Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Khả năng yêu thương

 

Thiên Chúa giáng trần là một biến cố lịch sử. Ðể kỷ niệm biến cố trọng đại đó, chúng ta hằng năm lo tổ chức lễ Giáng sinh.

Tổ chức bằng những thay đổi bên ngoài, như dọn hang đá, trang trí nhà thờ, chuẩn bị lễ nghi, thay đổi hoàn cảnh.

Tổ chức bằng những thay đổi bên trong, như sám hối, cầu nguyện, tĩnh tâm, thay đổi tâm hồn.

Dưới đây là một chút gợi ý về thay đổi tâm hồn.

 1/ Làm mới lại cái nhìn về Chúa giáng sinh

Dựa trên Phúc Âm, chúng ta nhìn Chúa giáng sinh là Ðấng Cứu độ. Ngưới cứu độ bằng tình yêu.

a) Tình yêu tự nguyện sống khiêm tốn khó nghèo.

Tình yêu khiêm tốn và khó nghèo của Ngôi Lời xuống thế đã được thánh Phaolô mô tả như sau:

Ðức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Theo suy nghĩ trên đây của thánh Phaolô, thì vinh quang của Ðức Giêsu Kitô chính là hang đá khó nghèo, là hình thức trẻ thơ, là cảnh bần cùng của cánh đồng nuôi súc vật, là những khuôn mặt đơn sơ của các mục đồng dốt nát.

Hoà mình vào môi trường đó là một chọn lựa của tình yêu. Ðấng cứu chuộc muốn giải cứu nhân loại bằng tình yêu khiêm tốn khó nghèo, chứ không phải bằng một tình yêu thích cao sang.

b) Tình yêu tự nguyện hy sinh mạng sống.

Chính Chúa Giêsu đã nói về mình: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Thầy, là vì Thầy hy sinh mạng sống mình... Mạng sống của Thầy không ai lấy đi được, nhưng chính Thầy tự hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18).

Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống mình ngay từ giây phút đầu tiên giáng trần. Ở chỗ “Người biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15), “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Cảm thương, chịu thử thách, trải qua nhiều đau khổ, vâng lời, đó là những bước đi của tình yêu hy sinh mạng sống mình.

c) Tình yêu dấn thân đi tìm con chiên lạc.

Chúa Giêsu phán: “Người nào trong các ông có 100 con chiên, mà bị mất một con, lại không để 99 con chiên kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Tìm thấy rồi, người ấy mừng rỡ vác trên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè hàng xóm lại và nói: 'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó'. Vậy, tôi nói thật với các ông: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,4-7).

Chúa Giêsu giáng trần là để tìm những con chiên lạc. Người tìm bằng tình yêu âm thầm, mà đầy dấn thân.

Chúa phán: “Thầy không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

Trên đây là vài nét chính về Chúa Giêsu, Ðấng Cứu thế của chúng ta. Hôm qua Người là thế. Hôm nay Người cũng vậy. Ngày mai và mãi mãi Người luôn là Tình yêu sống động.

Người đến cứu ta. Nhưng ta phải cộng tác vào công việc cứu độ của Người.

Cái nhìn trên đây sẽ giúp thanh luyện cái nhìn của chúng ta về Chúa giáng sinh. Cái nhìn được thanh luyện sẽ giúp cho chúng ta thấy: Chúa giáng sinh có liên hệ mật thiết với chúng ta. Chúa giáng trần là vì mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta sẽ gặp Người như gặp một tình yêu gần gũi.

Chúa cứu thế là như vậy. Còn môn đệ Người thì sao?

 2/ Thay đổi cái nhìn về người môn đệ Chúa

Theo cũng một dòng suy nghĩ như trên, chúng ta sẽ dễ nhận ra đặc điểm của người môn đệ Ðức Kitô.

Ðặc điểm đó là: Cùng với Ðức Kitô, họ góp phần cứu độ nhân loại bằng tình yêu:

Tình yêu của người môn đệ Chúa chảy theo dòng thời gian. Thời gian thay đổi. Nhưng tình yêu cứu độ của người môn đệ Chúa Giêsu phải dựa trên Ðấng đời đời. Nhờ đó mà những khoảnh khắc mau qua của họ có được giá trị vĩnh cửu.

Do đó, để tuyển chọn người làm môn đệ Ðức Kitô, những người có trách nhiệm trong Hội Thánh phải để ý nhiều đến khả năng yêu thương của họ. Khả năng yêu thương phục vụ trong Ðức Kitô.

Không thiếu trường hợp, khả năng yêu thương đã không là tiêu chuẩn trong việc chọn lựa, trong việc đào tạo, trong việc đánh giá.

Thành thực mà nói, nhiều người có khả năng trí thức và tổ chức cao, nhưng rất yếu về khả năng yêu thương cứu độ.

Ðể đánh giá khả năng yêu thương, chúng ta không nên dựa vào hiệu năng trôi nổi, như thành công trong dư luận và trong thành tích bề ngoài.

Chúa Giêsu xưa đã sống yêu thương để cứu đời, nhưng Người đã bị nhiều người từ chối. Thánh Gioan còn nói một câu thê thảm: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có. Nhưng họ lại không nhận biết Người. Người đi đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11).

Chúa Cứu thế đã không được mọi người đón nhận ngay ở Bêlem. Những kẻ đón nhận Người là số ít. Người vẫn là tình yêu cô đơn. Người vẫn là tình yêu bị chối từ. Người vẫn là tình yêu bị truy đuổi.

Số phận người môn đệ Chúa Giêsu cũng sẽ là như thế. Vì đầy tớ không trọng hơn thầy.

Dù trong những hoàn cảnh cay đắng nhất, người môn đệ Chúa vẫn giữ được khả năng yêu thương. Hơn thế nữa, khả năng yêu thương nơi họ sẽ mãi mãi tăng lên, nhất là những khi bị thử thách.

Khả năng yêu thương, đó là lời nguyện cầu dâng lên Chúa của chúng ta.

Khả năng yêu thương, đó là lời mừng chúc chúng ta gởi cho nhau.

Khả năng yêu thương, đó là điều làm vinh danh Chúa trong đời người môn đệ Ðức Kitô.

Khả năng yêu thương, đó là điều chúng ta thấy mình thiếu sót, cần sám hối và phó thác nơi lòng thương xót Chúa.

Long Xuyên, ngày 6 tháng 11 năm 2008