến. Như trường hợp 10 người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người biết cám ơn, người đó lại là người ngoại.

Loại người có đạo sống thụ động, bám vào cơ chế một cách máy móc, dựa trên dư luận một cách mù quáng.

Chính quyền bảo hộ Rôma là quan Philatô và vua Herode. Chính quyền này lo giữ địa vị và hưởng lợi hơn là xét xử theo công lý.

 Con đường cứu độ

Chính nhu cầu đổi thay hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó đã là một trong các động lực viết ra con đường cứu độ của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã cứu độ bằng rao giảng, bằng cầu nguyện, bằng chay tịnh, bằng gương xót thương, nhất là bằng tự hạ, tự hiến.

Khi vào thế gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-6).

Ý Chúa Cha là Ðức Giêsu phải uống chén đắng Chúa Cha trao cho (x. Ga 18,13).

Mạng sống của Thầy, không ai lấy đi được. Nhưng chính Thầy tự ý hy sinh mạng sống mình. Ðó là mệnh lệnh của Cha tôi, mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18).

Ðó là con đường tự hạ, tự hiến. Thánh Phaolô quả quyết:

Ðức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập giá
” (Pl 2,6-8).

Chính Chúa Giêsu phán: “Thật, Thầy bảo thật các con: Nếu hạt giống gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Con đường khiêm tốn tự chọn, tự hạ, tự huỷ là một hy sinh để chứng tỏ tình yêu. Nhờ vậy, mà muôn ngàn đời, khi nhìn cây thánh giá, người ta sẽ nhận ra: Ðây chính là nơi, mọi người sẽ cảm thấy mình được an ủi, được tha thứ, được cứu độ.

 Nhìn vào lịch sử

Con đường Chúa Giêsu đã chọn để cứu đời cũng là con đường nhiều môn đệ Chúa sẽ chọn trong chương trình cứu độ. Chọn một cách thiết thực và gắn bó. Bởi vì họ luôn kết hợp với Chúa Giêsu. Chúa phán: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Mọi chấn chỉnh đều nhằm làm chứng cho đạo đức.

Nhìn vào lịch sử Hội Thánh, tôi thấy hoàn cảnh lịch sử cụ thể đi liền với sự lựa chọn con đường cứu độ.

Ðể cứu hoàn cảnh lịch sử lúc đó nơi đó, Chúa đã kêu gọi những vị sáng lập Dòng, những vị mở đầu cho một con đường tu đức mới. Tất cả các vị đó đều có đặc điểm là rất mực khiêm nhường, rất mực khó nghèo, rất mực yêu thương, rất mực hy sinh, rất mực sáng suốt.

Tới đây, tôi nhìn vào hoàn cảnh cụ thể của đạo Công giáo tại Việt Nam hôm nay.

Tôi không dám nói: Ðây là một hoàn cảnh không có gì phải chấn chỉnh.

Tôi cũng không dám nói: Sẽ có những chấn chỉnh ngoài mẫu gương Chúa cứu thế.

Vì thế, tôi tha thiết cầu nguyện xin Chúa thương đến Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể này. Xin Chúa thương ban rất nhiều ơn cho những người Chúa chọn để chấn chỉnh đạo Chúa trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay.

Long Xuyên, ngày 28 tháng 02 năm 2008